Tại cuộc họp, nhiều DN chia sẻ, khó khăn nhất hiện nay là nguy cơ bị gián đoạn nguồn nguyên liệu sản xuất chủ yếu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Với các DN dệt may, da giày, nguyên liệu sản xuất chỉ có thể kéo dài đến hết tháng 3.
Riêng với những DN cơ khí chế tạo, chế biến lương thực thực phẩm thì nguồn nguyên liệu sản xuất ít căng thẳng hơn do dự trữ tồn kho có thể duy trì đến hết tháng 6.
Hiện các DN đã gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng chủ yếu là gia công, chưa tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt nên giá trị gia tăng không cao. Do vậy, để giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, cần thiết phải hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay để đổi mới công nghệ sản xuất, nâng quy mô sản xuất nhà máy.
Về phía nguồn nguyên liệu sản xuất, nên có sự kết nối chặt chẽ giữa DN trong nước để tăng tỷ lệ cung ứng nguyên liệu nội địa, giảm nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, hiện thành phố đang có chương trình hỗ trợ vốn kích cầu cho DN đổi mới công nghệ sản xuất.
Theo đó, TP hỗ trợ lãi suất khoảng 7%, còn lại DN chỉ phải trả 2% lãi suất vay. Tổng vốn vay có thể lên đến hơn 200 tỷ đồng/dự án và thời hạn hỗ trợ 7 năm.
Ngoài ra, TP còn có chương trình hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm chủ lực xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường, như ngày hội kết nối DN Việt với DN FDI, ngày hội sản phẩm chủ lực… Về mở rộng diện tích nhà xưởng, sở đã xúc tiến để hỗ trợ DN tiếp cận với những khu chế xuất, khu công nghiệp.