Niềm tin hàng Việt được nâng cao
Theo đánh giá của Bộ Công thương, sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định ở thị trường trong nước khi tỷ lệ các kênh phân phối bán lẻ luôn ở mức trên 90%. Nhiều người tiêu dùng cho biết, nếu như cách đây 5 năm họ thường tìm đến các sản phẩm Thái Lan, Nhật Bản… để mua sắm, thì nay đã chuyển hướng qua dùng các sản phẩm do DN trong nước sản xuất.
Chặng đường 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có thành quả, tạo được sự chuyển biến tích cực ở cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất. Mặc dù vậy, vẫn còn khá nhiều ý kiến lo ngại rằng, hàng Việt vẫn chưa thực sự tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương ở thời gian qua.
Theo như cam kết của các hiệp định này thì Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường, giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa các nước vào phân phối tại Việt Nam. Chính vì vậy, hàng Việt phải đối mặt ngay trên sân nhà sức ép cạnh tranh vô cùng lớn.
Đến thời điểm, các DN đã thật sự thấm. Ngoài sản phẩm chế biến, các mặt hàng tươi sống cũng đang rục rịch cạnh tranh. Chẳng hạn với mặt hàng rau quả, như chia sẻ của ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T, khi EVFTA thực thi, tới đây hàng sản phẩm tươi từ EU chắc chắn sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. Điều mà DN trong nước lo ngại là hàng hóa EU lại có những chứng nhận toàn cầu, chất lượng đã được kiểm chứng, sẽ tạo sự cạnh tranh gay gắt cho hàng Việt. Trước nguy cơ xoay chiều của xu hướng lựa chọn hàng hóa trên thị trường, DN trong nước phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ để thích ứng.
Doanh nghiệp cần hiểu người tiêu dùng
Muốn phát triển, từng DN cần quan tâm đến nhu cầu thực sự của người tiêu dùng là gì, bởi họ là người mang lại sự thành công cho DN. Đây là lúc các DN phải làm mới mình ngay từ điều nhỏ nhất.
Vấn đề không hề mới mà không DN nào không biết chính là muốn tạo niềm tin cho khách hàng, trước hết DN phải đảm bảo chất lượng. Cho nên, ở hình thức quảng cáo cũng phải phù hợp với tiêu chí của người tiêu dùng và DN không nên nói quá sự thật. Một khi người tiêu dùng đã cảm nhận sản phẩm không như quảng cáo, họ sẽ quay lưng ngay và tìm đến những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã tốt hơn.
“Người tiêu dùng luôn mong mỏi các DN khi sản xuất hàng hóa phải có tâm, nhất là với những sản phẩm cho trẻ em thì cần phải chú ý làm chất lượng cao nhất để các thế hệ trẻ em Việt khi sử dụng có nền tảng dinh dưỡng, thể chất tốt”, bà Phạm Thị Lệ (ngụ quận Bình Thạnh) nêu ý kiến.
Trong bối cảnh hiện tại, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người tiêu dùng, đồng thời khơi dậy tình yêu của người tiêu dùng đối với hàng Việt, cần sự kết hợp khắng khít giữa nhà sản xuất và đơn vị phân phối. Với lợi thế tiếp cận trực tiếp người sử dụng sản phẩm, các đơn vị bán lẻ dễ đem tiếng nói đến gần với người tiêu dùng, cũng như trong tốc độ tiếp nhận thông tin.
Mới đây, nhà bán lẻ nội địa Saigon Co.op đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình truyền thông “Doanh nhân với người tiêu dùng”. Đây là cuộc thi viết “Người tiêu dùng viết thư cho doanh nhân, doanh nghiệp”, cuộc thi video “Người tiêu dùng mua sắm hàng Việt” và talkshow “Doanh nhân chia sẻ về câu chuyện kinh doanh của doanh nghiệp và gửi thông điệp đến với người tiêu dùng”, được sự bảo trợ của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (phía Nam; thuộc Bộ Công thương) và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM.
Theo đó, người tiêu dùng có thể chia sẻ câu chuyện về tình cảm, kỷ niệm đẹp của bản thân hay gia đình khi sử dụng sản phẩm Việt và những ấn tượng về sản phẩm, các hoạt động của doanh nhân, DN Việt Nam. Tại chương trình này, người tiêu dùng cũng có thể đề bạt nguyện vọng, nhu cầu với các DN. Có nhiều hình thức để người tiêu dùng tham gia, như viết thư, làm video.
Ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, thông tin Saigon Co.op mong muốn qua cuộc thi sẽ thu thập được nhiều ý kiến có trách nhiệm, quý giá, những hiến kế của người tiêu dùng để giúp cho DN, doanh nhân Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng có những giải pháp, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt cho nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và hướng đến thị trường quốc tế.
Không chỉ vậy, ông Võ Hồng Sơn, Trưởng đại diện phía Nam Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, còn tin tưởng rằng, qua chương trình sẽ khơi dậy tinh thần trách nhiệm của xã hội và DN, doanh nhân trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.