Trong tuyên bố đưa ra ngày 22-2, bà Sunita Bose, Giám đốc điều hành của DIGI, cho biết Bộ quy tắc được thiết kế nhằm giảm sự lan truyền thông tin sai lệch và các nội dung độc hại trên Internet, cung cấp cho các công ty công nghệ một khuôn khổ nhất quán và minh bạch, giúp họ nhanh chóng đưa ra cảnh báo thường xuyên đối với người dùng về mức độ đáng tin cậy của các nguồn thông tin báo chí và quảng cáo.
Bà Bose nhấn mạnh các công ty tham gia cam kết thực hiện những biện pháp bảo vệ mạnh mẽ chống lại thông tin độc hại và sai lệch, cũng như bảo vệ quyền riêng tư, tự do ngôn luận và giao tiếp chính trị. Dựa trên bộ quy tắc mới, rất nhiều biện pháp cụ thể để chống lại các nguồn tin không chính xác đã được thiết lập, như gắn nhãn nội dung sai sự thật, hoặc sử dụng các chỉ số tin cậy trên các bài báo, giảm mức độ hiển thị nội dung có khả năng khiến người dùng tiếp nhận phải thông tin độc hại và sai lệch, đồng thời, đình chỉ, vô hiệu hóa vĩnh viễn tài khoản người dùng có hành vi phát tán thông tin độc hại, thông tin không xác thực.
Australia là nước thứ hai trên thế giới sau Liên minh châu Âu (EU) ban hành bộ quy tắc thực hành chống thông tin sai lệch. Trong năm 2020, EU đã thông qua bộ quy tắc này với các tiêu chuẩn tự điều chỉnh để chống lại thông tin sai lệch, được các nền tảng trực tuyến như Facebook, Google, Twitter, Mozilla, cũng như các nhà quảng cáo và các bộ phận của ngành quảng cáo ký vào tháng 10-2018. Microsoft đã tham gia vào tháng 5-2019, TikTok vào tháng 6-2020. Các bên ký kết bộ quy tắc hàng năm phải báo cáo tự đánh giá quá trình thực hiện. Bộ trưởng Truyền thông Australia Paul Fletcher nói: “Tất cả chúng ta đều thấy những thiệt hại mà thông tin sai lệch trực tuyến gây ra, đặc biệt là ở các nhóm dễ bị tổn thương. Điều này đặc biệt rõ ràng trong đại dịch Covid-19”.
Thực tế cho thấy thông tin sai lệch trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội gây hậu quả khôn lường trong mọi mặt của đời sống. Tính riêng trong lĩnh vực phòng, chống Covid-19, các thông tin sai lệch về các loại thuốc điều trị, vaccine, tình trạng bệnh nhân mắc Covid-19, các lệnh phong tỏa, cách ly… đã gây rất nhiều khó khăn cho những nhà quản lý, làm phức tạp thêm cuộc chiến chống Covid-19 vốn đầy cam go. Vì vậy, sự ra đời của bộ quy tắc chống thông tin sai lệch là bước đi kịp thời. Có lẽ sắp tới, sẽ có thêm nhiều nước áp dụng bộ quy tắc này và chắc chắn nó sẽ ngày càng được hoàn thiện hơn.