Mất an toàn thực phẩm gia tăng
Trên thị trường cả nước vẫn tiếp tục xuất hiện nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn bị phát hiện, phải tiêu hủy.
Có thể kể tới như, vụ bắt xe tải chở hơn 5.000 mặt hàng là thực phẩm gồm dầu hào loại 1,6 lít/can, thịt gà đóng túi loại 500g/túi; xì dầu, mì gói loại 85g/hộp, xúc xích, bánh kẹo; sữa hộp loại 250ml/hộp… không rõ nguồn gốc tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Vụ việc này đã được lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phát hiện và bắt giữ ngày 9-8 vừa qua.
Trước đó, vào tháng 5-2019, Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã bắt giữ xe khách chở khoảng 5 tấn nội tạng động vật thối; đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Hậu Giang đã phát hiện gần 1,5 tấn nội tạng, chân, da, đuôi heo… bốc mùi ôi thối.
Hay vào đầu tháng 6-2019, Công an và Quản lý thị trường TP Hà Nội thu giữ hơn 1,3 tấn nầm heo, hàng hóa không rõ nguồn gốc… Những con số nêu trên cho thấy tình trạng kinh doanh, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp trên thị trường, gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cảnh báo, quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng Việt đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Bởi ngay từ khâu sản xuất, tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, thuốc kháng sinh ngoài danh mục đã diễn ra từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa giảm.
Cần chế tài mạnh tay hơn
Trên thực tế, hệ thống pháp luật đã ban hành khá đầy đủ để ngăn chặn, kiểm soát những hành vi buôn bán, kinh doanh thực phẩm mất an toàn, song giới chuyên môn nhận định tình trạng vi phạm vẫn còn diễn ra phức tạp; việc buôn bán, sử dụng chất cấm và vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn khó kiểm soát.
Trước thực trạng trên, để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và ban hành các chế tài đủ mạnh để lập lại trật tự trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, nước giải khát.
Tuy nhiên, bộ này cũng đề nghị các DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần nâng cao tính tự chủ, chịu trách nhiệm về hoạt động của mình; đồng thời thực hiện các hoạt động truyền thông, marketing, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định uy tín của sản phẩm và phát triển thị trường bền vững, chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.
Về phía các DN, nhất là những DN lớn, có thương hiệu và uy tín trên thị trường đều xác định quy trình sản xuất phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến như GMP, VietGAP, HACCP, ISO… nhằm tạo nguồn cung bảo đảm an toàn thực phẩm ra thị trường tiêu thụ.
Như chia sẻ của bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực và thực phẩm TPHCM, hiện nay xu thế tiêu dùng của người Việt Nam đã thay đổi rất lớn. Họ sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm an toàn và sản phẩm sạch.
Từ đó, buộc các DN sản xuất phải thay đổi theo hướng gắn bó với người nông dân để tìm nguồn nguyên liệu tốt nhất. Chính vì thế, rất nhiều DN của Hội Lương thực và thực phẩm TPHCM như Vissan, San Hà, Sài Gòn Food… đã có sự đầu tư mạnh mẽ cho sản xuất, tạo nhiều sản phẩm chất lượng hơn phục vụ người tiêu dùng.
Chẳng hạn như Vissan, đã đầu tư liên kết chặt chẽ với các hộ chăn nuôi để xây dựng, kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào an toàn và đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất thực phẩm.
Để tránh mua phải hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, theo các chuyên gia, người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm của những thương hiệu có uy tín trên thị trường. Ngoài việc chọn thương hiệu, người tiêu dùng cũng phải chú ý đến nơi phân phối sản phẩm và chỉ nên mua tại các cửa hàng, đại lý hay các kênh bán lẻ như siêu thị để được chịu trách nhiệm đến cùng cho những sản phẩm mà họ đã bán ra. |