Trong số các giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tiêm vaccine Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng và thần tốc xét nghiệm là những giải pháp hàng đầu. Thực tế, ngay từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu trong nước đã nhanh chóng phân lập thành công virus SARS-CoV-2, làm cơ sở cho sản xuất kit test và vaccine. Tới nay, chúng ta đã sản xuất được nhiều loại kit test, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 cho yêu cầu chống dịch trong nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia. Công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 cũng đã có những kết quả bước đầu. Hiện 3 loại vaccine Covid-19 trong nước sản xuất đã được thử nghiệm lâm sàng trên người, trong đó vaccine Nano Covax sắp về đích. Chúng ta cũng nhanh chóng nghiên cứu, sản xuất được máy thở, máy tạo oxy, máy khử khuẩn… cung cấp trang bị cho nhiều cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19.
Gần đây, khi số người mắc Covid-19 tăng cao, với mục tiêu giảm thấp nhất số tử vong do Covid-19 gây ra, Bộ Y tế phối hợp với một số đơn vị nhanh chóng tìm kiếm, nhập khẩu thuốc đặc hiệu như Remdesivir và Molnupiravir đưa vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19. Rất nhanh nhạy, nhiều doanh nghiệp dược trong nước đã nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thuốc Molnupiravir nhằm hỗ trợ các địa phương chủ động nguồn thuốc điều trị các bệnh nhân Covid-19 tại nhà.
Dịch Covid-19 còn phức tạp, khó dự báo, nhiều nước trên thế giới đã xác định “sống chung với virus”, nên vaccine, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm được coi là chiến lược và công cụ quyết định trong phòng chống Covid-19. Từ đó, đòi hỏi trong nước cũng phải chủ động được nguồn sinh phẩm, thuốc, vật tư, hóa chất và trang thiết bị y tế phòng chống dịch, nhất là đẩy nhanh thử nghiệm, cấp phép sử dụng vaccine Covid-19 “Made in Vietnam”.
Mới đây trong cuộc gặp mặt các nhà khoa học ngành y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh tới công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, sản xuất các sản phẩm khoa học công nghệ phòng chống dịch. Để huy động, phát huy được sức mạnh, hiệu quả của các sản phẩm khoa học công nghệ này, đòi hỏi Bộ Y tế cùng Bộ Khoa học và Công nghệ phải thống nhất, phối hợp chặt chẽ, hoàn chỉnh cơ chế thông thoáng, thúc đẩy và ưu đãi hơn với các nghiên cứu y dược. Trước mắt, sớm thành lập Trung tâm an toàn sinh học cấp III, cấp IV và 2 trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo lĩnh vực y dược của Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược TPHCM phục vụ các nghiên cứu về công nghệ sinh học, công nghệ cao, cũng như phục vụ việc thử nghiệm, cấp phép, sử dụng và lưu hành các sản phẩm y dược phòng chống dịch. Đồng thời khẩn trương xây dựng đề án về Viện Vaccine và sinh phẩm y tế quốc gia đạt chuẩn quốc tế, trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức các viện nghiên cứu vaccine và sinh phẩm hiện nay. Chính phủ cũng cần sớm bổ sung các chính sách đặc thù liên quan nghiên cứu, thử nghiệm, cấp phép lưu hành các sản phẩm phòng chống dịch.
Với sự nỗ lực quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, kết hợp với cơ chế chính sách thống nhất đồng bộ về phát triển, sản xuất và ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích, chúng ta sẽ sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”.