Chủ đầu tư không đề nghị cấp sổ đỏ cho cư dân có thể bị phạt 600 triệu đồng

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến mức xử phạt theo hướng tăng nặng.

Theo dự thảo, mức phạt tiền cao nhất trong việc vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản (BĐS) là 800 triệu đến 1 tỷ đồng cho 4 hành vi. Thứ nhất, chủ đầu tư (CĐT) không công khai thông tin việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn trong công trình, quyền sử dụng đất, dự án BĐS đưa vào kinh doanh.

IMG_20240711_222157.jpg
Thi công trên công trường dự án chung cư Astral City (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), do Tập đoàn Danh Khôi làm chủ đầu tư. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Tiếp đó là hành vi đưa BĐS vào kinh doanh nhưng không đủ các điều kiện; chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh BĐS trong dự án không đảm bảo các điều kiện; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án không đảm bảo đầy đủ các điều kiện. Ngoài phạt tiền, CĐT còn phải chịu thêm hình phạt bổ sung là đình chỉ kinh doanh BĐS từ 3-6 tháng với dự án có vi phạm.

Với hành vi ký kết văn bản huy động vốn, thực hiện huy động vốn cho phát triển nhà ở chưa đủ điều kiện, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền 600 - 800 triệu đồng. Nghị định 16 hiện hành không có khung tiền phạt ở mức này. Ngoài ra, CĐT có thể bị phạt 400 - 600 triệu đồng nếu không nộp hồ sơ đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho bên mua BĐS.

20240712_065317.jpg
Dự án chung cư Picity High Park do Pi Group làm chủ đầu tư, toạ lạc tại phường Thạnh Xuân, quận 12 (TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Mức phạt 300 - 400 triệu đồng áp dụng với hai vi phạm gồm kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án không đúng hình thức được kinh doanh và chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án không đúng hình thức hoặc không đúng thủ tục.

Bên cạnh đó, CĐT dự án, doanh nghiệp kinh doanh BĐS có thể bị phạt 200 - 260 triệu đồng khi nhận tiền thanh toán từ người mua không thông qua tài khoản mở tại ngân hàng.

Các hành vi không công khai hoặc công bố không đầy đủ, chính xác các thông tin về BĐS, dự án trước khi đưa vào kinh doanh được đề xuất nâng mức phạt lên 120 - 160 triệu đồng. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp mắc các sai phạm này chỉ bị phạt từ 100 đến 120 triệu đồng.

Một dự án căn hộ chung cư tại TP Thủ Đức thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của khách hàng. ảnh của Đức Trung.jpg
Khách hàng đang tìm hiểu một dự án căn hộ tại huyện Bình Chánh (TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Ghi nhận từ thực tế, thời gian qua, tình trạng tranh chấp giữa CĐT và cư dân diễn ra khá phổ biến tại nhiều chung cư ở TPHCM. Trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc CĐT không thực hiện trách nhiệm làm sổ đỏ cho cư dân, nhiều dự án CĐT chậm nộp hồ sơ cấp sổ. Tại TPHCM, giai đoạn 2020-2022, Sở TN-MT TPHCM đã xử phạt, tham mưu UBND TP xử phạt 10 doanh nghiệp vì không nộp hồ sơ, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Tổng số tiền phạt hơn 4,1 tỷ đồng.

Về việc xử lý vi phạm hành chính đối với các CĐT làm ảnh hưởng đến công tác cấp sổ hồng, Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM đã xử lý vi phạm đối với 33 dự án, tham mưu ban hành 69 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Một số dự án vi phạm như: Chung cư Opal Garden (TP Thủ Đức) do Đất Xanh Group làm CĐT; Khu chung cư Giai Việt (quận 8) của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai; hay chung cư Estella (TP Thủ Đức) của Công ty TNHH Liên doanh Estella…

Tin cùng chuyên mục