Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam (chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật), thừa nhận đã có sự chậm trễ, sai sót trong điều hành. Công ty xin rút kinh nghiệm và sẽ khắc phục, mong được tạo điều kiện để sớm phát điện, có nguồn thu để bù kinh phí đầu tư, nộp ngân sách.
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho rằng, chủ đầu tư chưa dọn dẹp lòng hồ nhưng đã tích nước, phát điện khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Ở bên phải đập thủy điện Thượng Nhật, khu vực núi tại khu nhà điều hành có nguy cơ sạt lở rất lớn, cần khắc phục; đồng thời đơn vị cũng chưa cắm biển cảnh báo ở hạ du đập. “Chủ đầu tư phải báo cáo trung thực, khách quan, đừng quanh co, không đúng sẽ làm sai bản chất vụ việc”, ông Phụng đề nghị.
Sau khi đi kiểm tra thực tế và làm việc với các bên liên quan, ông Tô Xuân Bảo cho rằng, chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã không tuân thủ các quy định của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như quy trình vận hành hồ chứa, đập dâng của cơ quan nhà nước. Đoàn đã yêu cầu chủ đầu tư chuẩn bị các văn bản liên quan để ngày 18-11 làm việc. Trước mắt, chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật bổ sung 2 máy phát điện ở đập để xử lý khi xảy ra sự cố trong trường hợp mất điện.
Cùng ngày, ông Hoàng Việt Cường, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Sở TN-MT tỉnh đã lập biên bản vi phạm đối với chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật. Ngoài ra, theo UBND huyện Nam Đông, một số tồn tại ở lòng hồ thủy điện Thượng Nhật dù được nhắc nhiều lần nhưng Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam không thực hiện. Ngoài ra, liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng như những kiến nghị của người dân tại khu vực ảnh hưởng bởi thủy điện về việc trả lại đường dân sinh thôn A Tin, đường mòn vùng Cha Lai, mở đường sản xuất, xây dựng ngầm tràn khe Ka Đầu, đến nay phía Công ty CP Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam vẫn chưa đáp ứng.