Ngày 29-10, Bộ KH-ĐT và Bộ TT-TT đã chủ trì hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Trước đó 1 ngày, trong chương trình khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) ở Hòa Lạc (Hà Nội) và Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn NIC Hòa Lạc. Trung tâm này là sự hợp tác giữa các đối tác công nghệ lớn Hoa Kỳ như Synopsys, Đại học Arizona, Keysight và các đối tác trong nước, với mục tiêu là đến năm 2030 sẽ góp phần đào tạo được hơn 50.000 kỹ sư về thiết kế vi mạch theo chuẩn quốc tế.
Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản). Ảnh: CAO THĂNG |
Trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã làm việc một loạt công ty công nghệ, đào tạo về lĩnh vực bán dẫn nổi tiếng ở Hoa Kỳ nhằm xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này. Trong đó, đáng chú ý, Synopsys đã tham gia vào thị trường vi mạch Việt Nam vào năm 2020. Hiện Synopsys Việt Nam đã mở 4 văn phòng tại TPHCM và Đà Nẵng, thu hút gần 500 kỹ sư có năng lực…
Những hoạt động trên nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9 vừa qua. Các sự kiện trên cũng là những bước đi cụ thể giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ với các đối tác Việt Nam nhằm mang đến cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao năng lực Việt Nam ở ngành công nghiệp quan trọng này.
Trong cuộc làm việc ở Bắc Ninh ngày 27-10, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, cho biết, Việt Nam là một thị trường đặc biệt hấp dẫn trong hợp tác, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã và sẽ tiếp tục tìm hiểu, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực này với Việt Nam.
Với các doanh nghiệp trong nước, tháng 9-2022, Tập đoàn FPT tuyên bố thiết kế sản xuất thành công chip thương mại cung cấp cho nhiều thị trường và mục tiêu trở thành công ty thiết kế chip lớn nhất Đông Nam Á. Viettel đã công bố thành công trong nghiên cứu, làm chủ thiết kế chip dùng cho thiết bị mạng 5G và sẽ sớm đưa vào thương mại hóa.
Đó là những tín hiệu tích cực, là con đường để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; ngành công nghiệp mà năm 2022 có doanh thu hơn 600 tỷ USD và dự kiến đạt quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Đây cũng là ngành công nghiệp cốt lõi, xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình số hóa hiện nay.
Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần sớm có các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trong các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến bán dẫn; thu hút nguồn chất xám, công nghệ từ nước ngoài ở lĩnh vực này. Tất cả là nhằm tạo ra hệ sinh thái, mối liên kết chặt chẽ giữa các viện, trường, doanh nghiệp; từ khâu thiết kế đến chế tạo sản phẩm, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra cho sản phẩm.
Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip tại Việt Nam với tổng số lao động hơn 5.000 kỹ sư. Bài toán đầu tư, phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn là bức thiết hiện nay. Việc phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế, kỹ sư vi mạch sẽ giúp Việt Nam dần nâng bậc, tham gia sâu hơn các công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế - thương mại thế giới có nhiều biến động, phức tạp, nhất là “cuộc chiến bán dẫn” giữa các cường quốc, thì sự chủ động tham gia tích cực, kêu gọi đầu tư nước ngoài, tiếp tục phát triển “nội địa” ở lĩnh vực công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là tín hiệu tích cực, với nhiều kỳ vọng hiện nay.