Hỏi: “Chữ Đàng” trong danh từ “Đàng Ngoài, Đàng Trong” vốn có nghĩa là gì?
HUỲNH VĂN HÒA (Đồng Nai)
Trong cuốn Từ điển An nam – Lusitan – La tinh (thường gọi Từ điển Việt – Bồ – la, NXB KHXH, 1991 của A. de Rhodes (do Thanh Lãng – Hoàng Xuân Việt – Đỗ Quang Chính dịch), Đàng Ngoài là “bốn tỉnh chung quanh thủ đô Đông Kinh”, Đàng Trong là “những tỉnh còn lại từ nước (sic) Đông Kinh cho tới vương quốc Chămpa”.
Nhiều từ mang nguyên âm “ă” trong tiếng Việt hiện đại thì ở thế kỷ XVII còn mang nguyên âm “a” nên trong từ điển của De Rhodes ghi: có chang (chăng), chảng có (chẳng có), chạt tay (chặt tay),… Do đó, trong từ điển trên có đàng mà chưa có đằng.
Trong Từ điển tiếng Việt (2000), Hoàng Phê (chủ biên) ghi nhận đàng và đằng là hai dạng của một từ. Đằng có hai nghĩa (trong bốn nghĩa) có liên quan tới từ Đàng (Đàng trong, Đàng ngoài): 1. Nơi, trong quan hệ đối lập với một nơi khác: Ngồi ở đằng mui thuyền, chứ không phải ở đằng lái. 2. (khẩu ngữ) Phía của người hoặc những người nào đó, trong quan hệ đối lập với một phía khác; bên: đằng họ nhà gái; bà con về đằng ngoại.
Trong cuốn Xứ Đàng Trong (NXB Trẻ, 1999, tr. 16–17) của Li Tana (Nguyễn Nghi dịch), dịch Đàng Trong là “vùng trong”. Dịch “Đàng” là “vùng” cũng tạm được nhưng chưa sát nghĩa.
Tóm lại, Đàng trong danh từ Đàng Trong và Đàng Ngoài có nghĩa là “phía bên”, mang ý nghĩa đối lập nhau. Đàng ngày trước chính là đằng ngày nay.
PGS.TS Lê Trung Hoa