Cụ thể, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang căng thẳng đã gây áp lực đến cung cầu, giá cả của nhiều hàng hóa trên thế giới, nhất là giá dầu. Mặt khác, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định hạ lãi suất cơ bản 0,25 điểm xuống 2,2% - 2,5%, làm ảnh hưởng đến giá đồng USD và vàng.
Giá hai mặt hàng này có biến động trái chiều (vàng tăng giá mạnh), gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng kim loại quý, kim loại công nghiệp, mặt hàng xuất khẩu được định giá bằng USD.
Ở thị trường trong nước, trong tháng 8 khá sôi động với các hoạt động chuẩn bị năm học mới và Tết Trung thu. Các mặt hàng văn phòng phẩm giáo dục tiêu thụ tốt, nguồn hàng dồi dào, giá không biến động lớn. Một số mặt hàng nông sản do tác động của thời tiết, dịch bệnh nên nguồn cung giảm, giá tăng.
Điển hình là mặt hàng thịt heo tại các tỉnh phía Bắc, nguồn cung giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu tăng do thương lái thu gom xuất khẩu sang Trung Quốc nên giá heo hơi tiếp tục tăng 10% - 20% so với tháng trước.
Ở nhóm nhiên liệu năng lượng chịu tác động của thị trường thế giới nên thị trường tương đối ổn định, nhóm xăng dầu giá có xu hướng giảm trong tháng 8. Thị trường các mặt hàng thiết yếu khác không có biến động lớn, cung đảm bảo cầu.
Theo dự báo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, thời gian tới, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng vào dịp cuối năm; các yếu tố về thời tiết mùa mưa bão, dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là rau xanh, thịt heo, gà và một số mặt hàng thực phẩm tươi sống khác.
Nhưng với sự điều hành sát sao và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương… nguồn cung hàng hóa được dự báo vẫn duy trì tốt để ổn định thị trường.