Thông báo nêu rõ, đây là dự án quan trọng quốc gia trong điều kiện các dự án mở rộng quốc lộ 1A và quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên vừa hoàn thành; tuyến đường bộ ven biển đang tiếp tục đầu tư; tuyến đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành và được quy hoạch phát triển thành đường cao tốc trong tương lai.
Đồng thời để đáp ứng tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV theo phương án đã báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thống nhất phương án 1 theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ GTVT tại văn bản số 275/BGTVT-ĐTCT ngày 22-5-2017 và ý kiến kiến nghị của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Đây là phương án được Bộ GTVT báo cáo là tối ưu và hiệu quả nhất. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư.
Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, công tác giải phóng mặt bằng cần được đặc biệt quan tâm. Từ thực tiễn thành công tại các dự án mở rộng quốc lộ 1A và quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên, cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị tại các địa phương trong tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và kịp thời. Phải tập trung chỉ đạo việc này.
Bên cạnh đó, công tác phân kỳ đầu tư phải được tính toán theo từng giai đoạn, phù hợp với lưu lượng phương tiện phát triển trong thực tế, tuy nhiên cần thực hiện cắm mốc lộ giới để quản lý quỹ đất theo quy hoạch; đồng thời, có giải pháp kỹ thuật để bảo đảm việc kết nối tại các nút giao theo quy hoạch.
Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch phát triển đường cao tốc, bảo đảm có tầm nhìn dài hạn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện dự án phải bảo đảm công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, đặc biệt là việc lựa chọn nhà đầu tư.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng, tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải khác (như đường sắt, cảng biển, sân bay...) nhằm nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1, nhất là tại cửa ngõ các đô thị lớn.
Theo phương án 1 mà Bộ GTVT báo cáo, với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng, trong giai đoạn 1, Bộ GTVT sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để xây dựng mới các đoạn cao tốc Bắc - Nam gồm: đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) với tổng chiều dài 632km. Mở rộng đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn La Sơn (Thừa Thiên - Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) từ 2 làn xe lên 4 làn xe cao tốc, tổng chiều dài 81km.
Với phương án này, nếu thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020 sẽ đầu tư và giải phóng mặt bằng 713km đường cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 130.000 tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ đầu tư các đoạn còn lại để nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Các đoạn sẽ đầu tư trong giai đoạn này gồm: Bãi Vọt - Cam Lộ và Quảng Ngãi - Nha Trang. Chiều dài đầu tư và giải phóng mặt bằng 659km; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 113.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2, từ năm 2025 sẽ mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt; dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 69.100 tỷ đồng.