LTS: Từ ngày 8-4-2011, Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi đăng loạt bài Hàng lậu xuyên biên giới. Một đề tài không mới nhưng tiếp tục làm ray rứt các cơ quan chức năng và doanh nghiệp nước ta khi hàng lậu vẫn thản nhiên thao túng nhiều ngành hàng sản xuất trong nước. Thiết nghĩ, để hỗ trợ Chính phủ bình ổn kinh tế vĩ mô, tăng thu ngân sách, tăng thị phần hàng hóa sản xuất trong nước, công tác chống buôn lậu của các cơ quan chức năng, tẩy chay hàng nhập lậu của người tiêu dùng có vai trò hết sức quan trọng… Từ ngày 12-4, Tòa soạn Báo SGGP mở Diễn đàn “Chống thẩm lậu hàng hóa qua biên giới” với mong muốn nhận được những hiến kế của bạn đọc về việc này. Góp ý của bạn đọc xin gửi về địa chỉ: 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5 TPHCM hoặc qua e-mail: toasoan@sggp.org.vn
Dẹp đường lậu - Khó hay dễ?
Hoạt động chuyển đường nhập lậu ở biên giới Tây Nam, nhất là qua tỉnh An Giang, rất qui mô và chuyên nghiệp, với số lượng có thể đến hàng trăm tấn/ngày. Tại các kho tập kết trước khi đưa sang Việt Nam, đường lậu được sang qua các loại bao bì của các nhà máy đường trong nước để “hợp thức hóa”. Nếu bị các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra, chủ phương tiện hoặc người kinh doanh đường chỉ cần xuất trình một hóa đơn đỏ nào đó chứng minh có mua hàng của nhà máy đường hoặc đơn vị kinh doanh đường trong nước thì xem như hợp lệ.
Nhiều nhà kinh doanh đường ở Trà Vinh, Bến Tre, TPHCM cho biết, đường nhập lậu thường được chuyển thẳng đến gởi tại kho họ trước, sau đó bán được tới đâu thì mới thỏa thuận cắt giá bán với “ông chủ”. Có lẽ Thốt Nốt (Cần Thơ) là nơi tập trung đầu mối vận chuyển đường lậu, khi từ đây các nhà buôn có hệ thống chân rết giao hàng đi các tỉnh và TPHCM. Ước tính mỗi năm, với khoảng 300.000 tấn đường lậu nhập, nước ta chảy máu ngoại tệ không nhỏ (khoảng 210 triệu USD nếu tính theo thời giá khoảng 700 USD/tấn) trong khi nhà nước thất thu thuế hàng triệu USD. Ngành sản xuất đường trong nước liêu xiêu khi giới kinh doanh đường lậu luôn bán phá giá do trốn thuế. Lượng đường nhập lậu hàng năm hiện chiếm khoảng ¼ sản lượng đường tiêu thụ trong nước khiến các nhà máy đường Việt Nam làm ăn thua lỗ, hàng ngàn nông dân trồng mía lao đao…
Để giải quyết vấn đề đường lậu, phải có sự đồng bộ từ các cấp, các ngành liên quan, nhất là phải có sự kiên quyết, triệt để trong các giải pháp triển khai. Trong đó, Nhà nước cần bổ sung những văn bản pháp lý cụ thể và mạnh hơn, chuyên về gian lận thương mại trong lĩnh vực mía đường, xử lý đường nhập lậu. Cần có biện pháp chế tài mạnh hơn, nên đưa đối tượng vi phạm và liên quan vào khung Luật Hình sự (tương tự mặt hàng thuốc lá). Tổ chức, hệ thống cơ quan, lực lượng tham gia chống buôn lậu cần tiếp tục được củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động hơn. Tất cả đường lậu bị phát hiện, bắt được… đều phải tái xuất 100% (qua các nhà máy đường).
Việc bán đấu giá tại chỗ số đường nhập lậu bị bắt thời gian qua đã hợp thức hóa thêm cho các “ông chủ” qua việc sử dụng biên bản mua đấu giá để tự do kinh doanh đường lậu. Thực hiện cưỡng chế xử phạt và thu hồi giấy phép kinh doanh các đối tượng vi phạm. Thực hiện kiểm soát đầu vào các đối tượng không phải nhà sản xuất đường hành nghề gia công, kinh doanh đường đóng gói, đưa hoạt động nào vào danh mục kinh doanh có điều kiện. Hiện Chính phủ đang có những giải pháp mạnh tay về quản lý vàng và ngoại tệ, đề nghị cần lưu tâm và có thêm những biện pháp với việc chảy máu ngoại tệ do hàng nhập lậu. Trong điều kiện chưa thể giải quyết ngay, triệt để vấn nạn đường nhập lậu, đề nghị nhà nước điều chỉnh giảm thuế suất VAT ngành đường xuống mức 0% (do đường nhập lậu trốn cả thuế VAT và nhập khẩu) nhằm giúp ngành sản xuất đường trong nước có môi trường cạnh tranh tốt hơn, giải quyết được phần nào những khó khăn trước mắt.
Các nhà máy đường trong nước cần có những biện pháp chủ động tự bảo vệ qua việc sử dụng tem chống hàng nháy, hàng giả để giúp cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện hàng nhập lậu. Thực hiện hạn chế bán hàng, tiến tới không giao dịch bán hàng với các đối tượng có buôn bán đường nhập lậu. Cam kết không mua bán đường nhập lậu là điều kiện bắt buộc khi đàm phán, ký kết hợp đồng đại lý- nhà phân phối đường với các nhà máy… Trong điều kiện nhà nước còn nhiều khó khăn hiện nay, các công ty chuyên kinh doanh và nhà máy đường nên tự nguyện đóng góp một phần kinh phí (có thể tính trên sản lượng đường sản xuất, nhập khẩu) đóng góp thêm cho cơ quan chống buôn lậu, giúp thực thi nhiệm vụ tốt hơn
TRỊNH MINH CHÂU
(Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía Đường Việt Nam)
- TS Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM:
Hàng Việt Nam tốt sẽ đánh bạt hàng lậu
Theo thống kê mà tôi có được, khoảng 80% số hàng lậu tràn lan trên thị trường nước ta hiện là hàng giả. Xuất xứ các mặt hàng này đều từ Trung Quốc. Bản thân người tiêu dùng chưa ý thức được những tác động tiêu cực của hàng giả đến chính họ, nên hàng giả vẫn còn đất phát triển.
Ở TPHCM, nếu chỉ dạo một vòng qua những khu chợ chuyên doanh hàng Trung Quốc (khu vực quận 5, quận 6…) sẽ thấy tình hình buôn bán các sản phẩm đồ chơi trẻ em, nón bảo hiểm… tràn lan, khó kiểm soát. Các mặt hàng này đều không dán tem, nhãn hiệu hàng hóa, nơi nhập khẩu... hoặc nếu có cũng chỉ mang tính đối phó. Ngoài ra, hàng kém chất lượng, hàng nhái còn tràn vào cả những siêu thị điện tử, gây mất niềm tin của người tiêu dùng.
Bằng chứng là hàng chục cửa hàng điện tử, điện máy trên địa bàn TPHCM có bán những sản phẩm điện máy không hóa đơn, chứng từ, không phiếu bảo hành. Một khi khách hàng mua trúng hàng nhái, hàng giả, bị hậu quả đáng tiếc (dị ứng da do dùng mỹ phẩm giả, hàng điện tiêu dùng bị chạm mạch đe dọa tính mạng…) mới cầu cứu các cơ quan chức năng, e rằng đã muộn. Bởi đây là tình trạng “chết không đối chứng”. Dù rằng khách hàng đã mua sản phẩm tại một cửa hàng điện máy, điện tử nào đó là có thật, nhưng không có giấy tờ chứng minh thì cơ quan chức năng cũng khó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Còn nhớ, khoảng năm 1990, tôi và đồng nghiệp đã phối hợp với lực lượng công an điều tra, truy tố một đối tượng nữ (trú tại đường Điện Biên Phủ, quận 3) với tội danh buôn bán xi măng giả - người này bị phạt 12 năm tù. Từ đó tới nay, hầu như hiếm thấy trường hợp nào bị truy tố, xử phạt tù… với tội danh buôn bán, sản xuất hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Nếu nhà nước xử phạt triệt để, công minh những đối tượng xấu, các đối tượng khác đang có ý định buôn lậu sẽ cảm thấy run sợ.
Hiện nay, nước ta có cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Mục đích cuộc vận động hoàn toàn tốt đẹp, nhưng tại sao hàng Việt lại chỉ “phủ sóng” tại ngoại thành, vùng sâu, vùng xa? Phải chăng, khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các doanh nghiệp trong nước ở các đô thị còn yếu thế như hàng hóa kém bắt mắt, chất lượng chưa vượt trội…
Điều đáng nói ở đây là có hay không một bộ phận những doanh nghiệp chưa thực sự nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã hàng hóa để có thể thu hút được người tiêu dùng trong nước. Người tiêu dùng Việt Nam có quyền kỳ vọng, đòi hỏi được sử dụng các sản phẩm nội địa xứng tầm với đồng tiền bỏ ra. Một khi hàng trong nước được người dân tin dùng, việc chống hàng lậu tràn qua biên giới của các cơ quan chức năng sẽ nhẹ nhàng hơn.
THI HỒNG (ghi)
Quy hoạch mạng lưới cây xăng dọc biên giới
Thời gian gần đây, tình hình buôn lậu ở các huyện tuyến biên giới của tỉnh Long An hết sức phức tạp, nhất là nạn buôn lậu xăng dầu qua Campuchia. Mỗi ngày có hàng ngàn, thậm chí cả trăm ngàn lít xăng dầu xuất lậu qua biên giới. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là dân buôn lậu xăng dầu lấy hàng từ đâu để xuất lậu? Theo nhiều người dân địa phương, nguồn hàng là từ các cây xăng dọc tuyến biên giới tỉnh Long An.
Theo các cơ quan chống buôn lậu của Long An, toàn tuyến biên giới của tỉnh tiếp giáp với nước bạn Campuchia dài 137,7 km nhưng có tới 35 cây xăng nằm sát biên giới. Đặc biệt ở huyện Vĩnh Hưng, tuyến biên giới dài 45km nhưng có tới 18 cây xăng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những cây xăng này phần lớn của doanh nghiệp xăng dầu Nhật Linh (gồm Nhật Linh, Nhật Linh 1, Nhật Linh 2, Hoàng Minh, Trường An Khang Vĩnh Hưng, Trường An Khang Tân Hưng…). Đáng nói hơn, không chỉ là nơi cung cấp hàng lậu qua biên giới, nơi đây còn là điểm “nóng” về nguy cơ cháy nổ cao, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Muốn giảm thiểu đến mức thấp nhất nạn buôn lậu xăng dầu qua Campuchia, các cơ quan chức năng tỉnh Long An cần quy hoạch mạng lưới các cây xăng dọc biên giới. Không nên bố trí quá nhiều cây xăng trong một khu vực, chỉ cần một lượng cây xăng vừa đủ để phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Ngoài ra, nếu quy hoạch mạng lưới cây xăng hợp lý sẽ không còn cơ hội cho các đầu nậu gom hàng, xuất lậu qua biên giới.
KIẾN VĂN
- Ông Dương Thế Nguyên (Trường Đại học Cần Thơ):
Cần có hàng rào kỹ thuật hạn chế hàng lậu
Chống buôn lậu là bài toán mà từ lâu chưa có lời giải khả thi, mặc dù Chính phủ và các cơ quan quản lý đã mất nhiều công sức để triệt tiêu. Như chúng ta đã biết việc chống hàng lậu hiện nay chủ yếu được tiến hành tại 3 khâu: dọc biên giới, trên đường trung chuyển và tại các điểm tiêu thụ trong nội địa. Trong 3 khâu này, việc chống hàng lậu tại các điểm tiêu thụ có vẻ khó khăn và ít hiệu quả hơn vì hàng hóa đã bị phân tán nhỏ lẻ nên việc xử lý vừa phức tạp vừa tốn công sức.
Tuy nhiên, còn một khâu nữa ít được nhắc đến song được một số chuyên gia đề cập mới đây chính là người tiêu dùng. Người tiêu dùng quay lưng với hàng lậu chắc chắn cũng hạn chế được phần nào hàng lậu. Vậy người tiêu dùng lấy đâu ra thông tin để phân biệt đâu là hàng lậu và đâu là hàng hợp pháp? Điều này không thể đòi hỏi tự thân người tiêu dùng phải có kiến thức để phân biệt mà trách nhiệm là các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là hội người tiêu dùng các cấp với sự giúp sức của các cơ quan thông tin đại chúng.
Ở nhiều nước, các trang thông tin mang tính cảnh báo, khuyến cáo được hình thành để cung cấp thông tin thường xuyên và có hệ thống về các loại hàng hóa không rõ xuất xứ, hàng hóa không đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể giúp người tiêu dùng quyết định khi mua sắm.
Nguyên nhân thứ hai cũng là câu hỏi mà các chuyên gia nhắc tới, đó là liệu chúng ta đã đủ những rào cản kỹ thuật cần thiết để giúp phát hiện và ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng thâm nhập và lưu thông tại thị trường trong nước? Không thể có ngay câu trả lời cho câu hỏi này bởi lẽ thương mại là một tiến trình liên tục. Hôm nay có thể coi như đủ nhưng ngày mai trở thành thiếu. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, thị trường hàng hóa luôn được bổ sung hàng hóa mới với số lượng và tốc độ chóng mặt. Hơn nữa, đối với các cơ quan quản lý, việc cân bằng lợi ích của các bên, đặc biệt giữa người sản xuất và người tiêu dùng là bài toán luôn được đặt ra.
Bài toán này càng trở nên phức tạp khi chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Vì vậy, khi đưa ra một quy chuẩn kỹ thuật hay tiêu chuẩn đối với hàng hóa, cơ quan quản lý cần cân nhắc nên ở mức độ nào vừa bảo vệ được an toàn, sức khỏe cho người tiêu dùng, hạn chế được hàng nhập khẩu kém chất lượng song đồng thời đảm bảo người sản xuất trong nước cũng có thể đáp ứng mức yêu cầu của các quy chuẩn, tiêu chuẩn để đưa hàng hóa ra thị trường.
Do vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề phát sinh và có sự phối hợp, hợp tác tốt (chứ không phải đổ lỗi) giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng và các nhà khoa học để tìm ra giải pháp thích hợp, góp phần chống buôn lậu hiệu quả.
Ông Lê Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau:
Vận động người Việt dùng hàng Việt
Tại Cà Mau, buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, bột ngọt và một số mặt hàng khác vẫn diễn ra thường xuyên. Hoạt động của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, nhiều thủ đoạn, rất khó phát hiện. Vì thế, công tác kiểm tra được chúng tôi thực hiện nghiêm túc.
Để góp phần chống hàng lậu, hàng giả, thúc đẩy hàng Việt ngày càng được người Việt ưa chuộng, hàng năm Sở Công thương Cà Mau xây dựng kế hoạch khuyến khích người Việt sử dụng hàng Việt. Ngoài ra, chúng tôi còn khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đưa hàng Việt về tận nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Hiện tại Sở Công thương tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh Cà Mau tổ chức hội chợ với chủ đề “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Song song đó, Sở Công thương Cà Mau còn thành lập các đoàn tăng cường công tác kiểm tra, bình ổn giá các mặt hàng Việt… để hàng Việt trong tương lai sẽ dần chiếm lĩnh được thị trường Cà Mau.
Thời gian vừa qua, cùng với việc thực hiện các chương trình hành động cụ thể, hàng hóa trong nước đã dần khẳng định được vị thế của mình trên thị trường Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Qua các đợt khảo sát thực tế tại các hội chợ cho thấy hàng Việt ngày càng được người dân, nhất là người dân nông thôn, ưa chuộng.
M.TRƯỜNG- NH.THIÊN ghi
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm:
Nâng cao hiểu biết về luật cho doanh nghiệp
Trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm hiện nay cũng không tránh khỏi một số mặt hàng lậu, hàng kém chất lượng thẩm lậu vào nước ta. Đây là vấn đề rất đáng ngại vì ảnh hưởng rất lớn trực tiếp đến sức khỏe người dân. Về mặt cảm quan, những thực phẩm nhập lậu thường có nhãn mác không rõ ràng, thông tin mập mờ và đương nhiên trên nhãn không có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của cơ quan quản lý thực phẩm. Người tiêu dùng tinh ý sẽ biết ngay thực phẩm nào là nhập lậu và thực phẩm nào chính ngạch. Tuy nhiên, cũng không loại trừ những đối tượng làm giả nhãn mác một cách tinh vi hoặc nhập lậu nguyên liệu về rồi chế biến, đóng gói. Bên cạnh nỗ lực kiểm soát của các cơ quan chức năng, việc làm người tiêu dùng “thông thái” cũng góp phần rất quan trọng sử dụng thực phẩm an toàn.
Và quan trọng hơn là hiện Luật An toàn thực phẩm đã ra đời và sắp có hiệu lực, giới doanh nghiệp cần được tuyên truyền, hướng dẫn để hiểu rõ hơn về luật. Từ đó ý thức được sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đồng thời, nâng cao hơn vai trò, quyền của người tiêu dùng khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực. Mặt khác, các biện pháp xử phạt phải răn đe hơn đối với những cá nhân, tổ chức nhập lậu, buôn bán lậu thực phẩm.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM:
Người tiêu dùng không tiếp tay
Trong số những mặt hàng rơi vào tình trạng buôn bán lậu phải kể đến thuốc chữa bệnh. Lâu nay không ít người dân, người bệnh vẫn bị các nhà thuốc bán cho thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Vậy tình trạng này bắt nguồn từ đâu?
Thứ nhất là thuốc phi mậu dịch (tức thuốc xách tay) do những người đi nước ngoài mua về hoặc do người ở nước ngoài gửi về cho thân nhân trong nước. Những thuốc này một phần không dùng hết được bán ra cho các nhà thuốc hoặc có thể có những đường dây kinh doanh thuốc phi mậu dịch, đặc biệt hiện nay đang rộ lên các loại thuốc đặc trị, thực phẩm chức năng.
Thứ hai, thuốc từ các nhà máy sản xuất của các tập đoàn, công ty phân phối biếu tặng, tiếp thị rồi cũng được tung ra thị trường mà không có hóa đơn chứng từ.
Thứ ba là buôn bán tiểu ngạch thuốc lậu qua biên giới. Người tiêu dùng phải cảnh giác rằng, những loại thuốc có nguồn gốc không minh bạch như trên có thể là không đảm bảo chất lượng, không được tư vấn sử dụng an toàn. Thường những loại thuốc này rao bán qua mạng hoặc thông tin truyền khẩu. Do đó, người bệnh cần cảnh giác và không tiếp tay mua các loại thuốc này. Vậy, để an toàn và hiệu quả điều trị bệnh, người tiêu dùng cần mua thuốc tại các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành tốt bán lẻ (GPP) bởi đã được cơ quan chức năng chứng nhận có nguồn gốc rõ ràng, thuốc được bảo quản tốt.
Về mặt quản lý, thanh tra ngành y tế thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh dược phẩm và chú trọng đến việc phát hiện, xử lý những mặt hàng dược phẩm lậu. Những nhà thuốc bị phát hiện bán thuốc lậu, ngoài việc xử phạt hành chính theo quy định thường bị xử phạt bổ sung bằng việc tạm đình chỉ hoạt động hoặc rút giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề kinh doanh thuốc. Hơn nữa, cơ quan quản lý y tế luôn hoan nghênh và sẵn sàng thanh kiểm tra, xử lý nếu người tiêu dùng cung cấp thông tin chính xác về những đối tượng, nhà thuốc có buôn bán dược phẩm lậu.
TƯỜNG LÂM (ghi)
Ông Trần Thanh Nam Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang:
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp
Tỉnh Kiên Giang đang tập trung các giải pháp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại địa bàn; trên cơ sở phân công trách nhiệm rõ ràng, thực hiện quyết liệt, phối hợp đồng bộ của các lực lượng chức năng… Sở Công thương phối hợp với các ngành chức năng tập trung rà soát hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới. Cần thiết điều chỉnh quy hoạch mạng lưới hợp lý, khắc phục tình trạng tập trung quá nhiều hoặc bố trí quá mỏng trên địa bàn. Xác định nhu cầu thực tế tiêu dùng của khu vực biên giới, căn cứ vào lượng xăng dầu cung ứng kỳ trước, yêu cầu các tổng đại lý bán cho các cửa hàng xăng dầu của khu vực này đủ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh của nhân dân…
Trong khi đó, lực lượng hải quan phối hợp với biên phòng quyết liệt kiểm tra kiểm soát khu vực cửa khẩu quốc tế Xà Xía - Hà Tiên, cửa khẩu quốc gia Giang Thành, các đường mòn qua lại biên giới; phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, nhất là vận chuyển trái phép xăng dầu qua biên giới. Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt chú ý hàng hóa tạm nhập tái xuất đề phòng trường hợp lợi dụng tuồn hàng lậu vào nội địa.
Mặc khác, cảnh sát kinh tế, an ninh kinh tế triệt phá các đường dây ổ nhóm, tụ điểm, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và các hành vi xuất lậu xăng dầu qua biên giới, nhất là 3 điểm nóng: Hà Tiên, Giang Thành và Phú Quốc.
Tuyên truyền rộng rãi đến quần chúng nhân dân, đặc biệt là cư dân biên giới không tham gia, tiếp tay mua bán, vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại và buôn lậu xăng dầu… Song song với việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, các sở, ngành chức năng, chính quyền các cấp kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, có biện pháp bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn hàng tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá cục bộ…
- Tiến sĩ KHƯƠNG QUANG ĐỒNG (Pháp): Tại sính ngoại
Sính ngoại là hiện tượng đã có từ lâu và ở khắp nơi. Người Âu Mỹ thích một số mặt hàng của các nước đang phát triển vì giá rẻ và ngược lại thị trường ở các nước đang phát triển lại hâm mộ các sản phẩm Âu-Mỹ và Nhật vì chất lượng cao và hợp thời trang mặc dù giá cao. Và tất cả các quốc gia đều tìm cách lôi cuốn người tiêu thụ mua hàng sản xuất trong nước.
Vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, Pháp đã mở một chiến dịch với sự ủng hộ của tất cả các khuynh hướng chính trị, kêu gọi “Người Pháp mua hàng Pháp”. Nhưng chiến dịch thất bại, hàng nhập từ Trung Quốc và các nước khác ở châu Á vẫn ồ ạt vào thị trường.
Trong thế giới kinh tế thị trường và internet, người tiêu thụ có rất nhiều thông tin và ích kỷ. Họ so sánh chất lượng và giá các mặt hàng trên thị trường dựa trên những thông tin và chọn mua những sản phẩm tốt nhất và rẻ nhất. Các chiến dịch khích động tinh thần quốc gia để mua hàng nội đều có kết quả giới hạn; đánh thuế cao hay giới hạn các hàng nhập sẽ nảy sinh ra buôn lậu. Nạn buôn lậu càng trầm trọng khi khả năng kinh tế càng cao và sẽ trở thành kinh tế song song.
Trong tất cả các sản phẩm “made in Việt Nam”, có lẫn lộn hàng tốt với hàng xấu, do đó người tiêu thụ có suy nghĩ các sản phẩm VN không có chất lượng và hướng về hàng ngoại. Nếu không nhìn nhận sự thật này mà chỉ dựa vào tinh thần quốc gia của người tiêu thụ thì trong bối cảnh hiện tại khó thành công.
Muốn chống tâm lý sính hàng ngoại và buôn lậu, chúng ta cần phải vừa kêu gọi tinh thần quốc gia vừa giúp người tiêu thụ phân biệt giữa sản phẩm tốt với xấu. Sản phẩm được xếp vào chất lượng tốt nếu qua được những thử nghiệm của cơ quan quản lý chất lượng và được mang nhãn “chất lượng VN”.
H.Phong - H.Hiệp (ghi)
Trung tướng Lê Thành Tâm (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM):
Tăng cường đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa
Điều đáng mừng, sau 1 năm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, phần đông các cựu chiến binh (CCB) đã ý thức và có thói quen dùng hàng sản xuất trong nước. Ngoài hơn 4.000 buổi tuyên truyền tại 412 khu phố, 1.217 tổ dân phố; với hơn 164.000 lượt người tham gia thì các Quận hội, như: quận 4, quận 9… còn phối hợp với Quận đoàn, Hội doanh nghiệp tổ chức các đêm hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao tại khu công nghiệp, trường học, khu dân cư… thu hút hàng trăm người tham gia.
Sự thay đổi về ý thức của CCB đã tạo chuyển biến khá rõ nét, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, nhất là trong tình hình nước ta đang bị ảnh hưởng và tác động của thời kỳ suy thoái kinh tế thế giới và bớt thói quen sính hàng ngoại như trước đây.
Thời gian qua, ngày càng nhiều gia đình hội viên CCB mua sắm ở siêu thị và chọn các mặt hàng Việt Nam có uy tín, chất lượng, như: các loại xe gắn máy, nệm Kymdan, quần áo Việt Tiến; giày dép Biti’s; cà phê Trung Nguyên; máy điều hòa, quạt điện, đồ điện gia dụng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Tuy nhiên, hiện nay người dân vùng sâu, vùng xa ở TPHCM khó tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước với giá hợp lý, đồng thời qua tìm hiểu, họ cũng thiếu thông tin về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa khi mua sắm. Do vậy, để đợt vận động đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới đề nghị các cơ quan liên quan nên thường xuyên tổ chức đưa hàng nội đến với người dân vùng sâu, vùng xa.
Ông N.V.T. (một trùm buôn lậu ở Hà Tiên, Kiên Giang, đã giải nghệ):
Cư dân biên giới cần việc làm ổn định
Cách nay gần hơn 6 năm, tôi là cư dân xã biên giới Mỹ Đức, TX Hà Tiên, từng tham gia vận chuyển hàng lậu qua biên giới Hà Tiên, chủ yếu ở khu vực Bến Xuồng và Đường Chùa. Các mặt hàng dân buôn lậu thời điểm đó cũng không khác bây giờ nhiều lắm. Chủ yếu là thuốc lá, mỹ phẩm, bánh kẹo, rượu ngoại đưa vào nội địa Việt Nam và xăng dầu chảy ngược qua Campuchia.
Bây giờ tôi đã giải nghệ và có công ăn việc làm khá ổn định là bán quần áo, hàng lưu niệm, ăn uống tại một khu du lịch ở thị xã Hà Tiên. Vợ tôi lo chăm sóc mấy công ruộng trồng lúa và khoai lang, nuôi con đi học. Nói thật, lý do buộc chúng tôi phải tham gia buôn lậu là để giải quyết nhu cầu cuộc sống, vì không có công ăn việc làm ổn định. Trong lúc qua mùa vụ nhàn rỗi (xã biên giới Mỹ Đức mỗi năm làm 1 vụ lúa và 1 vụ khoai lang), không ai thuê mướn việc đồng áng nên tụi tui đi buôn lậu. Mỗi ngày chở vài chuyến hàng trót lọt, coi như kiếm được 50.000-100.000 đồng. Đối với cư dân biên giới, thất nghiệp thời vụ thì số tiền này rất quý.
Cách nay hơn 6 năm, khi du lịch ở Hà Tiên ngày một mở rộng, được sự vận động, giáo dục, hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương; tôi quyết định bỏ nghề, xin một chỗ để buôn bán trong khu du lịch... Từ đó, tôi an tâm làm ăn, không còn thấp thỏm, lo sợ không biết ngày nào phải “ăn cơm tù” như trước đây. Bây giờ có cho vàng, tôi cũng không làm lại nghề cũ…
Đ.HIỆP - H.PHONG (ghi)
Bà VŨ KIM HẠNH, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA):
Cần “bộ máy” chống hàng lậu chuyên nghiệp
Hai năm qua, BSA đã tổ chức gần 100 phiên chợ hàng Việt về nông thôn nhằm thực hiện chương trình xúc tiến thị trường trong nước của Bộ Công thương, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động Người VN ưu tiên dùng hàng VN. Có đi mới thấy, khu vực thị trường nông thôn đã và đang trở thành “cứ điểm” cho hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng! Hàng lậu từ biên giới Trung Quốc có thể “chảy” thẳng xuống tận các tỉnh ở đồng bằng Nam bộ như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ…
Trong chuyến bán hàng gần đây nhất tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, thương lái ở đây đã mua trái thanh long đỏ từ Trung Quốc, sau đó các xe tải cũng đến lấy và chở ngược vào miền Nam để bán. Phải chăng trái cây VN đang lâm vào tình trạng “chở củi về rừng”? Đó là chưa kể hàng quần áo, hàng tiêu dùng… đều là hàng lậu được tiêu thụ khá phổ biến tại đây.
Với những gì đang diễn ra, chúng ta đang đi sau hàng lậu và bỏ ngỏ thị trường nông thôn trong thời gian rất dài, nay mới quay lại là quá muộn. Nhưng dù muộn vẫn còn hơn không. Vấn đề đặt ra là phải bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào để phát triển mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng Việt, vừa góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, ổn định an sinh xã hội, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng người tiêu dùng nông thôn. Đây là bài toán cần được thực hiện kiên trì và hiệu quả mới có thể cải thiện tình hình.
Quay trở lại với công tác chống buôn lậu, nhận định chung đều cho rằng, lực lượng chống buôn lậu của chúng ta còn quá mỏng so với hoạt động chung trên thị trường. Cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại. Nói cách khác, công tác chống buôn lậu mới chỉ dừng ở mức nửa vời, chưa tạo sự đồng nhất (trong việc thực thi các văn bản hành chính về xử phạt), chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng (quản lý thị trường, cảnh sát, hải quan…), công cụ phục vụ cho việc giám định và kiểm tra chất lượng hàng hóa lạc hậu…
Để công tác chống hàng lậu hiệu quả, rất cần một bộ máy chuyên nghiệp, trong đó từ con người đến các cơ chế chính sách, công cụ hỗ trợ phải đồng bộ và được đầu tư đúng mức, tránh tình trạng có “chống” nhưng lại không hiệu quả như hiện nay.
Ông ĐẶNG CHÍ HÙNG, Giám đốc kinh doanh Công ty nhôm Kim Hằng:
Dùng hàng Việt, diệt hàng lậu
Ở góc độ DN, tôi cho rằng các DN lớn của VN đang có nhiều thế mạnh trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa. Ngoài thế mạnh về vốn, bề dày về kinh nghiệm và xây dựng quảng bá thương hiệu, họ còn hoạch định được một chiến lược rất cụ thể, khả thi để phát triển thị trường.
Điển hình như Công ty Điện Quang, những sản phẩm mang thương hiệu Điện Quang đã xuất hiện đều khắp tại các thị trường như Cuba, Venezuela… bởi chất lượng và giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, với những DN nhỏ và vừa chưa đủ sức đánh động thị trường nước ngoài, đến nay Nhà nước vẫn chưa có những chính sách đầu tư hỗ trợ đúng mức. Hậu quả, DNVN lúc nào cũng rơi vào tình trạng đi sau người Trung Quốc, trong khi chất lượng hàng hóa không thua kém.
Đó là chuyện ở các thị trường xa. Với các nước trong khu vực được đánh giá đầy tiềm năng như Myanmar, hàng hóa VN vẫn chưa thâm nhập được nhiều. Do vậy, cùng với việc tăng cường công tác xúc tiến mở rộng xuất khẩu, kết hợp với phát triển thị trường nội địa, các bộ ngành cần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động Người VN ưu tiên dùng hàng VN, cần đi sâu vào lớp trẻ, trong trường học để họ hiểu và tin dùng hàng Việt. Nếu kiên trì và đồng lòng thực hiện, hàng Việt sẽ có nhiều cơ hội phát triển, từng bước loại trừ và “diệt” được hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
THÚY HẢI (ghi)
Doanh nghiệp phải nỗ lực để cứu mình
Tính liên kết các doanh nghiệp trong nước chưa hình thành. Chính sự đơn lập đã kéo năng lực cạnh tranh của hàng nội với hàng ngoại giảm sút. Bản thân người đi buôn không ai không nghĩ đến lợi nhuận. Thị trường chuộng hàng nào người đi buôn sẽ “vác” về mặt hàng đó. Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp trong nước còn yếu, tài lực có hạn. Do vậy, các doanh nghiệp phải xây dựng tư duy cạnh tranh với hàng ngoại trên sân nhà. Nếu hàng trong nước luôn có chất lượng tốt, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng thì không có lý do gì để người tiêu dùng mua hàng ngoại. Vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp là phải đổi mới về chiến lược kinh doanh, đổi mới phương thức sản xuất, cải tiến quy trình công nghệ để hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng. Mặt khác, Việt Nam cần xây dựng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hóa nhập khẩu và cần tuân thủ nghiêm ngặt. Lập ra chiến lược về sản phẩm, tiêu chuẩn hàng hóa trong nước và hình thành mối liên kết giữa nhà quản lý với doanh nghiệp. Ngoài ra, cần đẩy mạnh yếu tố chất xám có trong sản phẩm để tăng cường năng lực cạnh tranh cho hàng nội địa.
Chú trọng giải quyết việc làm cho cư dân vùng biên
Với chủ trương và lực lượng hiện nay, khống chế và làm giảm nạn buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam không khó, tuy nhiên muốn “dứt hẳn” lại không dễ chút nào. Mấu chốt của vấn đề là giá cả hàng hóa chênh lệch giữa 2 nước biên giới quá cao và dân sống ở khu vực này còn nghèo nên khó ngăn được nạn buôn lậu. Thêm nữa, với đường biên trải dài như vậy, khó canh giữ 24/24 giờ. Tôi được biết, từ năm 2001, Tân Châu (An Giang) là nơi đầu tiên ở ĐBSCL thí điểm cho dân buôn lậu vay vốn chuyển nghề, nhằm tạo việc làm do người nghèo ở biên giới. Theo đó, khoảng 100 hộ ở 2 xã Phú Lộc, Vĩnh Xương được vay 2 triệu đồng/hộ, làm ăn và bỏ nghề buôn lậu. Kết quả, hơn 50% số hộ làm ăn không hiệu quả, sử dụng vốn sai mục đích. Đến nay, việc thu hồi vốn khó khăn, nhiều hộ không khả năng thanh toán.
Ngoài các khu kinh tế cửa khẩu thu hút được khá nhiều lao động, dọc biên giới Tây Nam hiện nay hầu như không có xí nghiệp, nhà máy… trong khi dân không nghề, không ruộng, không việc làm ngày càng nhiều, đời sống chật vật. Nhiều hộ phải đi đai vác hàng lậu kiếm gạo ăn. Nếu tình trạng này không được cải thiện, việc “dứt hẳn” buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam xem ra hãy còn gian nan.
Minh Trường (ghi)
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An:
Chống buôn lậu: kết quả chưa như mong muốn
Loạt bài Hàng lậu xuyên biên giới trên Báo SGGP đã phản ánh đúng tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới Long An - Campuchia trong thời gian qua, tuy có giảm nhưng vẫn còn phức tạp. Như buôn lậu thuốc lá, về quy mô có giảm hơn năm 2010 nhưng đối tượng buôn lậu lại gia tăng về số lượt và số người vận chuyển.
Điểm nóng về buôn lậu hiện nay trên địa bàn tỉnh là ở hai huyện Đức Huệ (gồm các xã Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông, Bình Thành…, mỗi ngày có khoảng 100-200 thùng thuốc nhập lậu) và huyện Đức Hòa (gồm các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây, Lộc Giang).
Cung đường cánh buôn lậu thường sử dụng để đưa về TPHCM tiêu thụ là tuyến kênh Rạch Tràm, Ba Vồn, Giồng Ông Bạn (huyện Đức Huệ), tuyến kênh Thầy Cai (huyện Đức Hòa) và tuyến sông Vàm Cỏ Đông.
Còn tình hình xuất lậu xăng dầu cũng phức tạp không kém, nhất là trước thời điểm giá xăng dầu chưa được điều chỉnh tăng. Do giá xăng dầu ở Việt Nam thấp hơn Campuchia 2.000- 6.000 đồng/lít, nên nạn xuất lậu xăng dầu vẫn chưa giảm. Hiện nay, tuy giá xăng dầu có điều chỉnh tăng nhưng vẫn còn thấp hơn Campuchia nên vẫn còn tình trạng xuất lậu xăng dầu sang Campuchia, dù số lượng nhỏ hơn (hiện Long An có 35 cửa hàng kinh doanh xăng dầu gần biên giới, tập trung tại các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và Đức Huệ).
Tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chống buôn lậu đẩy mạnh công tác tuần tra- kiểm soát tuyến biên giới, đồng thời kiểm tra- kiểm soát chặt chẽ các cơ sở hoạt động kinh doanh xăng dầu, thuốc lá… trong nội địa và cương quyết xử lý đến nơi chốn những đối tượng liên quan đến buôn lậu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động người dân không đi buôn lậu, không tiếp tay cho buôn lậu. Thực tế, phần lớn những người tham gia buôn lậu là dân địa phương. Do đời sống còn khó khăn, trình độ dân trí thấp nên họ dễ xiêu lòng trước mối lợi mà các đầu nậu buôn lậu mang lại… Nhiều người coi việc buôn lậu là “kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn”. Thật sự, công tác chống buôn lậu chưa đạt kết quả như mong muốn.
ĐĂNG NGUYÊN (ghi)
Ông Lê Minh Phăng, xã Bình Hòa Nam huyện Đức Huệ tỉnh Long An:
Không nên “mưu sinh bằng buôn lậu”
Từng sống nhờ buôn lậu (anh Phăng là một trong những thủ lĩnh buôn lậu ở huyện Đức Huệ, với biệt danh “Trùm Xì Đen” - PV), tôi biết đi buôn cũng như đánh bài, cuối cùng rồi sẽ trắng tay. Bởi dân buôn lậu vùng này ai cũng bị lực lượng chống buôn lậu bắt. Cuối năm 1996, tôi bị bắt, bị kêu 6 năm tù. Mọi người cứ nghĩ tôi sẽ tàn đời. Nhưng rồi tôi quyết tâm làm lại từ đầu nhờ cây chanh. Chỉ mấy năm sau khi ra tù, từ 2 công chanh ban đầu tôi đã nhân rộng ra hơn 5 ha, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Khi ra tòa, tôi mới biết mình “kinh doanh” bằng con đường buôn lậu là sai. Cũng may là tôi kịp nhận ra, chứ nếu không, đi buôn lậu tới bây giờ chắc tài sản không còn gì.
Minh Thông (ghi)
|
Ông Võ Thanh Phong, Chi cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh:
Xác định định mức cung ứng xăng dầu vùng biên giới
Các lực lượng phòng chống buôn lậu tại cửa khẩu Chàng Riệc cũng như các cửa khẩu biên giới khác ở Tây Ninh rất mỏng. Hiện nay, phần lớn người vận chuyển xăng, dầu qua biên giới là người nghèo, nhiều người từ các địa phương khác, kể cả ở Campuchia. Ngoài việc cho người canh, theo dõi lực lượng phòng chống buôn lậu, những người này còn sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để giành lại hàng lậu. Không ít lần, khi bị bắt, những người vận chuyển xăng dầu còn móc hộp quẹt ra hăm dọa chúng tôi.
Ban Chỉ đạo 127 tỉnh Tây Ninh vừa đề nghị các sở, ngành thành viên ban chỉ đạo, UBND và Ban chỉ đạo 127 các huyện biên giới đẩy mạnh công tác nghiệp vụ để phòng chống buôn lậu hiệu quả hơn. Thời gian tới, cơ quan quản lý thị trường sẽ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu khu vực biên giới; xử lý nghiêm các vi phạm kể cả tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Qua điều tra, thống kê nhu cầu xăng, dầu phục vụ việc đi lại cũng như tiêu tưới của nhân dân, chúng tôi sẽ xác lập định mức cung ứng xăng dầu. Theo đó, các cửa hàng xăng dầu vùng biên giới chỉ được bán trực tiếp vào các phương tiện tiêu dùng (không quá 50 lít/ngày/ô tô); không bán xăng dầu vào can, phuy và dụng cụ chứa đựng khác.
Trường hợp mua xăng, dầu để sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, người mua phải có sổ và xác nhận của UBND xã. Giờ mở cửa các cây xăng ở khu vực biên giới cũng được quy định từ 6 giờ đến đúng 18 giờ hàng ngày. Đối với việc cung ứng xăng, dầu tại biên giới, các công ty xăng dầu đầu mối hoặc các tổng đại lý xăng dầu phải có hóa đơn kèm theo ngay và vận chuyển đúng thời gian quy định, nếu không sẽ bị xử lý tịch thu số xăng dầu đó. Nhân viên nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các đại lý xăng dầu có hành vi vi phạm. Các lực lượng chức năng sẽ được tăng cường tại các cửa khẩu.
UBND, UBMTTQ các xã biên giới sẽ tổ chức vận động nhân dân cam kết không tiếp tay, vận chuyển xăng dầu qua biên giới. Hy vọng với sự phát huy sức mạnh tổng lực và sự đồng thuận của nhân dân, tình hình phòng chống xuất lậu, vận chuyển xăng, dầu qua biên giới tại tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới sẽ đạt được kết quả khả quan hơn.
ĐOÀN HIỆP (ghi)
- Thạc sĩ Phạm Thị Diệu Hiền: Phát huy kinh tế cửa khẩu
Trên tuyến biên giới Tây Nam hiện nay, các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An… đều có lợi thế phát triển kinh tế cửa khẩu. Các cửa khẩu trên địa bàn giữ vị trí quan trọng trong việc giao thương giữa các tỉnh ĐBSCL với Vương quốc Campuchia. Đây còn là cửa ngõ để hàng hóa trong nước tiếp cận với thị trường các nước ASEAN. Với chính sách thông thoáng về xuất nhập cảnh giữa Việt Nam và Campuchia, lượng người qua lại các cửa khẩu sắp tới sẽ tăng nhanh. Kinh tế phát triển, đời sống người dân vùng biên giới sẽ khởi sắc.
Hiện nay, một số khu kinh tế cửa khẩu đã trực tiếp giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong khu vực. Theo quyết định của Thủ tướng, đến năm 2020, cả nước sẽ có 30 khu kinh tế cửa khẩu, trong đó hình thành thêm 7 khu kinh tế cửa khẩu mới trên các khu vực biên giới. Dự kiến đến năm 2020 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ qua biên giới Việt Nam với các nước láng giềng sẽ đạt 42 - 43 tỷ USD.
Khu kinh tế cửa khẩu có tác động tích cực, đồng thời cũng có những phức tạp bởi ở đó có sự giao thoa chính sách, giao lưu hàng hóa, con người qua lại giữa 2 quốc gia, địa phương và cả nước thứ 3. Các khu kinh tế cửa khẩu là cửa mở, tạo thêm sức lực của nền kinh tế, cũng là nơi tạo ra sức ép trong cạnh tranh khi hàng hóa qua lại với số lượng ngày càng lớn, giá cả cạnh tranh, dĩ nhiên kèm theo các tệ nạn và hoạt động tội phạm. Chúng ta cần có biện pháp phù hợp với thông lệ quốc tế, hài hòa với các bên đối tác, tranh thủ tối đa các lợi thế, thực hiện đúng các chính sách của Đảng và Nhà nước, các hiệp định song phương và đa phương đã ký kết; hợp tác phát triển hành lang kinh tế Việt - Trung, hành lang kinh tế Đông - Tây và tiểu vùng Mê Kông nhằm quản lý hoạt động thương mại biên giới lành mạnh hơn.
- Bà Hoàng Thị Hồng,tiểu thương chợ Tịnh Biên (An Giang): Nâng cấp hàng Việt để thu hút người tiêu dùng
Tiểu thương đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giới thiệu hàng hóa, nhất là hàng Việt, đến tận tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước chưa tạo điều kiện thuận lợi và sự an tâm cho tiểu thương, chưa kể còn yếu trong chế độ hậu mãi. Ví dụ, trên sản phẩm đã có tem bảo hành nhưng khi khách hàng mang sản phẩm đến công ty với lỗi kỹ thuật vẫn không được bảo hành như cam kết. Vì bức xúc, khách hàng quay trở lại, phản ánh với các tiểu thương và đành đi ra ngoài sửa chữa.
Cứ thế, niềm tin vào hàng Việt bị lung lay. Đây là hạn chế rất lớn, doanh nghiệp cần được khắc phục sớm để giữ chữ tín với khách hàng “ruột” của mình. Muốn người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, các doanh nghiệp phải chú ý đến những yếu tố người tiêu dùng cần: Mẫu mã luôn mới, đẹp; sản phẩm có thông tin rõ ràng. Bên cạnh đó, khi sản phẩm giới thiệu, chào bán ban đầu có chất lượng tốt, các sản phẩm sản xuất hàng loạt về sau cũng phải tốt như thế. Chứ không phải khi có được khách hàng rồi, lại giảm chất lượng sản phẩm xuống. Chỉ có làm tốt những vấn đề nêu trên, may ra thuyết phục tiểu thương “tẩy chay, nói không với hàng lậu, hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường” vì chúng tôi biết rõ nhất nguồn gốc hàng hóa.
MINH TRƯỜNG (ghi
- Ông TRẦN LÂM, Giám đốc Công ty may Lâm Hoài Sơn: Hàng lậu “bóp nghẹt” sản phẩm trong nước
Lâu nay chúng ta đang nói nhiều đến việc thay đổi cơ chế điều hành làm ảnh hưởng trực diện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Đó là ở tầm vĩ mô. Với một DN chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc để cung ứng cho các siêu thị như công ty của tôi thì khó khăn đang chồng lên khó khăn. Ngoài vốn, nguyên vật liệu đầu vào của ngành may đã tăng 30% - 50% so với cùng kỳ, trở thành một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của DN. Giá đầu vào tăng không có nghĩa các DN ngay lập tức sẽ được điều chỉnh giá bán sản phẩm mà phải có một độ trễ nhất định. Trong bối cảnh đó, chúng tôi cũng đang hoạt động trong một cơ chế cạnh tranh không công bằng và sòng phẳng với hàng lậu và mức độ ngày càng khốc liệt. Thử làm phép tính, hàng lậu (chủ yếu hàng Trung Quốc) tuồn vào VN, không phải chịu thuế (cả thuế VAT lẫn thuế thu nhập DN…) thì một sản phẩm tất nhiên giá chênh lệch rất nhiều so với các sản phẩm của các DN làm ăn chân chính. Nếu các bộ, ngành chức năng chỉ quan tâm đến những cái khó ở tầm vĩ mô mà quên tìm cách ứng phó hiệu quả với hàng lậu, chẳng bao lâu nữa hàng loạt các DN may mặc trong nước sẽ bị bóp nghẹt!
- Ông BÙI SĨ THẮNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty cân Nhơn Hòa: Cần có chiến thuật cạnh tranh trực diện với hàng lậu
Cân Nhơn Hòa là một trong những thương hiệu hiếm hoi của Việt Nam (VN) không chỉ đứng vững trên sân nhà mà đang “làm chủ” nhiều thị trường trong khu vực. Để có được vị thế này, ít ai biết rằng, cân Nhơn Hòa đã từng cạnh tranh nghiêng ngả với hàng lậu, đặc biệt hàng Trung Quốc. Khi đã lâm vào hoàn cảnh này, DNVN không thể ngồi chờ cơ chế hoặc sự can thiệp của nhà nước mà phải tự thân vận động, bằng cách tìm cho ra chiến lược, chiến thuật để cạnh tranh trực diện với nó xoay quanh chất lượng, giá cả và kiểu dáng khác biệt. Mặt khác, rất cần sự chỉ dẫn để người tiêu dùng có thể phân biệt đâu là sản phẩm của DN làm ăn chân chính và đâu là hàng trôi nổi, kém chất lượng. Với cân Nhơn Hòa, ngoài thế mạnh về thương hiệu sẵn có, cộng với chất lượng đã được kiểm chứng từ năm qua và giá cả rất cạnh tranh thì chính logo của Hàng VN chất lượng cao đã góp phần đánh bật hàng lậu đối với sản phẩm cùng loại, chỉ trong một thời gian ngắn.
Dấn thêm một bước, cân Nhơn Hòa đã mạnh dạn đầu tư nhà máy sản xuất ngay tại Trung Quốc để sản phẩm có giá thành cạnh tranh hơn. Làm được việc này, công ty ngày càng khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường. Ngoài những vấn đề nêu trên, kinh tế càng khó khăn thì các DNVN cần phải có những giải pháp để “bám” thị trường nội địa tốt hơn. Tuyệt đối không được bỏ ngỏ “trận địa” quan trọng này.
Thúy Hải (ghi)
Chỉnh đốn lực lượng chống buôn lậu
Qua nhiều bài viết trên Báo SGGP của nhóm PV cùng phản ánh của cơ quan chức năng và độc giả của báo, theo tôi đã nói hết thực trạng hàng lậu thẩm qua biên giới và các ý kiến phản hồi cũng đã góp phần làm sáng tỏ vấn đề này. Tôi xin góp mấy ý kiến:
1) Cái chúng ta quan tâm “bị buôn lậu” chỉ là hàng tiêu dùng: bột giặt, mỹ phẩm, giày dép, xe đạp, vải vóc, thuốc lá… không nguy hiểm bằng hàng đồ chơi mang tính bạo lực cho trẻ em, thuốc bảo vệ thực vật, ma túy, hàng có chất độc hại… Theo tôi chỉ cần trả lời câu hỏi: Vì sao các hàng hóa đó vào được Việt Nam và tiêu thụ được, phải chăng giá rẻ và chất lượng chấp nhận được? Thế thì các nhà sản xuất các mặt hàng này của Việt Nam ở đâu? Trong khi trách nhiệm của chúng ta là đáp ứng (cung đủ) cho tốt nhu cầu (quy luật tự nhiên thị trường).
2) Lực lượng chống buôn lậu vùng biên giới 5 tỉnh từ Tây Ninh đến Kiên Giang cần được chỉnh đốn, hoạt động cho hiệu quả. Lực lượng buôn lậu không phải vận chuyển hàng hóa “như chốn không người” và không phải “bắt cóc bỏ dĩa” mà chúng có thể làm luật, móc nối với một số cán bộ chức năng để tuồn hàng lậu vào nội địa như nhóm PV đã ghi nhận. Vấn đề là các đầu nậu buôn lớn đã có sự che chắn kỹ lưỡng bởi nhiều thế lực bạc tiền, quyền uy ở đâu đó vẫn an toàn, phởn phơ thu lợi.
Bà con ở vùng cầu Lớn (Nhị Xuân - Hóc Môn), Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (Bình Chánh) và tỉnh lộ 10 vùng Tân Tạo, Bình Trị Đông (Bình Tân) đều nhàm chán cảnh xe máy chở hàng lậu chạy bạt mạng vào quận 6, quận 5, chợ Bình Tây. Nếu muốn bắt, các cơ quan chức năng không phải khó khăn gì. Đó là chỉ nói một mảng ở Long An.
3) Giải quyết vấn đề buôn lậu bằng công ăn việc làm sống được cho người dân nghèo ở các xã vùng biên giới là giải pháp căn cơ nhất. Các điển hình Lê Minh Phăng, Nguyễn Văn Tùng mà Báo SGGP ngày 12-4-2011 đưa là rất thuyết phục.
Cuối cùng, chúng tôi rất vui khi thấy gần đây Báo SGGP có các loạt bài điều tra, phóng sự… bổ sung cho chuyên mục “Đời sống tỉnh thành” rất đầy đủ, song song với các bài viết ở trang Giáo dục và Y tế đã “nói thẳng nói thật”.
Trần Anh Tài
(81 lô H, KP3, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TPHCM)
Cần tuyên truyền giáo dục cộng đồng
Những ngày vừa qua, Báo SGGP đăng loạt bài về tình trạng “Hàng lậu xuyên biên giới”, tôi đã bức xúc và suy ngẫm rất nhiều, vì nó làm cho ngân sách nhà nước thất thu và hàng hóa sản xuất của các doanh nghiệp lâm cảnh lao đao, khốn đốn!
Thiết nghĩ “mưu sinh bằng buôn lậu” do đa số là dân nghèo nông thôn, miền núi, nơi mà điều kiện hạ tầng và phúc lợi văn hóa xã hội đều thấp. Kế sinh nhai của người dân chỉ dựa vào canh tác trên đất đai, luôn bị chi phối bởi thời tiết thất thường. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp đang gặm nhấm, thu hẹp đất sản xuất, trình độ học vấn thấp, đó là những nguyên nhân gây trở ngại, làm cho họ khó tiếp cận được với thông tin, kiến thức.
Đã đến lúc mọi người cần nêu lên sáng kiến, ý tưởng, góp ý để cùng với Chính phủ ra sức bình ổn kinh tế, tăng thu cho ngân sách. Muốn đạt được hiệu ứng trên thì chính quyền địa phương cùng các ban ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ, quyết liệt để giáo dục, giúp đỡ cho những người đang lỡ mưu sinh bằng “buôn lậu”, vạch rõ cho họ thấy đó là con đường sai phạm với luật pháp nhà nước.
Chúng ta cần xác tín cho họ có được niềm tin vào tác dụng của “giáo dục cộng đồng” bằng cách khắc họa nên chân dung điển hình của những người mà một thời đã từng “buôn lậu”, nhưng nay đã nhận thức và hoàn lương bằng sự giáo dục và giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ban ngành ở địa phương mà họ có cơ hội vươn lên, với niềm say mê làm giàu từ đôi tay, khối óc lao động chân chính của mình. Chính họ sẽ là những thành viên đắc lực cộng tác với chính quyền trong việc “phòng chống buôn lậu”, ra sức kêu gọi, thuyết phục những bạn bè còn lại sớm trở về hòa nhập với gia đình, xã hội như những “hiệp sĩ đường phố” bắt cướp mà xuất thân trước đây đã phạm pháp.
Điều cần phản ánh và tác dụng lâu dài là các doanh nghiệp sản xuất trong nước nên ra sức phát huy vai trò của mình, đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên hết, từng bước đưa hàng nội với chất lượng đảm bảo để thực hiện phương châm ra thị trường “Người Việt dùng hàng Việt”.
Có như thế, dần dà hàng lậu sẽ bị đẩy lùi.
Võ Tá Ngô
(Công ty Xesco, 126 Điện Biên Phủ Q1 TPHCM)
Buôn lậu và hố lún sụp
Không cần phải tới mùa mưa, ở ngay giữa trung tâm đô thị, cũng xuất hiện các hố lún sụp trên đường phố. Nguyên nhân được nhìn nhận chính thức là do công trình hạ tầng xuống cấp, gây ra xì, bể, cuốn trôi đất cát, tạo ra lỗ hổng. Mặt khác, việc thi công lại chưa tuân thủ quy trình, quy chuẩn thi công, nghiệm thu...
So sánh là khập khiễng, nhưng hẳn là cũng có những điểm chung giữa hố lún sụp với thực trạng buôn lậu lan tràn hiện nay. Buôn lậu diễn ra ở biên giới, cửa khẩu, nhưng mấu chốt của buôn lậu là từ chuyện bất đối xứng cung- cầu trong nội địa. Nhu cầu tiêu dùng cao, nhưng hàng hóa của doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được. Chất lượng thua kém, mẫu mã không hấp dẫn, giá lại cao, tạo nên sức cạnh tranh kém.
Buôn lậu cũng chính là biểu hiện cho sự lún sụt về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Câu chuyện hãng máy ảnh Canon tìm đến hàng chục doanh nghiệp Việt Nam mà không tìm ra được đối tác cung cấp ốc vít là một ví dụ. Các ví dụ tương tự cũng không khó thấy. Nhiều doanh nghiệp trong nước cho đến nay vẫn “dựa hơi” vào sự bảo bọc của Nhà nước, lợi thế nhân công rẻ và tài nguyên có sẵn. Không có năng lực cạnh tranh thực sự, doanh nghiệp sẽ yếu ớt và không thể tự lập. Thiếu vốn triền miên, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu khả năng liên kết- hợp tác, là căn bệnh chung của đa số doanh nghiệp Việt Nam. Mà đã yếu ớt như thế, bản thân hoạt động thường xuyên cũng đã tự tạo những hố lún sụp trong cơ thể doanh nghiệp.
Nguồn cung hàng hóa thiếu hụt lớn so với nhu cầu, là mấu chốt để buôn lậu hoành hành. Hàng rào thuế luôn là một công cụ quan trọng, nhưng không thay thế được cho nội lực cạnh tranh của nhà sản xuất. Từ cây kim, sợi chỉ, mỹ phẩm cho đến ô tô đều có chuyện nhập lậu. Hàng nhập lậu tràn về càng nhiều, càng cho thấy người tiêu dùng trong nước đang phải mua hàng hóa nội địa với mức giá cao mà chất lượng không tương xứng.
Như vậy, nếu không đẩy mạnh được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa thì việc chống buôn lậu ở biên giới chỉ là “múa tay trong bị”. Nước sẽ chảy về chỗ trũng, hàng nhập lậu cũng thế. Và chừng nào mà bản thân doanh nghiệp, hay rộng ra, cả một nền sản xuất, vẫn có nhiều hố lún sụp nội tại, thì chống buôn lậu sẽ luôn ở thế thua.
Vũ Thượng
Ưu tiên xử lý thuốc lá lậu
Tại tỉnh Tây Ninh vừa diễn ra buổi trao đổi công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát chống hàng hóa nhập lậu và gian lận thương mại trên địa bàn giáp ranh (được ký kết ngày 3-12-2010) giữa Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) Tây Ninh - Long An - TPHCM.
Theo đánh giá tại buổi họp trên, dù nỗ lực nhưng các lực lượng chức năng chưa ngăn chặn triệt để vấn nạn này, vì khi siết chặt nơi này, các đối tượng buôn lậu tìm cách tuồn hàng sang nơi khác. Hiện tại, những đầu nậu thuốc lá vẫn vận chuyển hàng qua các tuyến đường mà Báo SGGP đã đề cập trong loạt bài “Hàng lậu xuyên biên giới”.
Có thể kể thêm tuyến Rạch Tràm, nơi giáp ranh Tây Ninh- Long An; tuyến chùa Cây Dương; tuyến Tho Mo. Phương tiện vận chuyển hàng lậu vẫn là ghe, xuồng (khu vực biên giới huyện Trảng Bàng), xe gắn máy. Táo tợn hơn, các đối tượng còn dùng xe gắn máy núp theo sau xe tải, xe container (mỗi lần vận chuyển 150- 200 cây) để qua trạm kiểm soát. Có đối tượng bỏ thuốc lá trong bình xăng con xe gắn máy…
Ông Đỗ Thanh Hòa, Giám đốc Sở Công thương, Trưởng ban Chỉ đạo 127 tỉnh Tây Ninh, đề xuất, trước mắt tập trung truy quét thuốc lá lậu. Các cơ quan chức năng cần chú ý đặt chốt chặn lưu động, có sự phối hợp với lực lượng công an, dân phòng và khoanh vùng đối tượng, địa điểm để dễ tập trung xử lý, bắt gọn ổ. Sau khi dẹp yên được các đối tượng buôn thuốc lá lậu, sẽ dẹp yên những mặt hàng khác.
Ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, nhận định, TPHCM là “vùng trũng”, nơi dễ dàng tiếp nhận những mặt hàng không rõ nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ, những khi các tỉnh bạn buông lỏng quản lý địa bàn.
Thi Hồng