* PHÓNG VIÊN: Thưa bà, những ngày qua, thông tin về thịt heo nhiễm sán tại một trường học tỉnh Bắc Ninh đã khiến dư luận trong cả nước hoang mang, vậy công tác kiểm soát vấn đề ATTP tại các trường học trên địa bàn TPHCM được Ban Quản lý ATTP thực hiện như thế nào?
Trước đó, Ban Quản lý ATTP và Sở GD-ĐT đã ký kết kế hoạch liên tịch về việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Kế hoạch này đã và đang được triển khai tại tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn, với sự vào cuộc của UBND các quận huyện theo chỉ đạo của UBND TP.
Chúng tôi tập trung vào các nội dung chủ yếu: Tập huấn tuyên truyền kiến thức ATTP; hướng dẫn triển khai quy trình bảo đảm ATTP như bố trí bếp ăn, quy trình nhận và xử lý thực phẩm; huấn luyện quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác giám sát hậu kiểm, thanh tra xử lý vi phạm; cải thiện nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, chất lượng.
Cụ thể, thực phẩm phải được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của thành phố, hoặc cơ sở đạt các chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005, VietGAP, GlobalGAP. Trước mắt thí điểm triển khai ở 6 quận (quận 3, 5, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh) và hướng tới sẽ triển khai việc nhận thực phẩm đạt chuẩn cho các quận huyện còn lại.
* Với những trường học tự tổ chức bếp ăn thì công tác giám sát không quá khó, nhưng với những trường học ký hợp đồng với bếp ăn ngoài thì việc giám sát được thực hiện như thế nào? Liệu có nguy cơ sót, lọt hay không?
- Tất cả các bếp ăn được nấu tại trường, cũng như những đơn vị nấu nơi khác đến và cung cấp thức ăn vào trường (đơn vị chế biến suất ăn sẵn), đều phải tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP, kể cả quy định về nguyên liệu thực phẩm đạt chuẩn. Các đơn vị chế biến suất ăn sẵn còn phải tuân thủ quy trình vận chuyển thức ăn đến trường bảo đảm an toàn.
Trong năm qua, Ban Quản lý ATTP với lực lượng các Đội Quản lý ATTP liên quận huyện đã thực hiện thanh tra chuyên đề tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn trên toàn địa bàn thành phố về việc chấp hành các điều kiện ATTP, cũng như nguồn nguyên liệu thực phẩm. Chúng tôi cũng lấy mẫu thực phẩm tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, các bếp ăn tập thể để đánh giá nguy cơ mất ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Đương nhiên việc giám sát bếp ăn bên ngoài, cơ sở suất ăn sẵn sẽ khó khăn hơn bếp ăn ngay tại trường, và nguy cơ sót lọt cũng chưa thể hoàn toàn loại trừ. Nhưng chúng tôi tin rằng với ý thức ngày càng được nâng cao của nhà trường về ATTP để bảo vệ cho học sinh, với sự chung tay góp sức của các phụ huynh, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng trên địa bàn, chúng ta sẽ kiểm soát tình hình ngày một tốt hơn.
* Mức quy định của Nghị định 115 trong xử phạt vi phạm ATTP đã đủ sức răn đe chưa, thưa bà? Bà có khuyến cáo gì với các trường học về công tác đảm bảo ATTP?
- Nghị định 115 (có hiệu lực từ ngày 20-10-2018) đã đủ sức răn đe khi quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm ATTP cao hơn trước nhiều lần, có cả những quy định chi tiết cho từng hành vi vi phạm. Tuy nhiên, với môi trường giáo dục và với đối tượng phục vụ là các em học sinh, thì các trường học của chúng ta đừng nên để có vi phạm rồi bị xử lý. Công tác bảo đảm ATTP phải được thực hiện nghiêm túc, kiên trì, thường xuyên, liên tục.
Ban Quản lý ATTP và Sở GD-ĐT sẽ tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, nhưng vai trò tự giám sát của nhà trường cũng rất quan trọng để kịp thời loại bỏ tất cả các nguy cơ rình rập học sinh của chúng ta. Trong thời gian tới, Ban Quản lý ATTP cùng Sở GD-ĐT sẽ tổng kết công tác phối hợp bảo đảm ATTP và công khai thông tin về các trường đạt các tiêu chí về ATTP (trong đó có nguồn thực phẩm sử dụng) để xã hội đánh giá.
“Để thực hiện công việc đảm bảo ATTP trong trường học, cần sự vào cuộc quyết liệt của xã hội, đặc biệt đến từ phụ huynh như phải giáo dục, dặn dò con em hạn chế sử dụng hàng rong, quà vặt không bảo đảm an toàn; từ tổ chức hội phụ huynh học sinh, hãy cùng giám sát chất lượng bữa ăn của con em mình tại trường học, nếu có gì hãy gọi vào đường dây nóng của Ban Quản lý ATTP (số 028.3930.1714) để chúng tôi có thể xử lý kịp thời”. |