Chủ động phòng chống dịch tả heo châu Phi

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi (ASF) vừa được phát hiện ở tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, các công ty chăn nuôi cung ứng thịt heo, sản phẩm thịt heo cho thị trường TPHCM đã tăng cường phòng, chống bệnh ASF. Song song đó, các cơ quan cũng tăng cường giám sát, kiểm tra heo cung cấp vào thị trường TPHCM, đồng thời nông dân phải khai báo heo nhiễm ASF để tránh lây lan trên diện rộng.

Ngăn chặn từ xa

Sở NN-PTNT TPHCM cho biết, tại TPHCM hiện có 4.374 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn hơn 300.000 con; trong đó 278 hộ nuôi heo với 22.000 con đang tận dụng thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn để nuôi heo. Đây là những nguy cơ gây dịch bệnh. TPHCM cũng là đầu mối phân phối thịt heo tại các tỉnh phía Nam, trung bình mỗi ngày khoảng 10.000 con, tương đương 800 tấn thịt heo.

Khi ASF xuất hiện ở Trung Quốc, nhiều công ty chăn nuôi Việt Nam đã chủ động phòng, chống bệnh bằng cách tăng cường an toàn sinh học, không cho người ngoài vào trại tham quan, khử trùng phương tiện… Đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, cách đây 6 tháng, công ty đã làm theo các hướng dẫn của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) phòng, chống bệnh ASF. Ngay sau khi Việt Nam vừa công bố dịch bệnh ASF, công ty đã tách biệt quy trình thu mua bên ngoài và trại công ty để đảm bảo dịch không lây lan vào trang trại.  Công ty cũng đã tăng đàn và cam kết đảm bảo số lượng tham gia bình ổn thị trường (BOTT) của TPHCM. “Trong trường hợp dịch ASF bùng phát, Bộ Công thương phải có phương án dự phòng nhập khẩu thịt heo để tránh tình trạng thiếu”, đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đề nghị. Trong khi đó, ông Võ Văn Thiệu, Giám đốc Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), nhận định nếu vẫn còn nhập khẩu thịt đông lạnh thì nguy cơ bệnh ASF lây lan vào Việt Nam qua nhiều đường từ thịt tươi sống, sản phẩm chế biến… Vì vậy, trong thời điểm hiện nay không nên nhập khẩu thịt heo từ những nước có bùng phát bệnh ASF.

Nhân viên Công ty Sagrifood tiêm vaccine để tăng kháng thể cho đàn heo
 Một trong đơn vị tham gia chương trình BOTT của TPHCM, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho hay, khi phát hiện bệnh ASF xuất hiện tại Việt Nam, Vissan đã thường xuyên cho nhân viên kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống dịch của trang trại thu mua. “Hiện nhiều nông hộ đã bán tháo đàn heo để tránh thiệt hại. Nhưng cũng không loại trừ, có nông dân đã vứt heo bệnh xuống sông, hoặc chôn lấp; do đó cơ quan quản lý cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra”, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Vissan, đề nghị.


Ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, cho hay heo ở miền Bắc đang có giá rất thấp so với miền Nam và trung bình mỗi ngày có khoảng 30 - 40 xe (khoảng 5.000 con) chở từ miền Bắc vào miền Nam tiêu thụ, trong đó có heo khỏe và heo nguy cơ nhiễm bệnh ASF. Do đó, cơ quan kiểm dịch nên thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt như hạn chế heo từ miền Bắc vào, kiểm tra lò giết mổ, phương tiện…

Qua thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Trung Quốc có khoảng 1 triệu con heo đã bị nhiễm dịch ASF. Đối với tổng đàn heo Trung Quốc hiện có 500 triệu con thì số heo nhiễm dịch chỉ chiếm 0,2%. Điều đó cho thấy, nếu phòng chống tốt dịch ASF thì sẽ không ảnh hưởng nhiều. Con số này còn ít so với tỷ lệ hao hụt trong chăn nuôi cho phép đối với dịch bệnh là khoảng 5% - 10% sản lượng. Cho nên, cơ quan quản lý và nông dân cần bình tĩnh phòng chống bệnh ASF; nông dân chủ động khai báo với chính quyền địa phương để có chính sách đền bù hợp lý khi tiêu hủy heo.

Tiêu hủy sẽ được hỗ trợ

Trước khi dịch ASF xuất hiện ở Việt Nam, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh ASF trên địa bàn. Cụ thể, UBND TPHCM đã dự báo 3 tình huống: Thứ nhất, bệnh ASF chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TPHCM nhưng xảy ra tại các tỉnh phía Bắc, khu vực miền Trung; thứ hai, bệnh chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn nhưng xảy ra ở các tỉnh cung cấp nguồn thịt heo trực tiếp cho địa phương và khi đó không cung cấp đủ nguồn heo thịt, sản phẩm thịt heo cho thị trường TPHCM; thứ ba, xảy ra bệnh tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP.

Đối với tình huống đầu tiên, hiện đã phát hiện ở 2 tỉnh miền Bắc và các hội, đoàn thể đang cùng phối hợp vận động tuyên truyền người dân tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh ASF theo hướng dẫn của cơ quan thú y; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại; không vận chuyển mua bán, giết mổ, tiêu thụ heo và sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc không qua kiểm dịch của cơ quan thú y.

Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM, cho hay chi cục đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, giám sát tình hình lưu hành bệnh ASF tại các cơ sở, hộ chăn nuôi; đồng thời giám sát chặt chẽ quy trình giết mổ heo. Chủ động phòng dịch từ xa, Sở Công thương TPHCM đang phối hợp sở NN-PTNT các tỉnh cung cấp heo sống, sản phẩm thịt cho TP phải xác định nguồn heo an toàn mới cho phép vận chuyển vào TPHCM. Đặc biệt, heo phải kiểm soát tại các tỉnh. Ngoài ra, Sở Công thương TPHCM có kế hoạch phối hợp với các công ty chăn nuôi tham gia chương trình BOTT chuẩn bị nguồn hàng, tăng đàn khi xảy ra thiếu hụt thịt heo. Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tăng cường kiểm tra các nhà hàng, quán ăn, chợ sử dụng thịt heo không rõ nguồn gốc. Nếu dịch bệnh ASF xảy ra tại TPHCM, Sở NN-PTNT phải có biện pháp xử lý tiêu hủy heo bệnh và heo tiếp xúc với mầm bệnh.

Tin cùng chuyên mục