Theo Tổng Bí thư, đây là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây; làm rất kiên trì, quyết liệt, nhưng nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục!
Có thể khẳng định, những kết quả lớn trong công tác PCTN thời gian qua đã góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước; giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hàng loạt vụ việc tiêu cực, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp kéo dài, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội liên quan đến cán bộ lãnh đạo các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp cao đã được chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử công khai với những bản án nghiêm khắc; thu hồi nhiều tiền, tài sản về cho ngân sách nhà nước và công khai kết quả trước công luận đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ để phòng ngừa sai phạm.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm. Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 1.850 vụ án với 3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật và đề nghị cấp trên kỷ luật một loạt tập thể, cá nhân ở Hà Nội và TPHCM. Trong đó, có nhiều cá nhân từng là lãnh đạo của 2 thành phố lớn nhất cả nước và đều liên quan đến các vụ án lớn về kinh tế, đất đai, gây thất thoát lớn cho tài sản của Nhà nước trong một thời gian dài.
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cũng đã chỉ đạo tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong các vụ án, vụ việc xảy ra ở Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Dương và TPHCM. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Nhất là khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra chuyên đề diện rộng về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế. Đây được xem là vấn đề nhạy cảm, nổi cộm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, việc mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc điều trị, vaccine... luôn đòi hỏi cấp bách, ưu tiên hàng đầu, dễ bị lợi dụng hoặc diễn ra sai phạm. Một loạt bệnh viện, trung tâm y tế bị điều tra vì gian dối trong mua máy xét nghiệm Covid-19 mới đây là những ví dụ điển hình.
Bộ Chính trị hiện đang xem xét, để quyết định bổ sung nhiệm vụ, chức năng “phòng chống tiêu cực” cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Đây là vấn đề được đưa ra từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, khi được bổ sung, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN sẽ nghiên cứu xử lý tiêu cực trong cán bộ đảng viên, sau đó là tiêu cực liên quan đến 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Trọng tâm của “phòng chống tiêu cực” là đấu tranh với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Điều dễ thấy, chỉ khi cán bộ, đảng viên “suy thoái”, thì họ mới bắt đầu thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trên mọi hình thức. Chống các biểu hiện “suy thoái” chính là một biện pháp để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tốt công tác này, sẽ tiếp tục “sàng lọc” và “đào thải” những cán bộ, đảng viên không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước; góp phần hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.