Môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch
Phát huy vai trò là cơ quan tham mưu trong công tác thu hút đầu tư, tiếp nối thành công của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và Diễn đàn đầu tư 2017, Sở KH-ĐT Đà Nẵng đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu lựa chọn chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, tổ chức thành công Tọa đàm mùa xuân 2018, 2019, để lại ấn tượng tốt đẹp với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về một Đà Nẵng năng động, hiện đại, giàu tiềm năng, nâng cao vai trò, vị thế của Đà Nẵng.
Tại các Diễn đàn đầu tư 2017, qua tham mưu của ngành KH-ĐT, UBND TP Đà Nẵng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 495 tỷ đồng; cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 10.929 tỷ đồng và trao Thông báo nghiên cứu đầu tư cho 7 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 14.814 tỷ đồng. Tại Tọa đàm mùa xuân 2019 đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án tương đương 492,4 triệu USD và Thông báo cho phép nghiên cứu dự án cho 11 dự án tương đương khoảng 3.483 triệu USD. Đây là nguồn lực trong tổng vốn đầu tư phát triển TP Đà Nẵng.
Trong 5 năm qua đã có 52 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 68.418,9 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện như dự án Tổ hợp Ánh Dương - Soleil của Công ty Cổ phần PPC An Thịnh Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển Đà Nẵng của Công ty Cổ phần Phát triển đô thị du lịch Quảng An có tổng vốn đầu tư 4.942 tỷ đồng; dự án Khu phức hợp dịch vụ thương mại cao tầng An Hòa của Công ty Cổ phần An Hòa có tổng vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng hay như dự án mở rộng Khu đô thị ven sông Hòa Quý - Đồng Nò về phía đông của Công ty Cổ phần Địa Cầu có tổng vốn đầu tư trên 3.400 tỷ đồng.
Top 5 quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào TP Đà Nẵng hiện nay lần lượt là Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, đảo British Virgin và Hàn Quốc. Riêng giai đoạn từ 2015 đến nay, 3 đối tác lớn nhất đầu tư vào thành phố với Nhật Bản là 424,65 triệu USD, Singapore 207,69 triệu USD, Hàn Quốc 137,92 triệu USD. |
Trong 5 năm, Sở KH-ĐT Đà Nẵng tham mưu UBND TP Đà Nẵng thu hút được 6 dự án ODA với tổng vốn 351,4 triệu USD từ các dự án vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) với số vốn 284,7 triệu USD; dự án từ Quỹ OPEC về phát triển quốc tế (OFID) với số vốn 45 triệu USD; dự án của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) có giá trị 10 triệu USD; dự án sử dụng vốn ODA với cơ chế tài chính trong nước 11,7 triệu USD. Tỷ trọng vốn ODA và vốn vay ưu đãi chiếm khoảng 2,71% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm 10,26% tổng vốn ngân sách nhà nước. |
Giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng huy động tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 187,678 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7%/năm, trong đó năm 2020 ước đạt 37.696 tỷ đồng, chiếm 36,8% so với GRDP thành phố và gấp 1,2 lần so với năm 2016. Đến năm 2020, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước (dân cư, tư nhân) chiếm 54,2%, khu vực đầu tư nước ngoài chiếm 21,9%.
Hoạt động đầu tư công cũng được Sở KH-ĐT Đà Nẵng tập trung lập kế hoạch, phân bổ và cân đối vốn theo hướng hiệu quả, sát với tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, công tác tham mưu quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường, đầu tư có trọng điểm, quy mô hợp lý và nâng cao hiệu quả đầu tư. Công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án án đầu tư, thiết kế - dự toán, đấu thầu và quản lý chất lượng công trình được thực hiện đúng trình tự thủ tục đảm bảo quy định hiện hành. Các công trình động lực trọng điểm được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào sử dụng hiệu quả nhiều công trình quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa động lực... Đến nay, có 76 dự án trọng điểm, mang tính động lực cần tập trung triển khai trong giai đoạn 2016-2020, gồm 50 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố, vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, 7 dự án đầu tư từ nguồn vốn của các Bộ, ngành, 19 dự án đầu tư từ nguồn vốn của Nhà đầu tư.
Năm 2019, Sở KH-ĐT Đà Nẵng phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND TP Đà Nẵng ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Quản lý liên thông về thủ tục đầu tư”. Trong đó, Sở KH-ĐT Đà Nẵng là cơ quan đầu mối, có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tiến độ tổng thể thực hiện các thủ tục đầu tư và trực tiếp đôn đốc, theo dõi, giám sát, tổng hợp báo cáo tình hình triển khai cho lãnh đạo thành phố từ giai đoạn chuẩn bị thủ tục đầu tư đến cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và khởi công dự án. Hiện nay, Sở KH-ĐT Đà Nẵng đang chủ trì xây dựng và sớm đưa vào sử dụng Phần mềm “Quản lý, giám sát các dự án đầu tư”.
Đây là một ứng dụng của đề án, giúp theo dõi giám sát quy trình xử lý, có hệ thống cảnh báo, giám sát đối với các thủ tục, giai đoạn quá hạn xử lý, tích hợp trên các thiết bị di động thông minh. Việc xây dựng và đưa vào sử dụng Phần mềm Quản lý, giám sát các dự án đầu tư là một trong những cách làm mới, có ý nghĩa rất lớn trong công tác cải cách hành chính, góp phần hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai dự án.
Sở KH-ĐT Đà Nẵng cũng thường xuyên tham mưu UBND TP Đà Nẵng định kỳ tổ chức các chương trình gặp mặt, đối thoại cùng doanh nghiệp để quan tâm, lắng nghe, tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng xử lý và tiếp thu các hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp đối với thành phố.
Bước sang năm 2020, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của Covid-19 với những tác động tiêu cực có tính dây chuyền đến các ngành sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Ngay từ giữa Quý 1-2020, Sở KH-ĐT Đà Nẵng đã chủ động tham mưu UBND TP Đà Nẵng trong việc đánh giá và dự báo các tác động của dịch bệnh, dự kiến các kịch bản tăng trưởng kinh tế của năm 2020 theo các kịch bản diễn biến của dịch bệnh và đề ra các giải pháp điều hành trong tình hình dịch bệnh...
Công tác kế hoạch vốn, thẩm định chủ trương đầu tư, triển khai thực hiện các dự án đảm bảo quy định, đặc biệt là việc rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư nhằm tạo điều kiện để các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án sớm triển khai các dự án... Nhờ đó, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn hằng năm có sự chuyển biến tích cực và rõ rệt, nhiều công trình trọng điểm, động lực, công trình có quy mô lớn, đảm bảo an sinh xã hội được khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn Đà Nẵng...
Đặc biệt, năm 2020, theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Thành ủy và HĐND TP Đà Nẵng xác định giải ngân, hoàn thành kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, là cơ sở góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phục hồi tăng trưởng kinh tế trước những tác động tiêu của của dịch Covid-19. Tiến độ giải ngân có chuyển biến rõ rệt, giá trị giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2020 ước đạt 3.718 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch Trung ương giao, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giải ngân 252,2 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch giao.
Trong công tác cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, thể hiện qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố từ năm 2015 đến nay luôn nằm trong top 5 và được xếp trong nhóm “Tốt”, “Rất tốt” của cả nước; một số tiêu chí có nhiều chuyển biến tích cực và thay đổi về chất trong 2019.
Tạo cơ chế thuận lợi phát triển khởi nghiệp dài hơi
Về hoạt động đăng ký doanh nghiệp, khởi nghiệp, Sở KH-ĐT Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 1490/QĐ-UBND ngày 21-3-2017 triển khai Quy định thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký mã số thuế và cấp phép sản xuất, kinh doanh có điều kiện tại UBND quận, huyện. Qua đó, góp phần giảm đầu mối liên hệ, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh có điều kiện của các hộ kinh doanh. Hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã được Bộ KH-ĐT triển khai, Sở KH-ĐT Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp nhằm quảng bá, khuyến khích doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đồng thời mạnh dạn rút ngắn thời gian xử lý qua mạng điện tử xuống còn từ 1-2 ngày so với hồ sơ nộp theo phương thức truyền thống (nộp trực tiếp) nhằm khuyến khích doanh nghiệp tăng tỷ lệ nộp hồ sơ qua mạng, góp phần, nâng cao tính minh bạch, tiết giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trong 5 năm qua (1-1-2016 đến 15-8-2020) tăng cao với 22.425 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 107.918 tỷ đồng cho cả giai đoạn. |
Cùng với nhiều chính sách phát triển khởi nghiệp của Trung ương, Đà Nẵng cũng đã có nhiều hoạt động sôi nổi liên quan đến khởi nghiệp, tạo làn sóng lan tỏa trong cộng đồng. Sở KH-ĐT Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng ban hành Chương trình “Phát triển khởi nghiệp Đà Nẵng 2016”; thành lập Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp TP Đà Nẵng. Đây là Hội đồng Điều phối đầu tiên trong cả nước được thành lập để giúp Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng quy hoạch, thẩm định, xét chọn, xúc tiến, điều phối, hỗ trợ tổ chức các chương trình, đề án, dự án về khởi nghiệp; các khóa đào tạo khởi nghiệp; các chương trình kết nối tư vấn và đầu tư, phát triển mạng lưới khởi nghiệp; xây dựng cộng đồng văn hóa khởi nghiệp trong các trường phổ thông, đại học, cao đẳng và các tầng lớp thanh thiếu niên trên địa bàn Đà Nẵng. Tham mưu thành lập Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng hoạt động theo mô hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng theo mô hình hợp tác công - tư đầu tiên trong cả nước.
Ngoài ra, để tạo cơ chế thuận lợi phát triển khởi nghiệp dài hơi hơn trong thời gian tới Sở KH-ĐT Đà Nẵng tiếp tục tham mưu UBND TP Đà Nẵng phê duyệt Đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; xây dựng Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố đến năm 2025” - dự kiến sẽ trình UBND TP Đà Nẵng ban hành trong năm 2020, với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng phát triển trong một hoặc nhiều ngành, lĩnh vực hoạt động trên địa bàn thành phố trong nhiều giai đoạn, tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ, gắn hoạt động nghiên cứu và việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đẩy mạnh hoạt động ươm tạo công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa...
"Lót ổ" đón làn sóng đầu tư Chặng đường 5 năm qua, Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng đã thực sự vượt lên chính mình, tiên phong đổi mới tư duy và hành động có hiệu quả. Quá trình điều hành phát triển KT-XH ở Đà Nẵng có lúc, có thời điểm xuất hiện những “điểm nghẽn”, nhưng Sở KH-ĐT Đà Nẵng nỗ lực cùng với các sở, ngành quyết liệt khơi thông điểm nghẽn; giải phóng nguồn lực gắn với sự chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo, đổi mới và hành động quyết liệt để phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Không ngừng phấn đấu, nâng cao năng lực chuyên môn; đổi mới công tác kế hoạch, đổi mới phương pháp và tư duy nghiên cứu, phát huy tính năng động sáng tạo; kịp thời tham mưu nâng cao tính hiệu quả trong điều hành thực hiện các kế hoạch phát triển KT-XH. Hằng năm, Sở KH-ĐT Đà Nẵng đều hoàn thành xuất sắc 3 nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng năm do UBND thành phố giao và đã được Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố công nhận, khen thưởng cùng Bằng khen của Bộ KH-ĐT cho tập thể và cá nhân. Năm 2020 có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH của TP Đà Nẵng, Sở KH-ĐT Đà Nẵng chủ động trong tham mưu, đề xuất trong việc xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế trọng tâm làm nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế sau Covid-19 đối với các ngành, lĩnh vực. Từ phục hồi kinh tế đến phát triển kinh tế, Sở KH-ĐT Đà Nẵng xác định lĩnh vực thu hút đầu tư làm nhiệm vụ trọng tâm để đón đầu những thời cơ cho sự phát triển mới của Đà Nẵng trong xu thế “làn sóng” dịch chuyển đầu tư; định vị lại thị trường cùng xây dựng chuỗi giá trị kinh tế. Trong giai đoạn tới, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Theo đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân cho các dự án, đặc biệt đối với các dự án gắn với giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép xây dựng... Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu, tạo niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách đầu tư của Đà Nẵng, qua đó tranh thủ mời gọi các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư chiến lược. Tiếp tục hỗ trợ các dự án đang hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng vốn đầu tư và tích cực tìm kiếm các dự án tiềm năng để làm cơ sở cho hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư trong những năm tiếp theo. Tiếp tục phối hợp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với Covid-19; rà soát, đánh giá hiệu quả và đề xuất cụ thể đối với các chính sách triển khai không hiệu quả. Tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ... Ưu tiên xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững. Thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ chất lượng cao, các dự án dịch vụ (trung tâm thương mại, cửa hàng miễn thuế, trường quốc tế, bệnh viện quốc tế...), góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường quan trọng để thu hút làn sóng đầu tư; tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia (TNCs), các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ…, nhất là trong bối cảnh các quốc gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thế giới có xu hướng dịch chuyển thị trường đầu tư sau tác động của đại dịch Covid-19. Thiết lập mạng lưới cộng tác viên, đại diện ở nước ngoài làm công tác xúc tiến đầu tư. Đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút đầu tư theo nhiều hình thức phù hợp, nhất là tập trung trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch. Tăng cường chuyển giao cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính mà các cơ quan hành chính nhà nước không nhất thiết phải thực hiện. Một số giải pháp khác cũng cần được thực hiện như sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển dài hạn Khu công nghệ cao theo đúng định hướng trở thành một Khu công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia, các dịch vụ phát triển theo hướng tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; chú trọng nâng cấp chất lượng cung cấp dịch vụ cho các chuyên gia, nhà khoa học, người lao động làm việc tại Khu công nghệ cao. Tiếp đó, rà soát, cập nhật danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư để phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của TP Đà Nẵng. Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, không cấp phép các dự án đầu tư sử dụng hoặc đưa vào công nghệ và thiết bị lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh, làm chậm tốc độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế của Đà Nẵng; đẩy mạnh hoạt động quảng bá về Đà Nẵng thông qua các phương tiện truyền thông, diễn đàn, hội thảo, hội nghị; kết hợp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong các sự kiện nhằm tận dụng tối đa nguồn lực. Đồng thời đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại, hội, hiệp hội doanh nghiệp, công ty tư vấn trong nước và quốc tế để hỗ trợ công tác xúc tiến, vận động đầu tư vào Đà Nẵng. |