Theo Bộ Công thương, sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh, sức mua hàng tiêu dùng đã tăng trở lại. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1-2022 ước tính đạt 470,68 ngàn tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1 ước đạt 383,5 ngàn tỷ đồng, chiếm 81,5% tổng doanh thu, tăng 7% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Sở dĩ có kết quả như vậy là do cuối năm 2021 và giáp Tết Nhâm Dần 2022 vừa qua, các DN, nhà bán lẻ thực hiện nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi, ứng dụng công nghệ để kích hoạt mua sắm online, tận dụng cơ hội kinh doanh vào dịp cao điểm này. Nhờ đó, nhiều DN lớn như Kido, Masan, Saigon Co.op… đã có mùa kinh doanh tết khá ấn tượng. Từ đó, nhiều DN chia sẻ trong năm 2022 sẽ tiếp tục theo sát diễn biến thị trường đồng thời thực hiện những giải pháp đồng bộ để hàng hóa chắc chân hơn ở thị trường nội địa.
Ở lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn Kido cho biết sẽ tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi như dầu ăn, kem, F&B, bánh kẹo, nước uống. Trong đó, với mảng dầu ăn, Kido tiếp tục quy hoạch thương hiệu nhãn hàng, nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm mới phù hợp từng giai đoạn. Với chuỗi F&B Chuk Chuk, Kido cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm những vị trí phù hợp tại TPHCM và các tỉnh/ thành phố để phát triển, song hành cùng đối tác để mở rộng như kế hoạch đã đề ra. Với mảng bánh kẹo, DN này tiếp tục ra mắt các sản phẩm mới, nghiên cứu xu hướng người tiêu dùng để điều chỉnh các sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người Việt với 3 mũi nhọn là bánh tươi, bánh tây, bánh quà biếu phục vụ lễ hội.
“Chúng tôi sẽ tối ưu hóa hệ thống vận hành, chuẩn hóa quy trình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Tất cả bộ phận sẽ phối hợp để tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, quản trị giá thành nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh”, đại diện Kido chia sẻ.
Trong lĩnh vực bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, hệ thống gần 1.000 điểm bán thuộc Saigon Co.op tiếp tục đẩy mạnh phát triển các loại hình thương mại hiện đại, kênh phân phối tiên tiến đối với tiêu thụ hàng Việt, đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới như: online, e-commerce, thanh toán không tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc...
“Trong năm 2022, xu hướng hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, thay đổi mô hình mua nhanh bán gọn sẽ sớm đi vào thực tiễn. Một xu hướng nữa là chiến lược bán lẻ, đặt khách hàng cá nhân lên hàng đầu. Các nhà bán lẻ tối ưu hóa trải nghiệm để giữ chân khách hàng và áp dụng nhiều chỉ số đánh giá quá trình bán hàng sẽ có được lợi thế tốt hơn để chiếm lĩnh thị trường”, ông Đức nhận định.
Đây cũng là lý do gần đây Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động dự án kho dữ liệu tự vận hành và phân tích dữ liệu hiện đại với mục tiêu đẩy nhanh số hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho khách hàng. Dự án này được xây dựng giúp Saigon Co.op sử dụng kho dữ liệu một cách hiệu quả để đưa ra báo cáo phân tích, hỗ trợ ra quyết định cũng như các mô hình dự báo khoa học, từ đó tăng trải nghiệm khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh của toàn hệ thống.
Cùng với sự chủ động của DN sản xuất, nhà bán lẻ, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều hỗ trợ giúp hàng hóa Việt tận dụng cơ hội sau dịch và chắc chân tại nội địa. Cụ thể là triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chương trình phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động trong giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Về phía các địa phương, sẽ có chương trình hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm hàng Việt như ra mắt khu trưng bày, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tổ chức gian hàng dành riêng cho các loại đặc sản Việt hoặc sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP... Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường tổ chức chương trình hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu… nhằm tăng tính liên kết giữa các địa phương để quảng bá sản phẩm hiệu quả.