Chỉ riêng tháng 2-2022, lượng khách du lịch nội địa tăng 380%, khách quốc tế tăng 169,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 49,2 ngàn lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ. Những con số này cho thấy khả năng phục hồi, nhu cầu du lịch là rất lớn, cần phải mở cửa du lịch hoàn toàn, không cần thí điểm, bãi bỏ các rào cản, quy định cách ly.
Mặc dù quan ngại trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cùng tác động tiêu cực của xung đột Nga - Ukraine đến kinh tế, du lịch… nhưng sức nóng cạnh tranh của các thị trường du lịch quốc tế ngày càng tăng. Các quốc gia có thế mạnh về du lịch đang bước vào cuộc đua thu hút khách du lịch quốc tế, do đó ngành du lịch nếu chỉ đi “một chân” với du lịch nội địa là khập khiễng. Thực tế đang rất cần “phát súng lệnh”, mở cửa toàn diện du lịch quốc tế.
Việc thay đổi tư duy phòng tránh dịch bằng cách thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả là chọn lựa không thể đảo ngược. Mở cửa toàn diện ngành du lịch, không chỉ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động lữ hành, vận tải hành khách, lưu trú… mà còn tạo lực kéo hàng loạt chuỗi giá trị ngành văn hóa, sự kiện, nhà hàng, ẩm thực, thương mại… cùng phát triển. Đây cũng là một phần quan trọng trong tổng thể hoạt động phục hồi kinh tế các địa phương và cả nước.
Tuy nhiên, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực; vì vậy an toàn du lịch đang đặt ra các yêu cầu. Một là, sự hợp lực với cách tiếp cận hệ thống, thực hiện theo chuỗi. Hai là, an toàn du lịch phải có tiêu chí rõ ràng, dễ thực hiện. Ba là, tiêu chí an toàn du lịch cần công nghệ để thực thi hiệu quả.
Nếu không phải quyết được yêu cầu hệ thống kết nối, thì chỉ một địa phương, một khâu trong chuỗi du lịch không an toàn sẽ làm mất an toàn hệ thống và làm mất đi hình ảnh “du lịch an toàn”. An toàn du lịch không thể là cảm tính, mà cần được lượng hóa bằng các tiêu chí rõ ràng, dễ thực hiện. Các tiêu chí an toàn du lịch sẽ không trở thành rào cản, điểm vướng chân du khách, làm khó người kinh doanh du lịch khi nó thực sự đảm bảo an toàn, vừa được thực thi nghiêm túc, vừa linh hoạt ứng phó, phù hợp tình hình mới đã có nhiều thay đổi.
Du lịch an toàn cần được liên kết theo không gian, sản phẩm du lịch an toàn, hợp tác, chia sẻ, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của từng địa phương mang lại hiệu quả tốt hơn. Để đạt được yêu cầu đó, cần huy động sự tham gia rộng rãi của các chủ thể phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cần ưu tiên thực hiện các nội dung như: số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý, phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến. Cập nhật về các chính sách, quy định nhập cảnh dành cho khách du lịch quốc tế, các biện pháp thúc đẩy du lịch quốc tế; phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài mạnh mẽ hơn.