Trước việc người dân không đồng ý xây dựng thủy điện ở làng du lịch vì ảnh hưởng môi trường mà Báo SGGP Online nhiều lần phản ánh, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu lấy ý kiến phản biện về dự án này. Ngoài ra, chủ đầu tư thủy điện này còn muốn đầu tư thêm 3 thủy điện khác ở huyện biên giới Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum, mặc dù công ty này chưa có kinh nghiệm xây dựng thủy điện nào ở địa phương này.
Liên quan đến việc dân phản đối xây dựng Thủy điện Đắk Bla 3, ngày 23-3, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản giao Sở KH-ĐT Kon Tum phối hợp với các đơn vị liên quan lấy ý kiến phản biện của Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Kon Tum và Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum đối với dự án này trước khi tham mưu trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh xem xét cấp chủ trương đầu tư.
Ngoài Thủy điện Đắk Bla 3 nói trên, Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển điện Chiến Thắng (gọi tắt là Công ty Chiến Thắng, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), chủ đầu tư thủy điện nói trên đã xin đầu tư thêm 3 thủy điện khác gồm dự án Thủy điện Sa Thầy 1, 2 và 3.
Trong đó, Thủy điện Sa Thầy 1 có công suất 9,5MW, tổng vốn đầu tư 331 tỷ đồng. Dự án Thủy điện Sa Thầy 2 có công suất 11,2MW, tổng vốn đầu tư là 390 tỷ đồng. Dự án Thủy điện Sa Thầy 3 có công suất 10,5MW, tổng vốn đầu tư là hơn 366 tỷ đồng. Cả 3 dự án này xây dựng ở sông Sa Thầy, qua 3 xã biên giới là Ia Đal, Ia Tơi và Ia Dom (huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum).
Theo ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương Kon Tum, Thủy điện Sa Thầy 1, 2 và 3 chỉ mới ở giai đoạn chủ đầu tư xin chỉ trương đầu tư chứ chưa được cấp chủ trương đầu tư.
Còn ông Bùi Văn Nhàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum cho biết, dự án chưa lấy ý kiến của huyện cũng như tham vấn ý kiến cộng đồng dân vùng dự án. Về lo ngại ảnh hưởng của các thủy điện này mang lại, ông Nhàng cho biết, huyện chưa biết quy mô dự án, chưa biết rõ vùng ngập… nên chưa nắm, đánh giá được.
Theo tìm hiểu, 4 dự án thủy điện do Công ty Chiến Thắng đề nghị đầu tư nói trên có thời gian dự kiến đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng là từ quý III năm 2021 đến quý III năm 2025.
Công ty Cổ phần đầu tư phát triển điện Chiến Thắng đăng ký lần đầu vào năm 2017 do Sở KH-ĐT Kon Tum cấp. Công ty này có vốn điều lệ là 250 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng vốn dự kiến để thực hiện 4 dự án nói trên là 1.387 tỷ đồng. Dư luận lo ngại liệu công ty này có đủ năng lực vốn và kinh nghiệm để làm một lúc 4 thủy điện nếu tất cả 4 thủy điện đều được chấp thuận.
Trong khi đó, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương Kon Tum cho biết, trên địa bàn, Công ty Chiến Thắng chưa thi công thủy điện nào, cũng chưa có kinh nghiệm thi công thủy điện.