Theo đó các địa phương đều có kế hoạch chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước uống giải khát, hàng gia dụng cũng như các mặt hàng chống dịch để phục vụ nhu cầu của người dân. Đơn cử tại TP Cần Thơ, tới nay đã có 32 doanh nghiệp đăng ký thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu cho mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2022 với tổng giá trị dự trữ 11.603 tỷ đồng.
Tại TPHCM, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà bán lẻ chuẩn bị cung ứng hàng hóa với nguồn hàng phong phú phục vụ nhu cầu người dân. Hiện hệ thống siêu thị đã hoạt động 100%, các siêu thị mini và cửa hàng lương thực, thực phẩm hoạt động trên 90%, nhiều chợ truyền thống đã bắt đầu mở cửa an toàn.
Bên cạnh đó, Sở Công thương đã phối hợp với các tỉnh khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ, Tây Nguyên và các tỉnh thường xuyên có giao dịch thương mại về hàng hóa với TPHCM để sẵn sàng phương án cung ứng khi cần.
Là đơn vị luôn chủ động tham gia các chương trình bình ổn thị trường cuối năm, Saigon Co.op ngoài các kịch bản cung ứng hàng hóa đã lên kế hoạch tùy diễn biến tình hình dịch Covid-19 ở địa phương để triển khai các phương án bình ổn giá phù hợp, đảm bảo cung ứng mặt hàng thiết yếu cho người dân với giá bình ổn.
Trong khi đó, tại Đồng Nai, nhiều HTX thương mại, dịch vụ cho biết, căn cứ vào diễn biến của dịch Covid-19 để chủ động xây dựng các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, triển khai các kênh bán hàng bình ổn giá phù hợp.