Chủ động “hóa giải” tác động từ cuộc chiến thương mại toàn cầu

Chính sách tăng thuế nhập khẩu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện với một số quốc gia, đặc biệt là những đối tác mà Mỹ đang bị thâm hụt thương mại, đang tác động rất lớn đến thương mại quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần nhận diện và dự báo sớm về vấn đề này, chủ động thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế những tác động bất lợi.

Nhận diện, dự báo sớm

Đánh giá về những kết quả đạt được của ngoại giao Việt Nam trong năm 2024 khi trao đổi với báo chí nhân dịp đầu xuân 2025, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, ngoại giao kinh tế là một trong những “điểm sáng” trong năm qua.

Đó là tranh thủ được các đối tác lớn như trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; đón bắt làn sóng chuyển dịch đầu tư ở khu vực, đón sóng đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao và ODA thế hệ mới với ưu đãi và thời gian dài hơn; mở rộng thị trường cho du lịch, lao động... Đặc biệt là còn dự báo và tham mưu các giải pháp ứng phó trước các diễn biến phức tạp, khó lường của kinh tế toàn cầu, trong đó có cả dự báo về chiến tranh thương mại toàn cầu.

J5d.jpg
Sản xuất đồ hộp xuất khẩu tại Công ty Vissan. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Từ những kịch bản, tình huống được đặt ra khi diễn biến thương mại toàn cầu ngày càng khó lường, ngay trong năm 2024, Chính phủ đã chủ trương đa dạng hóa các đối tác và thị trường, nhất là những khu vực nhiều tiềm năng và chưa được khai thác, tránh phụ thuộc vào những thị trường truyền thống được dự báo có thể xảy ra những rủi ro.

Sự chủ động này của Việt Nam được thể hiện rõ là cuối tháng 10-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước đã thống nhất về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện. Cùng với đó, hai bên đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) và UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi CEPA có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Đây là một sự kiện thương mại có tính “bước ngoặt” đối với Việt Nam khi đã chính thức “đặt chân” vào được thị trường vùng Vịnh giàu tiềm năng với một lĩnh vực khá mới mẻ: thị trường Halal. Halal bao gồm thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm và nhiều sản phẩm khác mà người tiêu dùng Hồi giáo có thể sử dụng mà không vi phạm các quy tắc tôn giáo.

Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (SGIE) dự đoán, chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 1.670 tỷ USD vào năm 2025. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tiếp đó, tháng 11-2024, trong chuyến thăm chính thức Brazil của người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam và Brazil cũng nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước. Hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2025 và lên 15 tỷ USD vào năm 2030.

Nguyên tắc “cùng thắng”

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng việc không loại trừ khả năng sắp tới hàng hóa Việt Nam cũng sẽ bị Mỹ áp thuế khi Việt Nam đang là một trong những đối tác mà Mỹ chịu thâm hụt thương mại. Nếu điều này xảy ra, tác động đến thương mại và kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn, nhất là khi Việt Nam đang dựa nhiều vào xuất khẩu. Tuy vậy, theo góc nhìn của một số chuyên gia, vấn đề không hẳn nằm ở việc Mỹ đánh thuế đối với hàng hóa Việt Nam khi nào và ra sao, mà vấn đề ở chỗ khả năng đàm phán và thỏa thuận giữa Việt Nam với Mỹ trên nguyên tắc “win - win” (cùng thắng, cùng có lợi).

J1a.jpg
Nhân viên Công ty TNHH Việt Farm (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) vận chuyển rau vào kho lạnh phục vụ xuất khẩu. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

GS Hà Tôn Vinh, thành viên Đảng Cộng hòa (Mỹ), cựu trợ lý đặc biệt của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ R.W Reagan, hiện là Chủ nhiệm Chương trình GD-ĐT Doanh nghiệp cao cấp của Đại học Tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam và là chuyên gia tư vấn cao cấp khu vực châu Á của Ngân hàng Thế giới nhận xét, việc Mỹ đánh thuế đối với hàng hóa Việt Nam là điều sẽ xảy ra, có thể vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2026.

Tuy nhiên, quan hệ Việt - Mỹ hiện nay đang rất tốt, và quan trọng là Mỹ xem Việt Nam là “đối tác” chứ không phải là “đối thủ” trong cạnh tranh thương mại, do đó vấn đề hiện nay là Việt Nam cần đưa ra những giải pháp, thỏa thuận về thương mại sao cho “người Mỹ cảm thấy mình cũng có lợi”.

“Hiện Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, thương mại hai chiều luôn ở mức 100 đến 120 tỷ USD/năm và càng ngày càng phát triển ở nhiều ngành, lĩnh vực. Sự bổ trợ của hai nền kinh tế giúp cho xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ tăng, cùng với đó là sự lớn mạnh của kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp FDI khai thác tốt ưu đãi thuế ở các hiệp định song phương, trong đó có cả các doanh nghiệp Mỹ”, GS Hà Tôn Vinh nói.

Theo GS Hà Tôn Vinh, giải pháp trước mắt hiện nay là Việt Nam cần mua hàng hóa của Mỹ để thu hẹp cán cân thâm hụt thương mại của Mỹ. “Tuy nhiên, hàng hóa của Mỹ có những thứ Việt Nam không có nhu cầu mua hoặc có thứ Việt Nam muốn mua nhưng lại quá đắt đỏ. Vừa qua, Việt Nam quyết định mua máy bay của Mỹ, nhưng giá trị mỗi chiếc cũng chỉ hơn 100 triệu USD cũng không thể đủ để giảm thâm hụt thặng dư thương mại của Mỹ, trong khi quan điểm của Mỹ là Việt Nam phải giảm khoảng 50% giá trị thặng dư thương mại hiện nay”, GS Hà Tôn Vinh đánh giá.

Do đó, theo GS Hà Tôn Vinh, Việt Nam cần tính đến giải pháp khác là mua công nghệ và thuê nhân lực, dịch vụ vận hành và tư vấn công nghệ từ Mỹ. Điều này Việt Nam đã và đang làm khi đã có những thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn công nghệ số, công nghệ cao của Mỹ.

* Ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketing và phát triển thị trường, Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn:

Trong bối cảnh các nước đang sử dụng công cụ thuế để trừng phạt kinh tế lẫn nhau sẽ gây ra các thách thức về chuỗi cung ứng, gây khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu dẫn đến có thể làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Khi các quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt, các doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các đối thủ quốc tế.

Điều này đòi hỏi các công ty sản xuất Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện chiến lược tiếp thị. Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng những yếu tố trên cũng mang đến những cơ hội mở rộng thị trường. Theo đó, các biện pháp trừng phạt có thể tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường sang các quốc gia không bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần tăng cường tối đa lợi thế thị trường nội địa và đồng hành khi phát triển thị trường quốc tế, chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm.

* Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất thực phẩm Kim Anh:

Với những sản phẩm có tỷ lệ nguyên liệu cấu thành từ nhập khẩu cao, chi phí nguyên vật liệu sản xuất đang bị tăng do thời gian đặt hàng và nhận hàng lâu hơn 1/3 so với trước đây. Giá nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng từ 15%-20%. Thực tế này buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán để đảm bảo chi phí sản xuất và vận hành, gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với các đối thủ đến từ nước ngoài vốn có quy mô sản xuất lớn và giá thành sản xuất rẻ.

Còn với những sản phẩm có nguyên vật liệu sản xuất chủ động trong nước thì doanh nghiệp sẽ giữ được giá bán, không chịu ảnh hưởng từ các tác động bên ngoài. Về phía doanh nghiệp, thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ nên khó tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, trong ngắn hạn thì vẫn chưa chịu những ảnh hưởng tiêu cực nào. Bởi các đơn hàng xuất khẩu đi thị trường Mỹ đã được các đối tác ký kết từ trước khi Tổng thống Donal Trump nhậm chức.

Tuy nhiên, để chủ động ứng phó, doanh nghiệp đang tăng cường gia tăng tỷ lệ nguyên liệu nội địa để giảm tác động từ việc tăng giá nguồn nguyên liệu cung ứng, nghiên cứu mở rộng các thị trường mới như Brazil, Mexico… để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

* Bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm OPC:

Trước bối cảnh Mỹ và Trung Quốc áp thuế lẫn nhau, cùng nguy cơ chiến tranh thương mại, trong ngắn hạn, OPC chưa chịu ảnh hưởng đáng kể. Ở khía cạnh khác, OPC nhận thấy đây là cơ hội để chuyển hướng tập trung nguồn lực vào phát triển thị trường Trung Đông và ASEAN, thay vì chú trọng vào Mỹ và Trung Quốc. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, trước đây thị trường xuất khẩu chính của OPC là Đông Âu.

Khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine diễn ra, tác động tiêu cực đến thị phần cung ứng của OPC, chúng tôi đã nhanh chóng chuyển đổi kết hợp mở rộng thị trường sang các khu vực khác nhằm tìm kiếm cơ hội mới và giảm thiểu rủi ro. Cùng với đó, chúng tôi đang triển khai xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và hướng đến ứng dụng AI trong nghiên cứu dược liệu, để đảm bảo tối ưu hóa hiệu quả và tính an toàn của sản phẩm.

Hiện các sản phẩm của OPC đã đạt được các chứng chỉ quan trọng như Halal, Giải Vàng Chất lượng Quốc gia, là lợi thế giúp OPC tự tin hội nhập và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

ÁI VÂN


* Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến:

Không chủ quan, chuẩn bị kịch bản ứng phó

Theo tôi, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động đến kinh tế thế giới, nhưng cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ. Bởi Mỹ hiện nay đang là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất, nhì của Việt Nam. Năm 2024, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 13,8 tỷ USD, chiếm 21,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam và Mỹ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, chúng ta giữ quan hệ tốt với Mỹ trên tất cả các phương diện nên tôi cho rằng dù có tác động bởi chính sách thuế mới của Mỹ nhưng chắc chắn quá trình xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ vẫn sẽ được thúc đẩy với nhiều cơ hội. Mặc dù vậy, chúng ta cũng không thể chủ quan và cần chuẩn bị sẵn các kịch bản, phương án để chủ động về giải pháp ứng phó với xung đột thương mại, các chính sách thuế áp dụng mở rộng.

Cuộc họp của Chính phủ mới đây cũng đã đưa ra nhận định, chiến tranh thương mại đã rất gần. Chính phủ, các ngành chức năng phải chuẩn bị hệ thống giải pháp để ứng phó. Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế rằng, càng ra biển lớn càng khó khăn, nhưng càng khó khăn thì càng phải nỗ lực để giữ vững thị trường trên cơ sở tổ chức sản xuất tốt theo hướng kinh tế xanh.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục