Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND các tỉnh thành chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chống rét, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân (không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người); phòng, chống cháy nổ khi sưởi ấm; đặc biệt chú ý chống rét và các diễn biến thời tiết khắc nghiệt khác cho người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế... Căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Chủ tịch UBND các tỉnh thành chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra tình trạng thiệt hại về người và cây trồng, vật nuôi bị chết nhiều do chủ quan, lơ là, không thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống đói, rét (nhất là rét đậm, rét hại), dịch bệnh cho người dân và cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Bộ GD-ĐT phải hướng dẫn cho các cơ sở GD-ĐT việc nghỉ học của học sinh khi có rét đậm, rét hại và các diễn biến bất thường khác do giá rét... Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ trực tiếp chỉ đạo, theo dõi thực hiện nội dung công điện.
* Ngày 25-12, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế ) có công văn yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện thực hiện các biện pháp đảm bảo việc phòng chống rét tại cơ sở như nơi xếp hàng chờ khám, khoa khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, buồng bệnh… bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi và phương tiện giữ nhiệt phù hợp cho người bệnh; phòng chống rét cho người nhà bệnh nhân hợp lý, không để bà con nằm trên sàn nhà, hành lang hoặc ghế đá ngoài trời gây nguy hại đến sức khỏe...
Sở y tế các địa phương cần chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp trong thời tiết giá rét. Tăng cường tập huấn kỹ năng chẩn đoán, xử trí bệnh đột quỵ, đánh giá tình trạng bệnh và nguy cơ để chuyển viện cứu chữa kịp thời người bệnh trong “giờ vàng”.
Qua ghi nhận cho thấy, đợt rét đậm, rét hại có cường độ mạnh nhất từ đầu mùa đông 2023 tới nay đang ảnh hưởng nhiều tới đời sống, sức khỏe người dân các tỉnh thành miền Bắc khiến không ít người cấp cứu vì đột quỵ, tai biến mạch máu não, viêm đường hô hấp.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu tăng lên rất cao. Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng ghi nhận số bệnh nhân cao tuổi tăng cao, trong đó nhiều trường hợp nhập viện rất nặng, phải thở oxy, thở máy và đã có vài ca tử vong. Bệnh viện Nhi Trung ương đang tiếp nhận thăm khám, điều trị hơn 2.000 bệnh nhi/ ngày do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, trong đó đa số trẻ mắc các bệnh về hô hấp. Trước tình hình thời tiết rét “cắt da, cắt thịt” còn kéo dài, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần được giữ ấm đầy đủ, nhất là người cao tuổi, tránh ra ngoài đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy hoặc đêm khuya khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp...
* Ngày 25-12, miền Bắc vẫn có rét đậm, rét hại diện rộng, thời tiết khô ráo, nắng nhiều nhưng hanh khô, độ ẩm chỉ còn 45%-50%. Tại Trung bộ, nhiều nơi mưa rào. Theo nhận định từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ ngày 26-12, cường độ rét đậm, rét hại ở miền Bắc bắt đầu giảm dần, nền nhiệt nhích lên.
Sau 3 ngày tạm ngưng hoạt động do thời tiết xấu, sáng 25-12, các tuyến tàu, phà từ đi và đến các đảo Phú Quốc, Nam Du đã hoạt động trở lại. Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải tỉnh Kiên Giang, cho biết, do thời tiết trên biển chuyển biến tốt nên đã cấp phép các tuyến tàu phà hoạt động trở lại, gồm tuyến Rạch Giá đi Phú Quốc, Nam Du và ngược lại; tàu cao tốc Hà Tiên đi Phú Quốc và ngược lại. Trước đó, trưa 24-12, các tuyến phà từ Hà Tiên đi Phú Quốc và ngược lại đã được cấp phép hoạt động. Ngày 22-12, do ảnh hưởng thời tiết xấu, Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang đã tạm ngưng hoạt động các tuyến tàu, phà trên.