Thời gian qua, hàng loạt di sản bị cháy đã để lại rất nhiều tiếc nuối trong lòng người dân. Như các vụ cháy: nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp) ngày 15-4-2019; di tích lịch sử quốc gia Đình Lưu (xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) ngày 27-11-2017; chùa Hội Sơn (quận 9, TPHCM) ngày 17-7-2012… Đến nay, mặc dù đã phục dựng thành công một số hiện vật nhưng còn rất nhiều giá trị đã không bao giờ tìm lại được.
Điều đáng lo hiện nay là tại phần lớn các di tích lịch sử - văn hóa ở TPHCM, công tác PCCC chưa được quan tâm đúng mức, thống nhất, đồng bộ; ý thức của một số ban quản lý, ban quản trị, người trông coi… còn nhiều hạn chế, thậm chí xem nhẹ. Nguy cơ cháy, nổ tiềm ẩn từ việc câu mắc điện để thắp sáng, trang trí, từ việc thắp nhang, đốt vàng mã thờ cúng và đâu đó là đun nấu, hút thuốc lá, hàn cắt kim loại… nên chỉ cần một sơ suất, bất cẩn, cháy, nổ sẽ xảy ra, tất cả sẽ bị thiêu rụi.
Bên cạnh đó, trong các dịp lễ hội, số lượng khách tham quan, hành hương tăng đột biến, nếu không có sự chuẩn bị các điều kiện thoát nạn và phương án xử lý sự cố, thoát nạn kịp thời, thì nếu xảy ra hỏa hoạn, thiệt hại về người là không thể tránh khỏi và cũng không lường hết được.
Thiếu tá Châu Thanh Sơn, Phó Trưởng Công an quận 5, cho biết là địa bàn có nhiều công trình di sản cấp thành phố, cấp quốc gia, các cơ quan chức năng quận thường xuyên tổ chức lực lượng đi kiểm tra, khuyến cáo các đơn vị phải tuân thủ chặt chẽ công tác PCCC.
Theo Thiếu tá Châu Thanh Sơn, sự chủ động, luôn đề cao tinh thần cảnh giác của lực lượng tại chỗ thường mang tính quyết định. Đồng thời, trong các buổi thuyết giảng, các đơn vị cần tích cực tuyên truyền, khuyến cáo, vận động khách tham quan, tín đồ hạn chế việc đốt nhang đèn, vàng mã; bố trí khu vực cắm nhang ở sân; việc đốt vàng mã phải có thùng chứa hoặc đưa vào lò hóa và khi đốt phải có người trông coi. Thường xuyên kiểm tra lại tất cả các thiết bị điện để đề phòng chập mạch, quá tải, thiết bị hư hỏng…
Thiếu tá Châu Thanh Sơn cho hay, yêu cầu nghiêm ngặt của Đội Cảnh sát PCCC-CNCH Công an quận 5 là: “100% người đứng đầu, các thành viên ban quản trị và những người được phân công làm công việc trông coi các di tích lịch sử - văn hóa phải nắm vững các kiến thức, kỹ năng PCCC-CNCH; đồng thời phải chủ động tự kiểm tra hàng ngày công tác PCCC”.