Sự đánh giá của người dân với một xã hội cũng như sự hài lòng được thể hiện qua nhiều trạng thái cảm nhận, trong đó trạng thái “an” được coi là quan trọng nhất.
Rủi ro luôn thường trực
Trong phát triển xã hội nói chung và phát triển các đô thị nói riêng, “an ninh, an toàn, an sinh, an bình và an dân” bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu và quan trọng bậc nhất. Đó chính là mục tiêu tối thượng của sự phát triển, là nhiệm vụ của chính quyền và sự mong đợi của người dân. Khi cuộc sống không an ninh, sự sống không an toàn, môi trường quan hệ xã hội không an bình thì lòng dân bất an. Có lẽ vì vậy mà “an cư, lạc nghiệp” luôn là mong ước của biết bao thế hệ.
Một điều thú vị là ở Nam bộ, nhiều địa danh, nơi chốn có tên bắt đầu bằng chữ an. Có thể kể như: An Lạc, An Thịnh, An Phước, An Điền… Rất nhiều cha mẹ khi sinh con cũng đặt tên “An” để chứng tỏ ước nguyện của gia đình, dòng họ. Còn chúng ta, khi đi chùa thường trước là cầu an cho gia đình và đất nước, rồi sau mới đến cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu tự, cầu duyên, cầu may. Cũng như các bậc tiền bối, nhà Nguyễn cho xây Đàn Nam Giao ở làng Trường An (TP Huế), nơi mà hàng năm vào mùa xuân nhà Vua đến cúng tế trời đất, cầu cho “Quốc thái, dân an”.
Một thành phố giàu có, nhiều xe hơi, nhà cao tầng, đường cao tốc, siêu thị thẳng tắp mà cuộc sống con người luôn trong trạng thái bất an thì rõ ràng chất lượng sống nơi đó không thể nói là “đáng sống” được. Hơn 40 năm qua, thành phố chúng ta đã khởi sắc, mức sống khá hơn, diện mạo thành phố khang trang hơn, không còn người đói lương thực, nhưng rõ ràng mục tiêu “an” của chúng ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Tình trạng an ninh chưa được tốt, tội phạm chưa giảm; ai đó đi vắng nhà ít bữa là kẻ trộm đến dọn sạch. Khách du lịch và người dân nơm nớp lo bị cướp giật, lưu manh nghênh ngang kéo lê mã tấu như chỗ không người. Môi trường sống chưa được an toàn, mùa khô còn cháy nổ nhiều, bao gia đình trắng tay chỉ vì bất cẩn trong việc phòng chống cháy nổ; mùa mưa ai cũng sợ sụp hố, điện giật vì ngập nước. Nỗi lo còn về tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, cháy nổ, sự cố điện, sự cố xây dựng; lo mưu sinh và cả việc lo mất tiền trong thẻ ATM…
Dẫu vẫn biết rủi ro ở đô thị thường rất cao và hậu quả rất nặng nề; có thể xảy ra cho bất cứ thành phố nào, nhưng quả thật mức độ rủi ro ở thành phố chúng ta thường trực và cao quá. Nhìn gương mặt của người dân thành phố sẽ thấy hiển hiện nỗi lo âu về cuộc sống còn ngổn ngang nhiều điều. Ai “gặp nhau lần nào cũng vội”, thiếu vắng sự thanh thản, ung dung tự tại và lãng mạn. Trong một thời gian khá dài, cả đất nước và thành phố đặt nặng mục tiêu tăng trưởng kinh tế, coi việc tăng trưởng xấp xỉ 2 con số là việc quan trọng nhất. Nhưng mục tiêu nhân văn chưa thật sự được coi trọng. Không phải không có lý khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải từng nói: “Thà sống nghèo nhưng công bằng và yên bình còn hơn có cuộc sống giàu sang mà bon chen, không an toàn”. Tất nhiên, nếu vừa giàu có mà lại có được cuộc sống an lành là quá tốt, nhưng nếu bắt buộc phải chọn giữa giàu mà bất an và đủ sống mà an lạc thì chắc chắn người dân chọn “đủ và an” vẫn tốt hơn. Ngoài ra, còn có một sự thật là môi trường sống an toàn không hẳn phụ thuộc vào tiền!
TP Viêng Chăn (Lào) là một trong số những thành phố được đánh giá là an ninh và an toàn nhất thế giới. Ở đây, rủi ro trong cuộc sống rất thấp; người dân sống hiền hòa; nhà không cần khóa cửa, xe để ngoài đường không sợ mất… Thành phố này dẫu còn nghèo nhưng được đánh giá cao về mặt nhân văn, đời sống con người, về an toàn xã hội… Xét về khía cạnh này thì rõ ràng còn hơn nhiều thành phố của Mỹ.
Cố gắng từ nhiều phía
Từ 1990 trở lại đây, các nước châu Âu như Đức, Áo, Pháp có xu hướng phát triển đô thị rất mạnh mẽ là trở lại với các giá trị truyền thống. Họ chủ trương phát triển các thành phố nhỏ (chừng vài chục ngàn dân) để cùng nhau tự quản; đề cao sinh thái; đâu đâu cũng tràn ngập màu xanh theo kiểu “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”; đời sống giản dị, gần gũi với tự nhiên; không sử dụng các loại thực phẩm có hóa chất, đồ uống có cồn; ở nhà gỗ; phục hưng văn hóa truyền thống, phát triển dân ca, dân vũ, lễ hội cổ truyền; xây dựng cộng đồng thân thiện, gắn bó. Một cuộc sống như thế mang lại cho cư dân sự an lành, an bình, không rơi vào đua chen, hối hả.
Để có được một xã hội đạt tới được trạng thái “an” thì phải có sự cố gắng từ rất nhiều phía, từ chính quyền, nhân dân đến các tổ chức xã hội. Trước hết trách nhiệm xây dựng một thành phố an toàn, an ninh phải thuộc về các cơ quan công quyền quản lý Nhà nước, bởi các cơ quan này được người dân ủy quyền để thực thi trách nhiệm. Các cơ quan này có đủ điều kiện trong tay: đội ngũ nhân lực mạnh, có quyền lực, có luật pháp, có tài chính và phương tiện kỹ thuật hiện đại… để thực hiện mọi yêu cầu của xã hội. Tất cả thành viên của hệ thống công quyền, từ người lãnh đạo cao nhất đến nhân viên hành pháp cần phải làm hết sức mình, nêu cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, lương tâm, danh dự cá nhân, vận dụng hết mọi khả năng để đảm bảo đời sống an bình cho người dân trong bất cứ thời điểm nào.
Về phía người dân, cũng cần nhận thức rõ việc xây dựng một thành phố an lành, an bình là trách nhiệm của bất cứ ai sống ở thành phố này, kể cả khách du lịch ngắn ngày. Chúng ta có thể vừa là nguyên nhân gây ra rủi ro mà lại là nạn nhân của các rủi ro. Bất cứ một sự vi phạm sơ ý, cố ý hay tắc trách nào đều có thể đưa đến rủi ro. Một chút lơ đễnh của tài xế, cột hàng trên xe không chặt, quên đóng cầu dao điện, tái lập mặt đường cẩu thả, chẩn đoán bệnh qua loa, quên khóa van bếp gas… đều có thể đưa đến những hậu quả khôn lường. Lẽ ra, người ta phải tiêu hủy thực phẩm ôi thiu, nhưng vì tiếc tiền lại mang ra thị trường làm hại sức khỏe của biết bao người khác; có người đang tâm ăn cắp nắp cống để lại hậu quả những trẻ nhỏ chết đuối thương tâm. Các cộng đồng dân cư, hội đoàn tôn giáo, tổ chức xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra môi trường xã hội sống thân thiện.
Đã đến lúc chúng ta phải nhận thức lại mục tiêu của tăng trưởng và phát triển. Không lý gì phải đánh đổi tất cả (môi trường tự nhiên, quan hệ xã hội, các giá trị sống truyền thống) để tăng trưởng. Tăng trưởng vì con người chứ không phải hy sinh con người cho tăng trưởng.
Rủi ro luôn thường trực
Trong phát triển xã hội nói chung và phát triển các đô thị nói riêng, “an ninh, an toàn, an sinh, an bình và an dân” bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu và quan trọng bậc nhất. Đó chính là mục tiêu tối thượng của sự phát triển, là nhiệm vụ của chính quyền và sự mong đợi của người dân. Khi cuộc sống không an ninh, sự sống không an toàn, môi trường quan hệ xã hội không an bình thì lòng dân bất an. Có lẽ vì vậy mà “an cư, lạc nghiệp” luôn là mong ước của biết bao thế hệ.
Một điều thú vị là ở Nam bộ, nhiều địa danh, nơi chốn có tên bắt đầu bằng chữ an. Có thể kể như: An Lạc, An Thịnh, An Phước, An Điền… Rất nhiều cha mẹ khi sinh con cũng đặt tên “An” để chứng tỏ ước nguyện của gia đình, dòng họ. Còn chúng ta, khi đi chùa thường trước là cầu an cho gia đình và đất nước, rồi sau mới đến cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu tự, cầu duyên, cầu may. Cũng như các bậc tiền bối, nhà Nguyễn cho xây Đàn Nam Giao ở làng Trường An (TP Huế), nơi mà hàng năm vào mùa xuân nhà Vua đến cúng tế trời đất, cầu cho “Quốc thái, dân an”.
Một thành phố giàu có, nhiều xe hơi, nhà cao tầng, đường cao tốc, siêu thị thẳng tắp mà cuộc sống con người luôn trong trạng thái bất an thì rõ ràng chất lượng sống nơi đó không thể nói là “đáng sống” được. Hơn 40 năm qua, thành phố chúng ta đã khởi sắc, mức sống khá hơn, diện mạo thành phố khang trang hơn, không còn người đói lương thực, nhưng rõ ràng mục tiêu “an” của chúng ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Tình trạng an ninh chưa được tốt, tội phạm chưa giảm; ai đó đi vắng nhà ít bữa là kẻ trộm đến dọn sạch. Khách du lịch và người dân nơm nớp lo bị cướp giật, lưu manh nghênh ngang kéo lê mã tấu như chỗ không người. Môi trường sống chưa được an toàn, mùa khô còn cháy nổ nhiều, bao gia đình trắng tay chỉ vì bất cẩn trong việc phòng chống cháy nổ; mùa mưa ai cũng sợ sụp hố, điện giật vì ngập nước. Nỗi lo còn về tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, cháy nổ, sự cố điện, sự cố xây dựng; lo mưu sinh và cả việc lo mất tiền trong thẻ ATM…
Dẫu vẫn biết rủi ro ở đô thị thường rất cao và hậu quả rất nặng nề; có thể xảy ra cho bất cứ thành phố nào, nhưng quả thật mức độ rủi ro ở thành phố chúng ta thường trực và cao quá. Nhìn gương mặt của người dân thành phố sẽ thấy hiển hiện nỗi lo âu về cuộc sống còn ngổn ngang nhiều điều. Ai “gặp nhau lần nào cũng vội”, thiếu vắng sự thanh thản, ung dung tự tại và lãng mạn. Trong một thời gian khá dài, cả đất nước và thành phố đặt nặng mục tiêu tăng trưởng kinh tế, coi việc tăng trưởng xấp xỉ 2 con số là việc quan trọng nhất. Nhưng mục tiêu nhân văn chưa thật sự được coi trọng. Không phải không có lý khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải từng nói: “Thà sống nghèo nhưng công bằng và yên bình còn hơn có cuộc sống giàu sang mà bon chen, không an toàn”. Tất nhiên, nếu vừa giàu có mà lại có được cuộc sống an lành là quá tốt, nhưng nếu bắt buộc phải chọn giữa giàu mà bất an và đủ sống mà an lạc thì chắc chắn người dân chọn “đủ và an” vẫn tốt hơn. Ngoài ra, còn có một sự thật là môi trường sống an toàn không hẳn phụ thuộc vào tiền!
TP Viêng Chăn (Lào) là một trong số những thành phố được đánh giá là an ninh và an toàn nhất thế giới. Ở đây, rủi ro trong cuộc sống rất thấp; người dân sống hiền hòa; nhà không cần khóa cửa, xe để ngoài đường không sợ mất… Thành phố này dẫu còn nghèo nhưng được đánh giá cao về mặt nhân văn, đời sống con người, về an toàn xã hội… Xét về khía cạnh này thì rõ ràng còn hơn nhiều thành phố của Mỹ.
Cố gắng từ nhiều phía
Từ 1990 trở lại đây, các nước châu Âu như Đức, Áo, Pháp có xu hướng phát triển đô thị rất mạnh mẽ là trở lại với các giá trị truyền thống. Họ chủ trương phát triển các thành phố nhỏ (chừng vài chục ngàn dân) để cùng nhau tự quản; đề cao sinh thái; đâu đâu cũng tràn ngập màu xanh theo kiểu “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”; đời sống giản dị, gần gũi với tự nhiên; không sử dụng các loại thực phẩm có hóa chất, đồ uống có cồn; ở nhà gỗ; phục hưng văn hóa truyền thống, phát triển dân ca, dân vũ, lễ hội cổ truyền; xây dựng cộng đồng thân thiện, gắn bó. Một cuộc sống như thế mang lại cho cư dân sự an lành, an bình, không rơi vào đua chen, hối hả.
Để có được một xã hội đạt tới được trạng thái “an” thì phải có sự cố gắng từ rất nhiều phía, từ chính quyền, nhân dân đến các tổ chức xã hội. Trước hết trách nhiệm xây dựng một thành phố an toàn, an ninh phải thuộc về các cơ quan công quyền quản lý Nhà nước, bởi các cơ quan này được người dân ủy quyền để thực thi trách nhiệm. Các cơ quan này có đủ điều kiện trong tay: đội ngũ nhân lực mạnh, có quyền lực, có luật pháp, có tài chính và phương tiện kỹ thuật hiện đại… để thực hiện mọi yêu cầu của xã hội. Tất cả thành viên của hệ thống công quyền, từ người lãnh đạo cao nhất đến nhân viên hành pháp cần phải làm hết sức mình, nêu cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, lương tâm, danh dự cá nhân, vận dụng hết mọi khả năng để đảm bảo đời sống an bình cho người dân trong bất cứ thời điểm nào.
Về phía người dân, cũng cần nhận thức rõ việc xây dựng một thành phố an lành, an bình là trách nhiệm của bất cứ ai sống ở thành phố này, kể cả khách du lịch ngắn ngày. Chúng ta có thể vừa là nguyên nhân gây ra rủi ro mà lại là nạn nhân của các rủi ro. Bất cứ một sự vi phạm sơ ý, cố ý hay tắc trách nào đều có thể đưa đến rủi ro. Một chút lơ đễnh của tài xế, cột hàng trên xe không chặt, quên đóng cầu dao điện, tái lập mặt đường cẩu thả, chẩn đoán bệnh qua loa, quên khóa van bếp gas… đều có thể đưa đến những hậu quả khôn lường. Lẽ ra, người ta phải tiêu hủy thực phẩm ôi thiu, nhưng vì tiếc tiền lại mang ra thị trường làm hại sức khỏe của biết bao người khác; có người đang tâm ăn cắp nắp cống để lại hậu quả những trẻ nhỏ chết đuối thương tâm. Các cộng đồng dân cư, hội đoàn tôn giáo, tổ chức xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra môi trường xã hội sống thân thiện.
Đã đến lúc chúng ta phải nhận thức lại mục tiêu của tăng trưởng và phát triển. Không lý gì phải đánh đổi tất cả (môi trường tự nhiên, quan hệ xã hội, các giá trị sống truyền thống) để tăng trưởng. Tăng trưởng vì con người chứ không phải hy sinh con người cho tăng trưởng.