PHÓNG VIÊN: Bà có đánh giá như thế nào về năng lực cung ứng của các DN CNHT Việt Nam hiện nay?
Bà LÊ NGUYỄN DUY OANH: Theo thông tin từ Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO), hiện nay năng lực cung ứng của các DN CNHT Việt Nam vào các nhà cung ứng Nhật Bản chỉ khoảng 30% - 35% và nhu cầu của các DN Nhật Bản lại tới khoảng 60% nội địa hóa.
Để tận dụng được cơ hội tham gia cung ứng sản phẩm cho các DN Nhật Bản cần có sự chủ động dài hạn của DN sản xuất CNHT của Việt Nam. Kế hoạch dài hạn đó phải xuất phát từ tư duy của người lãnh đạo. DN phải xác định được rằng, khi chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng, phải có sự chuẩn bị trước về năng lực cung ứng, bao gồm chất lượng sản phẩm và cả những kế hoạch nhân sự. Bên cạnh đó, về năng lực sản xuất của DN Việt Nam hiện nay được đánh giá là hiệu suất máy móc thiết bị chưa đạt đúng công suất yêu cầu; các DN chưa có sự đầu tư thích đáng để nguồn nhân lực có thể phối hợp với máy móc thiết bị cho ra hiệu quả sản xuất tối ưu nhất.
Để hỗ trợ các DN CNHT trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các yêu cầu từ phía nhà mua hàng, Sở Công thương TPHCM đã giao cho Trung tâm Phát triển CNHT phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (Hepza), Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cùng các tổ chức nước ngoài như JICA, JETRO tổ chức nhiều hoạt động kết nối trực tiếp, hỗ trợ cải tiến cho các DN. Chẳng hạn như, trong dự án JICA hỗ trợ 5 DN tại TPHCM. Sau cải tiến, các DN này có sự tiến bộ vượt bậc về năng lực sản xuất.
Tuy nhiên, để tham gia được vào chuỗi, cũng như hợp đồng cung ứng cho các DN Nhật Bản, DN chúng ta phải xác định rằng, cần đảm bảo cam kết dài hạn về chất lượng sản phẩm cũng như năng lực thực thi là điều rất quan trọng.
Hiện nay, khả năng cung ứng của các DN Việt Nam rất nhỏ, chi tiết đơn giản. Để có thể nâng cao được năng lực, cấp độ của cung ứng, các DN cần làm gì?
Chắc chắn phải liên kết thôi, bởi vì cứ làm đơn lẻ một chi tiết, chúng ta không cạnh tranh được với các DN nhỏ và vừa của các nước đang đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, quá trình toàn cầu hóa, các dòng thuế giảm xuống, nhập khẩu rất rẻ, do đó, việc liên kết là tất yếu.
Sự kiên kết của các DN CNHT nhỏ và vừa Việt Nam là điều đương nhiên. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, đòi hỏi phải có một lộ trình chuẩn bị nhất định. Các DN muốn liên kết được phải minh bạch hóa các hoạt động tài chính tới chiến lược kinh doanh. Các DN Việt Nam hoàn toàn có lợi thế khoảng cách gần. Tuy nhiên, việc liên kết khó ở chỗ chúng ta chưa có “chuẩn” để xác định mối liên kết này. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa mới cũng đang khuyến khích hình thành các liên kết cụm chuỗi như ngành điện tử...
Các DN cần làm gì? Thứ nhất, cần phải chuẩn hóa lại hệ thống sản xuất của mình qua áp dụng những công cụ quản lý cần thiết, từ 5S-Kaizen mà duy trì lên, đã đến lúc phải nhìn lại làm sao tối ưu hóa được quy trình sản xuất. Về phía TPHCM, Sở Công thương cũng đang định hướng để có những phân khu CNHT, những cụm liên kết trong các khu công nghiệp, để làm sao có khoảng cách gần đối với các DN FDI trong các khu công nghệ cao, khu công nghiệp trong những ngành điện tử, gia công chi tiết kim loại...
Sau quá trình nâng cao năng lực cung ứng, các DN có cơ hội cùng ngồi lại liên kết với nhau. Chúng tôi đang khuyến khích các DN, như Công ty CP CNHT Minh Nguyên hiện nay đang là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung mở rộng liên kết. Minh Nguyên muốn mở rộng sản xuất, tìm và liên kết với các nhà cung ứng cấp 2, 3 là DN Việt Nam thì cần phải học hỏi kinh nghiệm từ Samsung. Theo đó, Minh Nguyên cần hướng dẫn cho các DN cấp 2, 3 liên kết với mình chuẩn hóa môi trường sản xuất một cách đồng bộ (cả về phương thức sản xuất, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng).
Có ý kiến cho rằng, hiện nay, DN CNHT chỉ chào hàng những gì mình có, mà thiếu quan tâm việc DN đầu cuối họ cần cái gì. Điều này dẫn đến kết nối thị trường bị lỏng lẻo, kết nối với DN đầu cuối không chặt chẽ. Đây cũng là lý do DN rất khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu? Vậy theo bà, làm sao thời gian tới các DN CNHT có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng?
Các DN cũng có những hạn chế trong việc mở rộng, tìm kiếm thị trường, bởi thông tin những chi tiết linh kiện thay đổi chóng mặt. Để hỗ trợ DN, Sở Công thương chỉ đạo Trung tâm Phát triển CNHT phối hợp với các đơn vị là Hepza, khu công nghệ cao, các ban ngành, kết nối trực tiếp với các DN mua hàng, DN đầu cuối để các DN sản xuất Việt Nam thấy rõ, hiểu rõ các đối tác đang tìm cái gì. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam phải nhìn lại phương thức sản xuất của mình. Đã đến lúc các DN Việt Nam cần thay đổi, tăng cường học hỏi từ các chuyên gia để có phương thức sản xuất phù hợp. Dĩ nhiên, sự thay đổi của ngành công nghiệp đầu cuối sẽ tác động đến ngành CNHT. DN phải duy trì tốt những phương thức sản xuất đã cải tiến, đồng thời theo dõi, cập nhật thường xuyên các nhu cầu của nhà mua hàng, những DN đầu cuối.
Tại triển lãm CNHT “Supporting Industry Show 2018”, các DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các DN Nhật Bản. Từ đó, có thể định hình được nhu cầu của các DN Nhật Bản và có những điều chỉnh phương thức sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.