Thời gian qua, phong trào kêu gọi “nói không” với rác thải nhựa, bao bì ni lông ở Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực, khi nhiều doanh nghiệp (DN) và cơ quan nhà nước cùng thực hiện. Tuy nhiên, để có những thay đổi mạnh mẽ, đã đến lúc phải có sự ràng buộc bằng các quy định của pháp luật, bên cạnh những khuyến khích tự nguyện hành động. Thay vì kêu gọi, chỉ có “luật hóa” kèm chế tài đủ sức răn đe mới là giải pháp hiệu quả nhất để chống rác thải nhựa hiện nay.
Sự kiện 9 DN lớn của Việt Nam chung tay thành lập Liên minh tái chế bao bì là minh chứng đậm nét cho quyết tâm chống rác thải nhựa, túi ni lông hiện nay. Đây là lần đầu tiên các DN có sự cạnh tranh trên thị trường, thậm chí là đối thủ của nhau, nhưng cùng ngồi lại hợp tác, nỗ lực với mục tiêu chung là cải thiện môi trường Việt Nam.
Liên minh này sẽ hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có. Theo đánh giá của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh tái chế bao bì Việt Nam ra đời chính là một giải pháp cụ thể để Việt Nam đối phó với các thách thức về môi trường và cũng là một hướng đi để kinh tế Việt Nam vươn lên.
Việt Nam càng thể hiện rõ nỗ lực, quyết tâm hơn việc chống rác thải nhựa, túi ni lông, khi Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh lĩnh vực này tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua. Trước đó, tại lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã kêu gọi các bộ, ban, ngành và từng gia đình, mỗi người dân tích cực hưởng ứng chống rác thải nhựa, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước cần tổ chức thực hiện ngay các hoạt động cụ thể chống rác thải nhựa, như không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong tổ chức các sự kiện của cơ quan, đơn vị và tiến tới không sử dụng các sản phẩm này trong các hoạt động thường nhật từ năm 2020; hạn chế sử dụng ngân sách để mua sắm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Để triển khai phong trào chống rác thải nhựa, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta không nên dừng lại ở việc hô hào, kêu gọi suông, mà cần phải có chế tài mạnh mang tính răn đe, cần phải được luật hóa mang tính quy định. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; đưa danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm nhựa tái chế, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường vào danh mục các dự án khuyến khích đầu tư xã hội hóa…
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; nghiên cứu cơ chế chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần trở thành các sản phẩm hữu ích; thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn…
Phong trào chống rác thải nhựa đã và đang được lan rộng trong toàn xã hội, từ Chính phủ đến các DN. Có thể nói rằng, phong trào chỉ thật sự hiệu quả khi nhận thức của mọi người được nâng cao, được sự đồng lòng, đồng thuận của toàn xã hội. Đối với mỗi người, chỉ cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như tiết giảm sử dụng nhựa, tìm sản phẩm khác thay thế, tăng cường tái sử dụng, tái chế.