Hạ viện Italy ngày 18-12 đã thông qua dự luật tăng cường chống tham nhũng trong khu vực công, cũng như cải thiện tính hiệu quả của hệ thống tư pháp.
Dự luật này do Bộ trưởng Tư pháp Alfonso Bonafede thuộc đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) đệ trình hồi tháng 9 vừa qua, được coi là nỗ lực mới nhất của Italy nhằm chống nạn tham nhũng.
Theo đó, dự luật mới cấm những người từng bị kết tội tham nhũng tham gia vào các vụ đấu thầu của chính phủ trong tương lai, đồng thời tăng mức án đối với các tội danh đưa và nhận hối lộ; cho phép cảnh sát thực hiện các chiến dịch bí mật để điều tra tham nhũng, cũng như khuyến khích tố giác tội phạm tham nhũng trong khu vực công. Trước đây, cảnh sát chỉ được phép tiến hành những chiến dịch bí mật khi điều tra về mafia hoặc khủng bố.
Ngoài ra, dự luật cũng quy định các nghị sĩ phải kê khai các món quà tặng mỗi năm và tổng giá trị các món quà không được vượt quá 500 EUR, thấp hơn nhiều so với mức 5.000 EUR trước đây. Bên cạnh đó, số liệu mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, Italy có hệ thống pháp lý chậm chạp nhất trong khối. Trung bình, mỗi vụ án dân sự hoặc thương mại ở Italy phải cần tới 1.400 ngày để hoàn tất.
Tham nhũng là vấn nạn lớn nhất đối với tất cả các quốc gia thành viên EU, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh và lực lượng cảnh sát. Một báo cáo mới đây về tham nhũng của đảng Xanh châu Âu (EGP) có tên: “Cái giá của tham nhũng trên toàn EU” cho biết, các quốc gia thành viên của EU mất tới 900 tỷ EUR (khoảng 1.000 tỷ USD) mỗi năm vì tham nhũng. Theo số liệu của EGP, 3 nước đứng đầu về tham nhũng là: Italy, Pháp và Đức với mức thiệt hại lần lượt là 237 tỷ EUR, 120 tỷ EUR và 104 tỷ EUR.
Tuy nhiên, giữa vô số thách thức trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở châu Âu, vẫn lóe lên những điểm sáng đáng học hỏi, đó là các giải pháp mang tính chiến lược, chữa trị tận gốc rễ vấn đề. Ví dụ điển hình là Hà Lan, là một trong những quốc gia có mức độ tham nhũng thấp nhất thế giới.
Xứ sở hoa Tulip này đã xây dựng và thực hiện hệ thống các biện pháp cảnh báo và chống tham nhũng khá hoàn chỉnh. Hà Lan tổ chức nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý những lĩnh vực có thể phát sinh hành vi tham nhũng và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của những công chức làm việc trong các lĩnh vực đó. Từ đó, xây dựng hệ thống quyền hạn và trách nhiệm của các công chức nhà nước, trong đó ghi rõ trách nhiệm đối với công chức vi phạm đạo đức công vụ; xây dựng hệ thống an ninh quốc gia chuyên trách có quyền hạn rất lớn trong việc phát hiện các hành vi tham nhũng và chống tham nhũng. Tổ chức hệ thống khắt khe và khách quan để tuyển chọn công chức vào những chức vụ có điều kiện dẫn đến hành vi tham nhũng; xây dựng hệ thống chuyên trách để giáo dục và tập huấn công chức, cho họ thấy rõ tác hại của các hành vi tham nhũng đối với lợi ích quốc gia…
Hàng năm, Bộ Nội vụ Hà Lan báo cáo trước Quốc hội về các vụ việc tham nhũng đã bị phát hiện và các biện pháp áp dụng để trừng phạt nghiêm những kẻ có hành vi tham nhũng. Tất cả các hồ sơ và tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng, nếu không liên quan đến hệ thống an ninh quốc gia, nhất thiết phải được công khai trước công luận…
VIỆT LÊ