Đáng lưu ý tại Campuchia đã ghi nhận hơn 1.000 người bị nhiễm bệnh do virus CHIKV tại 15 tỉnh thành của nước này, trong đó có nhiều địa phương tiếp giáp với một số tỉnh thành Nam bộ của Việt Nam.
Bệnh không lạ, khả năng xâm nhập cao
Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, bệnh do virus CHIKV không phải là một căn bệnh mới nổi mà đã tồn tại nhiều năm nay tại khu vực châu Phi, Ấn Độ và Đông Nam Á. Virus CHIKV là một Alphavirus lây truyền qua muỗi, thuộc họ Togaviridae được phân lập lần đầu ở Tanzania vào năm 1952. Thực chất CHIKV là loại bệnh tương tự như sốt xuất huyết (SXH) hay Zika. Tuy nhiên nếu SXH do virus Dengue gây ra thì Zika và CHIKV là những bệnh truyền nhiễm do các Arbovirus (còn có tên là virus từ côn trùng tiết túc) gây ra.
Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh CHIKV thường có biểu hiện nhẹ mà có thể nhầm với sốt Dengue. Triệu chứng bao gồm: sốt, đau đầu, đau khớp, cơ, nổi mề đay, phát ban... Phần lớn người bệnh cảm thấy đỡ hơn trong vòng một tuần. Ở một số người bệnh, đau khớp kéo dài hàng tháng; trong khi trẻ nhỏ mắc bệnh CHIKV có thể gây tử vong. Người bệnh thường xuất hiện triệu chứng 3-7 ngày sau khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt, sau đó sốt và đau khớp; có thể đau đầu, đau cơ, sưng khớp và phát ban. Bệnh CHIKV thường không gây chết người, nhưng triệu chứng có thể trầm trọng và gây tàn phế do đau khớp kéo dài.
Theo một số chuyên gia dịch tễ, tại nước ta qua một số nghiên cứu gần đây đã xác định một tỷ lệ nhất định người bị nhiễm virus CHIKV. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, dù thành phố chưa ghi nhận ca nhiễm virus CHIKV, nhưng ngành y tế vẫn đề cao cảnh báo và tăng cường giám sát cùng với bệnh Zika, SXH. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, để phòng ngừa và kiểm soát CHIKV, tốt nhất là vệ sinh sạch sẽ nơi ở, hạn chế sự phát triển của muỗi, phun hóa chất, diệt lăng quăng, ngủ màn. Đối với lực lượng y tế cần duy trì phun hóa chất diệt côn trùng và lăng quăng tại những khu vực có nguy cơ cao.
CHIKV không hề mới tại Việt Nam cũng như thế giới và đến thời điểm này, Việt Nam chưa có ghi nhận nào về bệnh CHIKV, nhưng PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng, khả năng xâm nhập virus CHIKV vào Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là tại các khu vực vùng biên giới giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc, vì vậy người dân cần thực hiện các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Các tỉnh vùng biên lên phương án đối phó
Theo Bộ Y tế, bệnh do CHIKV gây ra chưa có vaccine phòng ngừa và không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, trong quá trình điều trị, người bệnh cần uống nhiều nước; dùng Acetamonophen hoặc Paracetamol để giảm sốt, giảm đau nhưng tuyệt đối không sử dụng Aspirin và các thuốc kháng viêm Non-steroid khác, trừ khi đã loại trừ được bệnh SXH Dengue. Bên cạnh đó, các tỉnh vùng biên cần lên phương án chủ động đối phó bệnh CHIKV xâm nhập.
Theo ông Dương Ân Hận, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, tỉnh chưa phát hiện bệnh do CHIKV gây ra. Tỉnh Đồng Tháp có gần 50km đường biên giới với Campuchia. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế Đồng Tháp theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời phối hợp các huyện tăng cường truyền thông bệnh do CHIKV để người dân biết, thực hiện.
Tại tỉnh Lâm Đồng, Sở Y tế tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng và Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, thực hiện sàng lọc; thu dung bệnh nghi nhiễm CHIKV, sốt xuất huyết Dengue, Zika; điều tra, quản lý chặt thông tin bệnh, lấy mẫu xét nghiệm đúng chỉ định. Khi phát hiện các trường hợp bất thường, phải báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Sở Y tế để chỉ đạo kịp thời.
Ngày 21-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã đề nghị trung tâm y tế của 8 huyện, thành phố triển khai giám sát tại các cơ sở y tế và cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh nếu có. Đồng thời, ngành y tế thực hiện việc điều tra xác minh ca bệnh, khai thác chi tiết tiền sử dịch tễ từ vùng có dịch, nhất là tại 2 huyện Đắk Mil, Tuy Đức - nơi có 2 cửa khẩu.
Để ngăn chặn bệnh lây lan, xâm nhập qua biên giới, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao cho Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, không để bệnh thâm nhập, lây lan, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới để phòng chống Covid-19 và CHIKV.