Đảm bảo quyền lợi người lao động
Gần một tháng nay, bà Nguyễn Thị Hồng (45 tuổi, quê Đồng Tháp, ngụ quận 12, TPHCM) cầm hồ sơ đi khắp nơi để xin việc mới nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù phợp. Bà Hồng từng là công nhân may tại quận 12, nhưng do tình hình khó khăn, công ty đã giải thể từ giữa tháng 11 vừa qua. Chưa tìm được công việc đúng chuyên môn trong khi số tiền dành dụm đã sắp hết, bà Hồng phải xin làm tạp vụ cho một nhà hàng gần phòng trọ để trang trải cuộc sống.
Cũng rơi vào cảnh khó khăn sau thời gian mất việc, những ngày qua, nhiều người lao động đã đến cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc BHXH một lần. Xếp hàng trước trụ sở BHXH huyện Hóc Môn từ tờ mờ sáng, anh Nguyễn Minh Sơn (38 tuổi, quê Tiền Giang) cho biết, anh đã tham gia BHXH gần 8 năm. Đợt dịch Covid-19 năm ngoái, anh bị mất việc và phải đi làm thời vụ cho một nhà thầu xây dựng. Hai tháng qua, không có công trình mới nên anh tiếp tục thất nghiệp. Quá khó khăn, anh Sơn đi rút BHXH một lần để về quê và cho biết qua tết sẽ trở lại thành phố tìm việc mới.
Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, đến hết tháng 11-2022, thành phố ghi nhận 99.615 người nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần, tăng 460 người so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm hơn năm 2020 khoảng 14.000 người. Riêng giai đoạn cuối tháng 11, đầu tháng 12, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động, người lao động không tìm được việc, kết hợp với cận Tết Nguyên đán nên chọn hưởng chế độ BHXH một lần để trang trải.
Ông Hà băn khoăn việc người lao động chọn hưởng BHXH một lần sẽ để lại nhiều hệ lụy về sau, như không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế… Trường hợp người lao động quá khó khăn có thể đến cơ quan BHXH bất cứ quận, huyện nào để nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần, không nhất thiết nộp hồ sơ ở nơi mình cư trú. Hiện nay, BHXH 22 quận huyện, TP Thủ Đức và 46 bưu cục tiếp nhận hồ sơ, giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, trong những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ... gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Số lượng đơn đặt hàng của các doanh nghiệp này bắt đầu giảm từ quý 4-2022, dự kiến kéo dài đến quý 1-2023. Điều này dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của công nhân lao động.
Để tránh phải cho nhiều người thôi việc cùng lúc, các doanh nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp như không bố trí làm thêm giờ, giảm giờ làm, nghỉ một ngày hoặc một số ngày trong tuần, sắp xếp cho người lao động nghỉ phép năm... Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn người lao động tìm hiểu các chính sách, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong năm 2022, cơ quan chức năng đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động số tiền hơn 28,562 tỷ đồng và 36.702 USD.
Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, bên cạnh các doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động, giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 vẫn còn nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động mất việc, Sở LĐTB-XH phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM và các đơn vị liên quan tổ chức các sàn giao dịch, giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, tâm lý không ít lao động mất việc không muốn tìm việc chính thức mà chọn làm thời vụ và hưởng trợ cấp thất nghiệp, hưởng BHXH một lần để về quê, sau tết mới trở lại thành phố tìm việc làm mới.
* Ông PHAN VĂN ANH, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Chăm lo cho trên 1 triệu đoàn viên, lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ động yêu cầu các cấp công đoàn báo cáo về tình hình công nhân mất việc, giảm việc để có những giải pháp tháo gỡ. Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã trao đổi với Bộ LĐTB-XH, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để đánh giá lại tình hình công nhân mất việc, giãn việc. Qua đó, các bên đã đề xuất một số giải pháp để báo cáo Chính phủ như: có thêm gói tài chính hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân; gói hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động, nâng cao tay nghề; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất để duy trì việc làm… Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, người lao động với phương châm tất cả đoàn viên, người lao động đều có tết. Có thể kể đến là gói hỗ trợ đoàn viên, lao động khó khăn, trong đó có những người bị mất việc, giãn việc. Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam dự kiến chăm lo cho trên 1 triệu đoàn viên, lao động, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã yêu cầu các cấp công đoàn chủ động nắm tình hình việc làm, thu nhập của người lao động để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam dự kiến sẽ có thêm gói hỗ trợ công nhân, người lao động dịp tết và sau tết. |
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ TPHCM, qua khảo sát gần 330 doanh nghiệp tại TPHCM, có khoảng 108.000 người lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp giảm đơn hàng. Trong đó, bị giảm giờ làm khoảng 102.000 lao động và hơn 6.000 lao động mất việc. Những lao động bị ảnh hưởng trên 35 tuổi có khoảng 40.000 người; lao động mang thai và nuôi con nhỏ khoảng 8.000 người.
Trước làn sóng công nhân bị mất việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, chính quyền nhiều địa phương đã phối hợp với tổ chức công đoàn, doanh nghiệp có những chính sách hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó, Sở LĐTB-XH và LĐLĐ TPHCM theo dõi, giám sát tình hình trả lương, thưởng dịp tết tại các doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Theo kế hoạch, đến ngày 25-12, các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM phải báo cáo về tình hình trả lương năm 2022 và thưởng tết. Đến nay đã có khoảng 200 doanh nghiệp báo cáo về Sở LĐTB-XH. Đơn cử, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) đã có quyết định thưởng Tết Quý Mão 2023 cho công nhân. Tùy theo thâm niên mà mức thưởng cao nhất người lao động tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam nhận được là 2,2 tháng lương và người làm vừa đủ một năm được thưởng một tháng lương. Như vậy công nhân trực tiếp sản xuất sẽ có mức thưởng 6,5-26 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM Trần Đoàn Trung cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, ngoài nguồn kinh phí khoảng 140 tỷ đồng chăm lo tết, LĐLĐ TPHCM cũng chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện và TP Thủ Đức tìm nhiều giải pháp để hỗ trợ, chăm lo người lao động khó khăn. Đồng thời lập danh sách người lao động mất việc, giảm việc để điều chỉnh kế hoạch chăm lo theo thực tế phát sinh. Tổ chức công đoàn TPHCM sẽ tập trung chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp khó khăn phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, doanh nghiệp di dời đi nơi khác. Đồng thời, tập trung chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động nơi chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc không được doanh nghiệp thưởng tết; lao động nữ mang thai, công nhân nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, công nhân bị tai nạn lao động, bị bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo đang điều trị…
Tại hội nghị phiên cuối năm của Đảng ủy Quân sự TPHCM ngày 4-12 vừa qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã lưu ý đến nhiệm vụ chăm lo tết cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo, người gặp khó khăn. Trong bối cảnh chung hiện nay, có một số doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu đơn hàng phải cắt giảm lao động khiến công nhân, người lao động không có việc làm. Do vậy, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cấp, các ngành trên địa bàn TPHCM phải quan tâm, có chính sách đối với công nhân, người lao động tạm thời bị mất việc, mất việc lâu dài, nhất là những người không có điều kiện về quê ăn tết. |