Chống phá rừng bằng công nghệ

Kể từ ngày 31-12 tới, Quy định mới về phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) sẽ có hiệu lực. Theo đó, chỉ những sản phẩm có thể chứng minh rằng chúng không gây ra tình trạng phá rừng kể từ năm 2020 mới có thể được bán hoặc xuất khẩu từ châu Âu. Các công ty vi phạm có nguy cơ bị chặn khỏi thị trường EU và bị phạt tới 4% doanh thu hàng năm.

Trẻ em thu hoạch cà phê tại một đồn điền ở Nam Mỹ. Ảnh: REUTERS
Trẻ em thu hoạch cà phê tại một đồn điền ở Nam Mỹ. Ảnh: REUTERS

Phá rừng gây ra khoảng 15% tổng lượng khí thải nhà kính và nông nghiệp thúc đẩy 70%-80% nạn phá rừng. Hiện các công ty thực phẩm trong và ngoài EU đều phải nhờ tới các công cụ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI) để tuân thủ các điều khoản của quy định, bao gồm thu thập dữ liệu định vị địa lý của các trang trại, đánh giá rủi ro phá rừng trong chuỗi cung ứng và thực hiện các bước để giảm thiểu phá rừng.

Một trong số các công cụ mới là TRACT, nền tảng đo lường tính bền vững được ra mắt vào tháng 2 vừa qua, nhằm mục đích kể toàn bộ câu chuyện về hàng hóa, bắt đầu từ trang trại. TRACT có thể xác thực dữ liệu định vị địa lý; phân tích các trang trại để phát hiện tình trạng phá rừng và cung cấp số liệu về các hành động mà các công ty thực hiện để giảm rủi ro. Người dùng sẽ có thể tìm thấy luật liên quan của từng quốc gia sản xuất và hiểu rõ hơn về hàng hóa ở các quốc gia cụ thể, từ đó phát hiện ra hành vi không tuân thủ dễ dàng hơn.

Giám đốc điều hành của TRACT, bà Allison Kopf, cho biết các công ty đã cân nhắc trong một thời gian dài và thực hiện những thay đổi ở cấp độ trang trại: “Những phát triển trong tương lai về AI và dữ liệu vệ tinh sẽ giúp việc truy xuất nguồn gốc trở nên dễ dàng hơn”. Liên minh bảo vệ rừng Rainforest cũng đang điều chỉnh các công cụ của mình để hỗ trợ các công ty tuân thủ EUDR. Những người nông dân trồng cà phê và ca cao được chứng nhận sẽ có thể lựa chọn các tiêu chí cụ thể trong nền tảng của liên minh phù hợp với các yêu cầu của EUDR, cho phép liên minh lấy nguồn từ các trang trại tham gia, theo dõi các thành phần thông qua chuỗi cung ứng và tận dụng dữ liệu trang trại để phân tích.

Việc điều chỉnh chương trình chứng nhận theo các quy định mới bao gồm việc sử dụng dữ liệu cảm biến từ xa AI độc quyền, cùng với các nguồn dữ liệu công khai và chính phủ khác để lập bản đồ rủi ro phá rừng. Rainforest Alliance cũng sử dụng các kiểm toán viên độc lập, bên thứ ba để thực hiện xác minh tình trạng phá rừng. Liên minh này còn đang có kế hoạch cung cấp báo cáo dữ liệu cho các công ty sử dụng hệ thống mới của mình trong năm nay và đang thí điểm giải pháp đánh giá rủi ro phá rừng cho các công ty mua ca cao và cà phê không được chứng nhận.

Ngoài ra, còn có các công cụ mới nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư phân tích hành động của công ty liên quan phá rừng. Viện Môi trường Stockholm và Hiệp hội Động vật học London (ZSL) đã ra mắt Forest IQ, một nền tảng mở hứa hẹn cung cấp dữ liệu về cách hơn 2.000 công ty lớn đang giải quyết mối liên hệ với nạn phá rừng. Các số liệu cốt lõi là mức độ tiếp xúc với nạn phá rừng; tính trọng yếu (thước đo về tỷ lệ doanh thu của công ty phụ thuộc vào một mặt hàng cụ thể); và các hành động mà công ty thực hiện. Các số liệu này lần lượt dựa trên 45 chỉ số cơ bản.

Tin cùng chuyên mục