Thất thu 2.000 tỷ đồng thuế/năm
Theo đánh giá của Cục Thuế TPHCM, hàng năm ngân sách thất thu khoảng 2.000 tỷ đồng do khai giá thấp trong hoạt động chuyển nhượng BĐS. Thực tế, việc trốn thuế chuyển nhượng BĐS xảy ra khá phổ biến. Năm 2020, một luật sư đã chịu mức án 1 năm cải tạo không giam giữ vì mua BĐS nhưng khai giá thấp.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp phối hợp, chuyển cho công an điều tra các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, không kê khai, hoặc kê khai giá trên hợp đồng, hóa đơn thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng.
Có 3 thủ đoạn, chiêu trò cơ bản của những đối tượng trốn thuế, tránh thuế là: lập 2 hợp đồng, gồm 1 hợp đồng giá thực tế để đảm bảo khi có tranh chấp và 1 hợp đồng công chứng giá thấp để khai thuế thấp; trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng tài sản hình thành trong tương lai bằng cách hủy hợp đồng với khách cũ, ký kết với khách mới; trốn thuế bằng hình thức ủy quyền, tức A ủy quyền cho B bán cho C (nhưng thực tế là A bán cho B và B bán cho C) để trốn 1 lần thuế.
Cùng tham gia chống gian lận thuế, Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức công chứng, công chứng viên hướng dẫn người dân khai đúng giá, không công chứng những hợp đồng ghi giá thấp hơn so với giao dịch thực tế.
Nhằm chống thất thu thuế, gần đây các chi cục thuế địa phương đồng loạt từ chối nhiều hồ sơ khai giá thấp bất thường, giá bán thấp hơn giá mua, giá bán lại thấp hơn giá bán của chủ đầu tư… Với những hồ sơ có dấu hiệu bất thường, cán bộ thuế yêu cầu người dân khai đúng giá, hoặc chuyển cơ quan công an điều tra. Qua đấu tranh, nhiều người dân đã tự nguyện kê khai giá cao hơn, giảm thất thu thuế.
Nhiều tình huống khó xử
Việc các chi cục thuế ngăn chặn hồ sơ có dấu hiệu khai gian trốn thuế đã phần nào thuyết phục người dân khai đúng, hạn chế thất thu thuế. Thế nhưng, sau một thời gian dài không có cơ chế giám sát, nay bằng một văn bản nội bộ của ngành, việc triển khai cũng chỉ mang tính giáo dục, thuyết phục chứ không có cơ sở pháp lý và không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Thậm chí, quản lý bằng cơ chế hành chính sẽ dẫn đến trường hợp quá tả hoặc quá hữu, tức lúc buông lỏng, lúc siết chặt thiếu căn cứ và gây rủi ro cho cán bộ vì có thể bị kiện ra tòa!
Huyện Bình Chánh, TPHCM đang áp giá tính thuế theo khu vực. Đơn cử tại khu Khang Điền xã Phong Phú, hiện mức thuế áp là từ 4 tỷ đồng trở lên. Cán bộ thuế sẽ trả hồ sơ nếu dân khai thấp hơn. Cụ thể, chị V.Ng. mua căn hộ 3,6 tỷ đồng nhưng khi nộp hồ sơ khai thuế đã bị trả hồ sơ. Cán bộ thuế cho rằng giá khu này là 4 tỷ đồng, căn cứ vào giá chủ đầu tư bán ra. Trong khi, do dịch bệnh và cần tiền gấp người bán chấp nhận bán lỗ, giá 3,6 tỷ đồng là giá thật.
“Nếu tranh cãi, thậm chí kiện ra tòa, chúng tôi sẽ thắng, bởi Bộ luật Dân sự cho phép người dân được quyền tự định đoạt tài sản theo giá họ muốn, và giá chúng tôi khai là đúng sự thật, cơ quan thuế hay công an cũng không thể chứng minh được chúng tôi sai phạm, nhưng ngăn chặn hồ sơ sẽ gây chậm trễ công việc của chúng tôi. Tuy nhiên, do số tiền không lớn nên chúng tôi chấp nhận khai lại mà trong lòng rất ấm ức”, chị V.Ng. bức xúc nói.
Tương tự, bà N.C.N. bán cho bà N.T. căn hộ tại quận 1 với giá chưa tới 17 tỷ đồng, chấp nhận bán lỗ khoảng 1 tỷ đồng so với giá chủ đầu tư bán ra, vì bà không có khả năng thanh toán. Thế nhưng, khi làm hồ sơ mua bán và nộp thuế, Chi cục Thuế quận 1 không chấp nhận. Các bên phải giải trình và chứng minh mua bán đúng giá 17 tỷ đồng thông qua giao dịch ngân hàng. Tuy nhiên Chi cục Thuế quận 1 vẫn không đồng ý và cho biết phải đi xác minh xem có trường hợp nào bán lỗ như vậy không. Do đợi xác minh lâu, gây ảnh hưởng đến giao dịch khác nữa (bán để mua căn nhà ở nơi khác) nên các bên đành phải làm lại hợp đồng bằng với giá của chủ đầu tư, chấp nhận đóng thuế trước bạ cao hơn so với giá giao dịch. Đã vậy, bên mua phải chịu 1/2 thuế thu nhập cá nhân cho bên bán vì bên bán không đồng ý đóng thuế thu nhập phần cao hơn giá bán. Rất nhiều quận huyện khác ở TPHCM cũng tương tự, nếu giá khai thuế thấp hơn thì trả hồ sơ, dù không có bất kỳ hồ sơ gì chứng minh người dân khai gian.
Mặc dù Luật Quản lý thuế cho phép cơ quan thuế được áp giá, tuy nhiên vẫn chưa có căn cứ chính xác nào để áp thuế khi đã có khung giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành. Bộ luật Dân sự quy định, người dân có quyền tự định đoạt tài sản của mình, giá là do các bên quyết định. Luật Thuế cũng quy định, nếu người dân khai giá thấp hơn khung nhà nước thì áp theo khung giá nhà nước.
Như vậy, việc của cơ quan chức năng (thuế, công an) là phải chứng minh người dân khai giá không đúng giá thực bán. Và theo quy định, thời gian giải quyết hồ sơ chuyển nhượng chỉ trong vòng 5 ngày làm việc, vậy nếu cơ quan thuế không chứng minh được giá khai là gian dối thì cơ sở nào để không xử lý hồ sơ cho dân.
Về vấn đề này, ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, thừa nhận, việc xác định giá là vô cùng khó khăn. Do vậy, pháp luật cần sửa đổi, bổ sung nhiều quy định thì mới có thể giám sát tốt về giá, chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng BĐS.
- Trong năm 2021, cơ quan thuế ở TPHCM đã xử lý 155.534 hồ sơ với tổng số thu thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng BĐS, đạt 4.687 tỷ đồng. So với năm 2020, số lượng hồ sơ xử lý giảm 22% nhưng số thu tăng 20% (năm 2020 xử lý 198.868 hồ sơ với số thu 3.898 tỷ đồng). - Năm 2021, Cục Thuế TPHCM đã đề nghị kê khai điều chỉnh giá chuyển nhượng đối với 13.104 hồ sơ, tăng thu 176 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. - Trong 2 tháng đầu năm 2022, ở TPHCM, số hồ sơ xử lý là 33.140 hồ sơ (tăng 6%) và số thu thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng BĐS đạt 1.238 tỷ đồng (tăng 71,8% so với cùng kỳ năm 2020). |