Đêm chậm chạp trôi. Chị nằm đó, say sưa ngắm nhìn cậu con trai đang lim dim ngủ. Tội nghiệp thằng bé, mới chút tuổi đầu đã không ít lần chứng kiến cảnh ba mẹ cãi nhau. Mà lần cãi nào cũng kết thúc bằng những tiếng vỡ toang của đồ đạc, những cái nhìn hằn học và vô số lời lẽ không hay đổ ập xuống đôi vai bé nhỏ đang run lên vì sợ hãi.
Dù đã không ít lần chị tự hứa với lòng không để con nhìn thấy những hình ảnh không hay của ba mẹ, nhưng cũng từng ấy lần chị chỉ biết ôm con vào lòng bật khóc. Cuộc sống ở nhà chồng vốn ngột ngạt, những lời lẽ trái khoáy của mẹ chồng, những buộc tội, vu khống đến “con giun xéo lắm cũng phải quằn” của bà cộng thêm bản tính nóng nảy, nhu nhược của chồng khiến mỗi ngày trôi qua đối với chị không khác gì địa ngục.
Ảnh minh họa
Mới đây nhất, mẹ chồng vô ý trượt chân kéo theo con chị té. Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu sau khi đứng lên, bà phụ chị đỡ thằng bé dậy, hỏi xem nó có bị chảy máu ở đâu không. Nhưng đáng tiếc là một người ngoài 60 tuổi đã không làm như vậy. Lời nói đầu tiên và cũng là duy nhất bà dành cho con chị gói gọn trong 5 chữ: “Bo làm bà nội té”. Mặc cho thằng bé liên tục khóc to vì hoảng sợ (cú té khiến cả hai bà cháu đập đầu vào thùng rác nhà đối diện), mặc cho vết xước trên tay nó bắt đầu rỉ máu, mặc cho tất cả những lo lắng, xót xa của một người mẹ, người mà nó vẫn quen gọi là “bà” chỉ chăm chăm xem mình có bị làm sao không, không mảy may quan tâm đứa cháu nhỏ chưa tròn 3 tuổi vừa vô tình bị mình đụng té.
Quá bức xúc trước thái độ lạnh lùng đó, và cũng vì xót con, chị quay sang nói với bà một câu: “Mẹ ơi, tay Bo đang chảy máu, mà không phải tại cháu làm bà té…”. Mới nói đến đó thôi chị đã bị mẹ chồng bật lại: “Ô hay, hai mẹ con cô hùa nhau ăn hiếp tôi à?”. Nói rồi bà tự mình chạy la khắp xóm: “Ối làng nước ơi, con dâu nó đánh mẹ chồng này”. Đến nước này thì sức chịu đựng của chị gần như vỡ tung. Mặt cắt không còn giọt máu, chị ôm đứa con trai bé nhỏ với cái tay chưa kịp sơ cứu vết thương gọi taxi chạy qua nhà mẹ đẻ. Chị vội nhắn cho chồng dòng tin: “Lúc nào rảnh anh gọi điện về nhà. Mẹ vừa lên cơn kỳ quặc. Em bồng con qua ngoại chơi mấy tiếng, chiều về”.
Sự việc ngỡ như sẽ khép lại, hoặc chí ít chị cũng không còn ở đó để cho người ta tiếp tục “mua vui”. Nhưng không, một lần nữa số phận lại trêu đùa chị. 15 phút sau khi nhắn tin cho chồng, chị nhận cuộc gọi lại từ anh: “Ai cho phép cô nhân lúc tôi không có ở nhà dám đánh mẹ tôi? Cô dựa vào đâu mà đổ thừa bà làm con té? Hàng xóm đang qua nhà mình nghe bà kể tội cô kia kìa. Biết điều thì tự bồng con đi, tự về nhé”. Tai chị ù đi, đất trời như sụp đổ.
Mặc những lời khuyên can từ mẹ đẻ, mặc ánh nhìn sợ hãi của con, chị chỉ biết quay người đi ôm mặt khóc nức nở. Đến nước này thì mọi uất ức, tủi phận khi sống ở nhà chồng từ đâu như cơn nước dữ tràn về. Nó xóa đi tất cả sự mềm yếu, nhẫn nhịn sống vì con bấy lâu nay trong lòng chị. Người ta có thể đặt điều, vu oan cho chị nhưng người ta không có quyền cướp đi danh dự, lòng tự trọng của một người mẹ trong lòng con trai chị. Rồi đây hàng xóm sẽ nhìn vào con chị như thế nào, sẽ to nhỏ điều gì sau lưng nó? Cu Bo sẽ mỗi ngày khôn lớn, con sẽ nhận thức thế nào về gia đình bên nội khi chính đôi mắt ngây thơ, hồn nhiên đó chứng kiến mỗi ngày những việc người ta cố tình gây ra để làm khó hai mẹ con chị?
Linh cảm của một người mẹ, người vợ mách bảo rằng chỉ tối nay, hoặc sáng mai thôi, chồng chị sẽ qua nhà ngoại xin lỗi, năn nỉ hai mẹ con trở về. Vì đã không ít lần qua “cơn nóng”, anh xử sự như thế và cầu mong chị tha thứ. Nhưng vấn đề từ lâu đã không còn là giữa anh và chị. Bởi đứng trước những hành động kỳ quặc của mẹ, anh vẫn chưa dám một lần góp ý, thậm chí nhẹ nhàng giải thích cho bà hiểu. Để rồi sau mỗi cơn bão qua đi, chị trở về sống trong ngôi nhà đó với tâm trạng lo sợ ngày nào đó, một cơn bão khác sẽ đến. Hôm nay mẹ chồng nói chị đánh bà, ngày mai, ngày kia thôi chuyện gì sẽ đến thật tình chị không dám nghĩ nữa.
Cu Bo là tất cả tài sản đối với cuộc đời chị, và chị không muốn ai, dù là những người thân yêu nhất cướp đi bất cứ điều gì nguyên vẹn trong lòng bé. Nhưng chị phải làm sao đây giữa một bên là khao khát cho con có một mái ấm gia đình tròn vẹn, một bên là sự chịu đựng, tổn hại cả thể chất lẫn tâm hồn cho con và cho chính người mẹ có một trái tim “không bình thường” như chị? Nhỡ đâu đến một ngày, khi những vết thương đã trở nên không thể nào chữa trị, khi những chịu đựng, giày vò đã đi quá giới hạn của nó, con trai chị sẽ trở thành đứa trẻ mồ côi. Và mẹ nó, dẫu khuất ở một nơi xa xăm nào đó cũng không thể nào thanh thản.
Chị phải làm sao đây khi cuộc đời còn rất dài và những hy vọng trước mắt vẫn mỗi ngày thăm thẳm xa…
TÂM NGUYỄN (TPHCM)