Chủ động phòng bệnh sau bão lũ

Sau bão lụt và mưa lũ, người dân đối mặt với nguy cơ nhiều loại bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng. Ngành y tế địa phương và mỗi người dân cần chủ động phòng ngừa bằng việc dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, tuân thủ nguyên tắc an toàn trong ăn uống.

Bệnh sốt xuất huyết có thể phát sinh sau mưa lũ, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân
Bệnh sốt xuất huyết có thể phát sinh sau mưa lũ, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

Nguy cơ nhiễm bệnh do ô nhiễm và thiếu nước sạch

Những ngày qua, công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ được tiến hành khẩn trương, gấp rút tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Song song với khắc phục hậu quả sau bão lũ, sức khỏe của người dân trong khu vực cũng rất cần được quan tâm. Theo BS-CK2 Huỳnh Thị Bích Liễu, Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (TPHCM), môi trường sống ẩm ướt, nhà cửa bị ngập úng, rác thải ứ đọng tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh về mắt, đường tiêu hóa, bệnh ngoài da… Bên cạnh đó, do ăn uống không đầy đủ, nhiễm lạnh, thiếu ngủ kéo dài nên nhiều người thiếu sức đề kháng. Đáng lo ngại nhất, tình trạng thiếu nước sạch để ăn uống và sinh hoạt đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

“Virus, vi khuẩn, nấm sẽ sinh sôi và lây nhiễm rất nhanh sau mưa lũ. Đặc biệt, đau mắt đỏ (viêm kết mạc do virus) có thể bùng phát ở khu vực thiếu nước sạch do đặc tính lây lan rất nhanh”, BS-CK2 Huỳnh Thị Bích Liễu chia sẻ. Vì thế, người dân vùng lũ cần nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa, xử lý rác thải quanh nhà, vệ sinh mắt hàng ngày bằng cách sử dụng nước muối (loại nhỏ mắt, mũi). BS Huỳnh Thị Bích Liễu đề xuất, ngoài việc hỗ trợ thực phẩm, các tổ chức đoàn thể nên bổ sung thêm thuốc chữa bệnh thông thường, thuốc nhỏ mắt, dung dịch vệ sinh… cho người dân vùng lũ.

TS-BS Võ Hồng Minh Công, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cảnh báo, sau những nguy hiểm do bão lũ, người dân có thể phải đối mặt với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, nấm da, bệnh do ký sinh trùng, sốt xuất huyết… Trong đó, bệnh đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn) có nguy cơ bùng phát do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng lây qua đường nước ô nhiễm do bùn đất, rác thải. Người bệnh xuất hiện các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sốt, gây mất nước và mệt mỏi. Đồng thời, người dân có thể nhiễm một số bệnh do ký sinh trùng, giun sán thông qua ăn uống vì thiếu nước sạch nghiêm trọng.

N4c.jpg
Bệnh đau mắt đỏ dễ bùng phát thành dịch sau mùa mưa lũ. Ảnh: GIAO LINH

Ngoài ra, các bệnh lý viêm đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng) rất dễ xảy ra do thời tiết lạnh với triệu chứng ho, đau họng, sốt, khó thở, đau ngực. Nguy cơ này càng lớn hơn với trẻ em và người lớn tuổi do đề kháng kém. Các bệnh lý ngoài da cũng thuận lợi phát sinh do tiếp xúc với tác nhân gây bệnh trong nước bẩn, bùn đất. Vì thế, trong quá trình dọn dẹp nhà cửa sau mưa lũ, người dân cần hạn chế ngâm trong nước quá lâu, giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang, giữ nhà cửa thông thoáng để hạn chế phát sinh ẩm mốc, vi khuẩn.

BS Võ Hồng Minh Công nhấn mạnh, bệnh sốt xuất huyết là nguy cơ lớn có thể xảy ra do muỗi vằn sinh sôi từ nước đọng sau lũ lụt. Người bệnh sốt xuất huyết thường sốt cao đột ngột, đau cơ, đau khớp. Nếu bệnh diễn tiến nặng mà không điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Chủ động kiểm soát nguy cơ gây bệnh

Theo BS-CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, thiếu nước sạch là khó khăn chung của người dân vùng lũ, trong khi đây là nhu cầu thiết yếu hàng ngày. BS-CK2 Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng nước trong vùng lũ để ăn uống, đánh răng, rửa chén bát... để tránh vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh. Sử dụng nước sạch từ nơi khác vận chuyển đến hoặc lọc nước theo hướng dẫn của y tế địa phương, đun sôi trước khi uống. Các biện pháp phòng ngừa cần thực hiện gấp rút để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh sau lũ gồm: dọn dẹp nhà cửa, xử lý rác thải, xác động vật, bùn đất; vệ sinh tay bằng xà phòng hàng ngày; không để nước đọng quanh nhà, nâng cao đề kháng, chăm sóc kỹ người già và trẻ em.

N1b.jpg
30.000 túi thuốc gia đình được Sở Y tế TPHCM gửi đến người dân vùng bão lũ để chăm sóc sức khỏe

Ngày 12-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương ký ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động và sẵn sàng kế hoạch, phương án phòng chống dịch bệnh ngay sau mưa lũ, ngập lụt. Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhất là vùng ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Địa phương giám sát và phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Đồng thời, đảm bảo dự trữ, cung cấp đầy đủ nước sạch tại các địa bàn bị ảnh hưởng; kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch dùng cho sinh hoạt, cung cấp đủ hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn; hướng dẫn người dân biện pháp xử lý nước, tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom xử lý xác động vật…

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam) đã khẩn cấp vận chuyển 80.000 viên lọc nước tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên và 4.000 lít nước tới Bệnh viện tỉnh Lào Cai để đảm bảo cung cấp nước uống cho 800 người dân. Đồng thời, sẽ tiếp tục cung cấp viên lọc nước, bồn chứa nước, bộ lọc gốm, dung dịch rửa tay khô và xà phòng cho chính quyền địa phương để phân phát đến các hộ gia đình, trường học và cơ sở y tế tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai.

Tin cùng chuyên mục