Chủ động chuyển đổi để đón chuỗi cung ứng ngoại

Doanh nghiệp (DN) muốn sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi phải có nội lực đầu tư dây chuyền sản xuất, điều này đòi hỏi vốn liếng rất lớn. 

Tất nhiên, không thể chờ có đơn hàng rồi mới đầu tư sản xuất, mà bắt buộc doanh nghiệp phải chủ động chuyển đổi công nghệ phù hợp với “khẩu vị” của từng đơn hàng quốc tế.

Gia nhập đã khó, “giữ chân” còn khó hơn

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết, công ty vừa đưa vào hoạt động Nhà máy cơ khí chính xác Duy Khanh tại Khu Công nghệ cao TPHCM với tổng vốn đầu tư hơn 180 tỷ đồng. Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ sintering, dập ép bột kim loại để sản xuất chi tiết máy, linh kiện phụ tùng, phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) công nghệ cao. Ưu điểm của công nghệ này là nâng cao tỷ lệ nguyên liệu được sử dụng lên đến 95%, có khả năng sản xuất tự động hàng loạt, sử dụng ít nhiên liệu nên tạo lợi thế cạnh tranh giá thành rất lớn cho DN, nhất là những DN đã gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

g5a-4196.jpg
Công nhân Công ty Makino sử dụng máy gia công chi tiết sản phẩm chính xác. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tuy nhiên, việc quyết định đầu tư nhà máy hiện đại không hề đơn giản mà phải trải qua quá trình tích lũy của hơn 30 năm hoạt động. Trong khoảng thời gian đó, công ty không ngừng tự nỗ lực để cải thiện sản xuất và gia nhập vào nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu như Toshiba Industry, Rinnai, MK Seiko, Bonfiglioli, Thermtrol, Sanei Technology, USM Health Care, Vinamilk, Nutifood, Tân Hiệp Phát… Ngoài ra, công ty cũng xuất khẩu sản phẩm đi các nước Hoa Kỳ, Canada, Đan Mạch, Đức, Pháp…

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thịnh cho rằng, DN sẽ không thể lựa chọn, có khách hàng mới đầu tư nhà máy mà phải đầu tư nhà máy mới có đơn hàng. Thậm chí, để có thể cạnh tranh đơn hàng với DN trong chuỗi cung ứng, DN nội phải đầu tư dây chuyền sản xuất có tính tự động hóa cao, đạt chuẩn quốc tế chung và chuẩn riêng theo yêu cầu của từng thị trường.

Thực tế cho thấy, trước khi DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sản xuất sản phẩm đầu cuối ở khu vực nào của Việt Nam thì trước đó, hệ thống DN trong chuỗi cung ứng đã đầu tư tại khu vực đó. Hoặc ít nhất, họ đã xây dựng xong kế hoạch cung ứng sản phẩm cho DN FDI tại khu vực đang có kế hoạch xây dựng nhà máy. Hệ thống các DN trong chuỗi cung ứng này đã được hình thành từ rất lâu, lại thường xuyên đổi mới công nghệ sản xuất nên sức ép cạnh tranh của DN Việt rất lớn. Chính vì thế, sẽ không có chuyện DN FDI đến Việt Nam rồi mới tìm nhà cung ứng. Chỉ trừ khi DN Việt đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhà đầu tư ngoại thì mới có cơ hội tiếp cận đơn hàng và gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến DN chia sẻ, để gia nhập chuỗi cung ứng đã khó, nhưng giữ được chân trong chuỗi cung ứng còn khó hơn rất nhiều. Ngoài giá cả thì chất lượng và mẫu mã sản phẩm cũng là những yếu tố đòi hỏi DN phải thường xuyên thay đổi để đáp ứng xu hướng mới khi tung ra thị trường. Điều này đòi hỏi DN phải có năng lực sản xuất nhất định. Đại diện Công ty TNHH Sản xuất in Minh Mẫn cho biết, thay vì trước đây DN chỉ cung ứng sản phẩm tem decal dán trên các thiết bị điện gia dụng của Tập đoàn Sanyo, đến nay để giữ chân đối tác, công ty đã cung ứng những sản phẩm phức tạp hơn như mặt mạ, linh kiện chi tiết…

Tăng tốc hỗ trợ doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng, ngành công nghiệp luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tăng trưởng kinh tế của thành phố. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đạt trung bình 7,83%. Điều này cho thấy sự nỗ lực vươn lên rất lớn từ phía DN. Việc chủ động nâng cao năng lực sản xuất của DN góp phần gia tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm CNHT trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh vốn đầu tư ngoại đang tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam như hiện nay.

Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM:

Cơ chế hỗ trợ vốn cần linh hoạt và đa dạng

Trong lĩnh vực cơ khí và tự động hóa, việc đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị nhằm mục đích nâng cao năng suất, sản lượng, tối ưu chi phí, nâng tầm chất lượng, hay đổi mới công nghệ là vấn đề hết sức quan trọng. Thế nhưng, các tổ chức tín dụng chưa có những chính sách chiến lược cho loại tài sản này; chỉ có một số ít tổ chức, hay loại hình thuê tài chính đã có chính sách phù hợp, thủ tục dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cơ chế về sở hữu và lãi suất của loại hình này rất cao. Do vậy, thành phố cũng như bộ ngành liên quan nên chú trọng hỗ trợ DN nghiên cứu.

Bên cạnh đó, cần sớm thành lập quỹ đầu tư hay kết nối quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ nhà nước, cơ chế cho quỹ tư nhân xây dựng các chương trình đầu tư vào các DN cơ khí, tự động hóa với các chính sách thông thoáng thông qua các đánh giá thực chất từng giai đoạn theo mục tiêu phát triển nhóm ngành, nhóm sản phẩm. Có như vậy mới thực sự tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho DN phát triển.

Nhận thức được vai trò của ngành cơ khí tự động hóa, thành phố xác định đây là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển. Do vậy, thành phố đã ban hành chương trình hỗ trợ các DN và sản phẩm ngành cơ khí tự động hóa giai đoạn năm 2025-2030. Theo đó, ngoài những hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi thông qua chương trình kích cầu, DN còn được hỗ trợ kết nối DN FDI thông qua hàng loạt hoạt động xúc tiến giao thương, kết nối trực tiếp đơn hàng cho DN. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho rằng, DN cần chủ động đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực nguồn lao động chất lượng cao, từng bước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm CNHT trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Về phía DN, nhiều ý kiến đề xuất, bên cạnh việc xây dựng hay liên kết để hình thành các nhóm sản phẩm chủ lực thì các cơ quan chức năng cần có giải pháp để DN FDI hỗ trợ DN trong nước được mua hoặc chuyển giao các công nghệ lõi, công nghệ đặc biệt của ngành, của nhóm sản phẩm chủ lực có tính đột phá, nhằm thúc đẩy nhanh và sâu hơn tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm CNHT trong chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, thành phố sớm hình thành các khu, cụm công nghiệp đặc thù, vận hành theo cơ chế thị trường; xây dựng tiêu chí thật cụ thể, chi tiết, rõ ràng để nhận dạng, phê duyệt hỗ trợ về phí hạ tầng, thuế, cơ sở lưu trú công nhân cho DN. Các cụm, khu công nghiệp này có thể đặt trong hoặc ngoài địa bàn thành phố, nhưng phải chú trọng yếu tố tương đồng về chuỗi cung ứng, quy hoạch đầy đủ các dịch vụ liên quan như hạ tầng, cơ chế cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, môi trường sống cho người lao động.

Riêng đối với nguồn vốn hỗ trợ, những ưu đãi trong chính sách vốn từ chương trình kích cầu đã rất thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, cần có thêm những hoạt động hỗ trợ nguồn vốn cho các mục đích sử dụng vốn ngắn, dài hạn phù hợp, cũng như dành nguồn vốn hỗ trợ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển, hoạt động chuyển đổi số…

Trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, hôm nay (7-12), bộ phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 21. Chương trình thu hút sự tham gia kết nối giao thương của 1.200 đơn vị triển lãm đại diện cho 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung vào các lĩnh vực gồm ngũ kim và dụng cụ cầm tay, công nghệ làm vườn và trang trí cảnh quan, thang máy và linh phụ kiện, thể thao và xe đạp. Tại hội chợ, doanh nghiệp sẽ trưng bày nhiều sản phẩm CNHT Việt Nam, các sản phẩm phục vụ sản xuất CNHT với mục tiêu góp phần quảng bá năng lực cung ứng, đồng thời nâng cao năng lực tự chủ của ngành cơ khí trong nước nói chung và TPHCM nói riêng.

Với trọng tâm là sự đổi mới, chất lượng và tính bền vững, ngoài trưng bày, giới thiệu những sản phẩm tốt nhất và mới nhất thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 21 còn cung cấp nền tảng để các DN kết nối với đối tác, người mua và nhà đầu tư tiềm năng. DN tham dự có nhiều cơ hội kết nối, trình diễn sản phẩm và thảo luận chuyên sâu. Hội chợ kéo dài đến hết ngày 9-12 tại Trung tâm triển lãm SECC, quận 7, TPHCM.

Tin cùng chuyên mục