Gia tăng trẻ em mắc Covid-19
Tại TPHCM, số ca mắc Covid-19 ở trẻ em thời gian gần đây tăng nhẹ. Trong ngày 14-2, thành phố ghi nhận có 27 em mắc Covid-19, ngày 15-2 có 50 em, ngày 16-2 có 86 em. Điều đáng mừng là đa số trẻ mắc Covid-19 trong đợt này đều có biểu hiện nhẹ, có thể tự điều trị tại nhà. Hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị cho 45 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19.
Thống kê của Bộ GD-ĐT, sau khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc Covid-19 tăng mạnh gồm: Hải Phòng 9.649 ca (chiếm 1,76%), Hà Tĩnh 675 ca (chiếm 0,24%), Nghệ An 298 ca (chiếm 0,08%), Thanh Hóa 2.359 ca... Còn theo số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, tính đến nay nước ta có hơn 490.000 trẻ em mắc Covid-19, chiếm khoảng 19,2% tổng số ca mắc Covid-19. Trong đó, có khoảng 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, tình trạng mắc Covid-19 ở trẻ sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bởi trẻ em đã đi học trở lại trong khi một số lượng lớn các em chưa được tiêm vaccine, cộng thêm tốc độ lây lan nhanh của virus. “Với biến thể Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ chưa được tiêm vaccine Covid-19”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận.
Cần có phương án ứng phó
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến nay cả nước ghi nhận 165 trẻ mắc Covid-19 tử vong, chiếm 0,42% trong tổng số ca tử vong chung. Riêng tại TPHCM, tính từ khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đến nay đã ghi nhận 32.400 trẻ mắc Covid-19, trong đó có 48 ca tử vong, chiếm 0,15% trong tổng số ca mắc. Phân tích 2.478 ca mắc Covid-19 ở trẻ em thì có 165 ca có mức độ nặng, nguy kịch chủ yếu ở nhóm trên 10 tuổi, chiếm 64%; trong đó trẻ mắc Covid-19 có bệnh lý kèm như thừa cân, béo phì chiếm 14%, các bệnh lý kèm khác chiếm 8,5%.
“Mặc dù số trẻ em tử vong do mắc Covid-19 không cao nhưng với nhóm trẻ thừa cân béo phì, đang điều trị bệnh nền, mãn tính, trẻ bị suy giảm miễn dịch cần hết sức cẩn trọng”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết và lo ngại, bởi hiện có nhiều trẻ tuy mắc bệnh nhẹ, không triệu chứng nhưng sau khi khỏi bệnh lại có biến chứng nguy hiểm như suy đa tạng, nhiễm trùng huyết, viêm đa hệ thống…
Theo các chuyên gia y tế, thông thường trẻ em khi mắc Covid-19 chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ phải vào bệnh viện. Với những trẻ thể nặng và nguy kịch như chỉ số bão hòa oxy thấp, tổn thương phổi rõ rệt… cần đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Các dấu hiệu chuyển nặng ở trẻ mà phụ huynh cần lưu ý gồm: trẻ thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, lờ đờ, bỏ bú, tím môi, đầu chi, chi lạnh tái, nổi vân tím.
Trẻ mắc Covid-19 có nguy cơ chuyển nặng khi có các yếu tố như: trẻ sinh non, nhẹ cân; trẻ mắc các bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gene, béo phì. Bên cạnh đó, trẻ mắc bệnh hô hấp mãn tính, hen phế quản, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, suy thận mãn, ung thư, huyết học… là những đối tượng cần cẩn trọng với Covid-19.
Trong bối cảnh mở cửa trở lại, dự kiến số trẻ mắc Covid-19 sẽ tăng cao, do đó việc đảm bảo an toàn cho trẻ để phòng chống dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Cùng với các em từ 12-18 tuổi, Bộ Y tế đang nỗ lực chuẩn bị để tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp để chuẩn bị kịch bản thích ứng linh hoạt và an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch Covid-19 thời gian tới là cần chủ động sắp xếp nhân lực tại chỗ, nâng cao năng lực, kỹ năng thực hành y khoa để bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19 và khám chữa bệnh khác phù hợp với kịch bản cho từng giai đoạn phát triển của dịch.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường tập huấn về chăm sóc, theo dõi, phân loại bệnh nhân Covid-19 trẻ em, nâng cao năng lực điều trị với trẻ mắc Covid-19, chuẩn bị một số cơ sở vật chất, trang thiết bị về hồi sức nhi trong trường hợp nhu cầu hồi sức cấp cứu tăng... |