Chủ động các giải pháp ổn định tuyển sinh đầu cấp

Năm học 2024-2025, tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, 6, 10) tại TPHCM có nhiều thay đổi so với năm học trước, hướng đến mục tiêu đáp ứng tốt hơn nhu cầu về chỗ học cho người dân. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, để làm rõ hơn những thay đổi này.

TPHCM: Đăng ký tuyển sinh đầu cấp đến ngày 3-6

* PHÓNG VIÊN: Ông vui lòng cho biết những điểm mới của công tác tuyển sinh đầu cấp năm nay? Phụ huynh cần lưu ý những nội dung gì khi đăng ký tuyển sinh đầu cấp cho con?

CN2c.jpg
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu

* Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM NGUYỄN VĂN HIẾU: Điểm mới đầu tiên của tuyển sinh đầu cấp năm nay là tuyển sinh được quy về một mối, toàn bộ quy trình đăng ký đều triển khai theo hình thức trực tuyến trên một cổng thông tin duy nhất là https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn. Việc quy về một mối giúp người dân không nhầm lẫn hoặc khó khăn khi tìm hiểu thông tin về tuyển sinh đầu cấp, đồng thời giúp cho nguồn dữ liệu thông tin của học sinh đảm bảo thông suốt giữa các đợt tuyển sinh.

Bên cạnh đó, một điểm mới nữa của năm nay là thành phố sẽ mở rộng áp dụng bản đồ GIS (hệ thống thông tin địa lý) toàn thành phố nhằm giúp học sinh được phân bổ chỗ học gần nhà. Ngoài ra, điểm mới thứ ba - cũng là thay đổi lớn nhất của tuyển sinh của năm nay, là phân bổ chỗ học theo tiêu chí “nơi ở hiện tại” của học sinh thay cho các tiêu chí về địa chỉ thường trú, địa chỉ tạm trú ở các năm trước. Thay đổi này giúp học sinh được phân bổ chỗ học phù hợp điều kiện đi lại, giảm thời gian và công sức đưa đón của phụ huynh.

Khi tham gia tuyển sinh đầu cấp, phụ huynh sử dụng mã định danh và ngày sinh của học sinh để đăng nhập, điền các thông tin cần thiết theo yêu cầu của hệ thống. Hình thức tuyển sinh trực tuyến giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục, phụ huynh không cần chuẩn bị nhiều loại hồ sơ, giấy tờ như trước đây mà tất cả thông tin đều được xác nhận thông qua mã định danh của học sinh. Ngoài ra, tuyển sinh trực tuyến cũng giúp giảm tối đa việc đi lại cho phụ huynh; các thông tin về quy định, thời gian, quy trình xét tuyển, kết quả tuyển sinh đều được cập nhật thường xuyên, liên tục trên hệ thống giúp người dân dễ dàng theo dõi.

* Trên thực tế, nhu cầu phân bổ chỗ học của người dân rất đa dạng. Ngành giáo dục và đào tạo đã có những biện pháp gì để đáp ứng tối đa nhu cầu về chỗ học, đảm bảo mọi trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường?

* Nhu cầu phân bổ chỗ học của người dân hiện nay hết sức đa dạng như có gia đình muốn con được học trường gần nhà, có gia đình muốn con học gần nơi làm việc của ba mẹ hoặc trường có anh, chị đang theo học để thuận tiện đưa đón. Ngoài ra, một số gia đình có tâm lý muốn “chạy đua” vào một trường nào đó theo nhu cầu cá nhân...

Từ thực tế đó, năm học 2024-2025, ngành giáo dục và đào tạo tổ chức tuyển sinh thành 2 đợt đối với lớp 1, 6. Trong đó, đợt 1 ưu tiên xét tuyển các trường hợp đang cư trú thực tế trên địa bàn, đợt 2 tiếp tục phân bổ chỗ học đối với các đơn vị trường học chưa tuyển đủ học sinh so với chỉ tiêu được giao. Việc phân ra 2 giai đoạn tuyển sinh nhằm tạo điều kiện cho các địa phương mở rộng tối đa đối tượng học sinh được tiếp nhận, giải quyết các trường hợp phụ huynh từ chối chỗ học được phân bổ trong đợt 1, qua đó nâng cao hiệu quả tuyển sinh cho các trường học.

* Sau 2 năm học triển khai tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, ông có thể cho biết đâu là thuận lợi và khó khăn của thành phố khi thực hiện tuyển sinh theo hình thức này? Tới đây, ngành giáo dục sẽ tiếp tục có những điều chỉnh như thế nào để giảm áp lực tuyển sinh cho phụ huynh, học sinh?

* Qua 2 năm triển khai tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, TPHCM có thuận lợi là tất cả thông tin của học sinh đã được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành. Song song đó, với nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, không chỉ trường học mà cả phụ huynh, học sinh đã quen dần với việc thao tác trên môi trường số, qua đó giảm thiểu thời gian, thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với cơ sở trường học.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, ngành giáo dục vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như: bài toán áp lực gia tăng dân số, công tác quy hoạch và xây dựng trường lớp chưa theo kịp tốc độ tăng dân số, một bộ phận phụ huynh chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin... Trước thực tế đó, trong những năm học tiếp theo, ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; duy trì tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên trường học; rà soát và hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành nhằm giúp công tác tuyển sinh được thông suốt, giảm bớt áp lực cho người dân.

Tin cùng chuyên mục