Phóng viên: Ông đánh giá năng lực sản xuất và cung ứng sản phẩm hỗ trợ của doanh nghiệp trong nước như thế nào?
Ông Nguyễn Phương Đông: Tính đến nay, phần lớn doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không đủ khả năng cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối. Quy mô sản xuất nhỏ nhưng chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, giá cả cạnh tranh, quản trị doanh nghiệp tốt nên hoàn toàn có thể tham gia. Chỉ có điều, chưa thể tham gia số lượng nhiều cũng như nâng cấp cấp độ nhà cung ứng. Hiện tại, phần lớn doanh nghiệp nội địa vẫn tập trung là nhà cung ứng cấp 3, cấp 4. Số ít doanh nghiệp vươn lên thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 nhưng rất hạn chế.
Vậy theo ông, doanh nghiệp cần phải làm gì để nâng cao cấp độ nhà cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho chuỗi cung ứng toàn cầu?
Doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành và địa phương để nhanh chóng cải thiện quy mô, năng lực, công nghệ, chi phí, giá thành sản phẩm sản xuất. Chỉ khi cải thiện vấn đề này thì mới có khả năng đáp ứng những đơn hàng số lượng lớn, đa chi tiết; từ đó mới dần cải thiện vị trí nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trường hợp doanh nghiệp chưa thể nhanh chóng cải thiện nội lực sản xuất cũng có thể chọn phân khúc phát triển thị trường theo hướng đi phù hợp với mình. Đơn cử như trường hợp Công ty Kỹ thuật Viet San. Xét về quy mô sản xuất thì doanh nghiệp này có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, năm 2018, thông qua hoạt động xúc tiến kết nối thị trường với Nhật Bản, doanh nghiệp đã nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp điện tử Nhật Bản. Hoặc trường hợp Công ty Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tiến Minh cũng đã gia nhập vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn Samsung và nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện - điện tử khác…
Điều này chứng minh rằng, doanh nghiệp Việt dù quy mô sản xuất nhỏ hay lớn hoàn toàn có thể gia nhập được vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ chất lượng sản phẩm tốt và giá cả cạnh tranh. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp phải chủ động hơn trong khâu tìm kiếm đối tác, cũng như tìm hiểu những yêu cầu về chất lượng, giá cả sản phẩm đưa ra để đặt mục tiêu cải thiện mình, từng bước đáp ứng yêu cầu của họ. Về lâu dài, việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sẽ giúp doanh nghiệp dần hoàn thiện mình và mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất; từng bước nâng cấp vai trò nhà cung ứng của mình trong chuỗi cung ứng chung.
Ở góc độ cơ quan chức năng, lãnh đạo TPHCM nói riêng và Chính phủ nói chung đã và đang có chính sách nào để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nội lực sản xuất của mình?
Phải nói là rất nhiều. Trước hết về vốn đầu tư, chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ dành riêng cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có nhu cầu có thể được hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm. Mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án. Từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 30 doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ.
Tuy nhiên, qua trao đổi, nhiều doanh nghiệp cho rằng chưa biết cũng như khó tiếp cận nguồn vốn vay hoặc các chính sách hỗ trợ khác của cơ quan chức năng?
Tôi cho rằng, việc thiếu chủ động hoặc tâm lý e dè khi tiếp cận cơ quan chức năng đã gây ra những hạn chế nhất định cho doanh nghiệp. Điều này cũng xuất phát thực tế trước đây, thủ tục hành chính quá rườm rà, phức tạp, nhiêu khê.
Hiện để đẩy nhanh phát triển năng lực sản xuất cho doanh nghiệp, Sở Công thương TPHCM luôn thường trực bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đầu tư, cải tạo năng lực sản xuất. Ngoài ra, sở cũng đang phối hợp với các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối, thành lập các đoàn chuyên gia đến từng doanh nghiệp để “dắt tay chỉ việc” sắp xếp tổ chức lại hoạt động sản xuất, cải thiện dây chuyền để giảm tỷ lệ hàng lỗi, giảm chi phí sản xuất, đào tạo lại nguồn nhân lực… góp phần tăng năng lực cung ứng cũng như cạnh tranh trên thị trường.
Ở góc độ kết nối thị trường, Sở Công thương TPHCM thường xuyên làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu. Đồng thời kết nối doanh nghiệp các nước làm việc trực tiếp với doanh nghiệp trong nước về nguồn sản phẩm đang tìm kiếm. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước có thể định lượng khả năng cung ứng của mình cũng như mở rộng thị trường cung ứng. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp cần gạt bỏ những rào cản về tâm lý để có cách tiếp cận chủ động hơn với các cơ quan chức năng, từ đó tăng lợi thế phát triển của mình.
Cảm ơn ông!