Chót vót Sì Lờ Lầu

Xã Sì Lờ Lầu ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, theo tên gọi của đồng bào nơi đây là “12 tầng dốc”, nghĩa là muốn lên được tới đây phải vượt qua 12 tầng dốc quanh co, dựng đứng hiểm trở. 
Các cụ già đem các sản vật địa phương tới chợ sừng để trao đổi mua bán
Các cụ già đem các sản vật địa phương tới chợ sừng để trao đổi mua bán

Nơi đây dù là xã vùng cao xa xôi, hẻo lánh ở Tây Bắc nhưng đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào đang ngày càng khấm khá, đặc biệt các hoạt động giao thương qua biên giới rất nhộn nhịp với phiên “chợ sừng” độc đáo.

Từ trung tâm tỉnh Lai Châu, vượt qua những cung đường đèo dốc cheo leo, cao chót vót, chúng tôi lên đến xã Sì Lờ Lầu đúng ngày phiên “chợ sừng” họp gần cửa khẩu Ma Lù Thàng giáp với Trung Quốc. Ngay từ sáng sớm khi sương núi chưa tan, bà con dân tộc Hà Nhì, Dao đỏ, Mông trong các bộ trang phục rực rỡ sắc màu, men theo các đường mòn xuống chợ. Họ mang theo những sản vật tự làm, tự kiếm, như thảo quả, măng đắng, nấm rừng, mật ong, khoai sắn và cũng không quên cắp theo con gà, con lợn mang xuống chợ mua bán, trao đổi những nhu yếu phẩm cho cuộc sống thường nhật. 

Chót vót Sì Lờ Lầu ảnh 1 Đường lên Sì Lờ Lầu cheo leo, hiểm trở phải vượt qua 12 tầng dốc
Theo một số người già buôn bán tại chợ, “chợ sừng” đã có từ rất lâu đời vì chợ chỉ họp vào những ngày có con vật có sừng trong tháng (ngày Sửu và ngày Mùi) tính theo lịch âm 12 con giáp. Dựa theo cách tính ngày của các con có sừng, “chợ sừng” còn được gọi là “chợ giật lùi”. Thí dụ, phiên chợ này vào ngày thứ 7 - ngày Mùi, phiên sau sẽ là thứ 6 - ngày Sửu, phiên sau nữa là thứ 5- ngày Mùi, cứ thế những phiên chợ tiếp sau lại lùi dần 1 ngày như vòng tròn khép kín để dễ nhớ. Sau mùa thảo quả, khoảng từ tháng 8 Âm lịch trở đi, chợ họp đông đúc cho đến tận tháng Giêng, tháng 2 Âm lịch.

Mọi người tới chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa, còn là nơi gặp gỡ của các chàng trai, cô gái đến tuổi hẹn hò. Với những người có gia đình, họ đi chợ để gặp người quen, hay đơn giản đi chỉ để đỡ nhớ chợ, để có niềm vui sau những ngày lao động vất vả. Với du khách phương xa tới chợ sẽ không thể bỏ qua những mặt hàng nông sản đặc trưng của núi rừng, như mắc khén, thảo quả, hoa hồi, mật ong, măng rừng, táo mèo, ớt khô, hay những sạp hàng bày bán đồ trang sức của đồng bào được chế tác thủ công đẹp mắt. 

Mỗi phiên chợ cũng là dịp để chúng ta hiểu thêm về phong tục, đời sống của bà con các dân tộc nơi đây, chủ yếu là người Dao đỏ với những bộ trang phục rất nổi bật. Trong các bộ trang phục xuống chợ, người phụ nữ Dao đỏ thường dùng các gam màu tương phản đỏ, đen và trắng, đặc biệt sử dụng nhiều cúc áo, hoa tai, vòng cổ, vòng tay với chất liệu bằng bạc để làm đồ trang sức... Đi chơi chợ một hồi, chân mỏi, bụng đói cũng là lúc sương tan, bà con và du khách tìm tới khu bán hàng ăn để thưởng thức phở thái tay, đậu phụ nhự, thắng cố và rượu thóc - những đặc sản của người dân bản địa. 

Sì Lở Lầu là xã biên giới xa nhất của huyện Phong Thổ, Lai Châu. Nhìn trên bản đồ Việt Nam, nếu ví von những mũi nhọn, những đỉnh mỏm địa đầu Tổ quốc chĩa về phía Bắc như những ngón tay vững chãi, có thể coi đỉnh Lũng Cú, Hà Giang như ngón giữa, dài nhất. Phía Đông Bắc, Móng Cái, Quảng Ninh như ngón tay cái và mỏm Thu Lũm của Mường Tè, Lai Châu là ngón út ở cực Tây Bắc. Vị trí xã A Mú Xung của Lào Cai và Sì Lở Lầu tương đương với vị trí ngón tay đeo nhẫn. 

Đến nay, Sì Lờ Lầu vẫn còn là vùng đất ít người biết đến nhưng lại có lịch sử rất hào hùng. Sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới cách đây hơn 43 năm, giờ đây vùng đất biên ải Sì Lờ Lầu đã có nhiều thay đổi ngày càng tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục