Các bản tin cảnh báo sau đó được chuyển tiếp đến các cơ quan chức năng để triển khai biện pháp ứng phó, xử lý hoặc chuyển đến người dân để điều chuyển hướng đi sao cho an toàn nhất trong điều kiện thời tiết xấu. Đây là giải pháp mới trong quản lý giao thông đô thị được thử nghiệm tại Việt Nam, thông qua dự án Smart Saigon của Viện Khoa học và công nghệ tính toán (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM).
Khai thác thông tin cộng đồng
Theo TS Đoàn Xuân Huy Minh, Chủ nhiệm dự án Smart Saigon, mạng xã hội đang phổ biến và khá gần gũi với người dân. Hàng ngày, hàng giờ người dân “gõ phím” chia sẻ tình trạng kẹt xe hay ngập nước gặp phải khi di chuyển trên đường, song những thông tin đó chỉ được người thân hay bạn bè trên mạng xã hội nhìn thấy. Chưa có đơn vị nào tiến hành sàng lọc, tổng hợp hay thu thập để cảnh báo đến nhiều người dân khác. Với lợi thế ứng dụng công nghệ tính toán hiệu năng cao, từ cuối năm 2016, ý tưởng thực hiện dự án dần được hình thành bởi các chuyên gia của Viện Khoa học và công nghệ tính toán.
Trong giai đoạn đầu, Smart Saigon đặt mục tiêu giải quyết 2 vấn đề cấp bách của TPHCM là ngập nước và kẹt xe. Hai mạng xã hội được lựa chọn để thử nghiệm là Twitter và Facebook.
Theo đó, khi người dân dùng ứng dụng nhắn tin của mạng xã hội Facebook (Facebook Messenger) để gửi tin báo đến địa chỉ @smartsaigon, hệ thống trả lời tự động (chat bot) sẽ đưa ra các lựa chọn “Thông báo ngập lụt” và “Thông báo kẹt xe”. Ở mỗi lựa chọn, chat bot hướng dẫn tận tình, dễ hiểu nhất để người dùng tương tác. Hệ thống cũng yêu cầu người báo tin phải chia sẻ vị trí, đề nghị gửi kèm hình ảnh hoặc video.
Các công cụ tính toán trên máy tính sẽ cập nhật tức thời những cảnh báo của người dân và hiển thị trên các trang bản đồ trực tuyến như Google maps, Vietbando (maps.vietbando.com) tại website http://smartsaigon.info.
“Để kiểm chứng các tin báo, hệ thống hướng tới kết hợp phân tích hình ảnh trích xuất từ camera giao thông, tổng hợp thông tin từ kênh radio VOV giao thông và nhiều nguồn khác về tình trạng ngập đường hoặc kẹt xe tại tọa độ được báo cáo. Hiện dự án đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên để tăng độ chính xác cho các cảnh báo”, TS Đoàn Xuân Huy Minh lý giải.
Đối với những người có ý định tham gia giao thông trong điều kiện mưa to hoặc thời điểm có khả năng gây ngập (như triều cường), việc kiểm tra tình hình giao thông tại website http://smartsaigon.info trước khi ra khỏi nhà có thể giúp họ chủ động tìm đường đi phù hợp nhất. Với khả năng tích hợp vào các hệ bản đồ phổ biến hiện nay, Smart Saigon cũng giúp những người sử dụng các thiết bị, chương trình định vị trên ô tô biết khu vực đã được cảnh báo để giảm thiểu các gián đoạn do ngập đường hoặc ùn tắc giao thông.
Mở rộng kênh tiếp nhận
Theo anh Nguyễn Minh Tâm, điều phối dự án, Smart Saigon được thực hiện từ cuối năm 2016. Sau khi hoàn tất giai đoạn 1 - nhận tin báo ngập qua mạng xã hội Twitter, từ đầu tháng 7-2017, các thành viên của dự án Smart Saigon đã công bố thành quả của giai đoạn 2 - nhận tin báo qua tin nhắn Facebook (Facebook Messenger). Qua ứng dụng nhắn tin phổ biến này, trong hơn 3 tháng qua, hệ thống đã tiếp nhận trên 3.200 tin báo từ người dân. Riêng trong tháng 7 - đỉnh điểm của mùa mưa ở TPHCM, các ngày mưa lớn đều có từ 15-20 tin báo ngập gửi về hệ thống.
GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TPHCM, kiêm Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ tính toán, cho biết: “TPHCM đang phải đối mặt với các đe dọa nghiêm trọng từ tình trạng ngập lụt ngày càng gia tăng cả về mức độ lẫn tần suất. Cùng với nhiều dự án chống ngập đô thị lẫn giải pháp cho vấn nạn kẹt xe đã được đề xuất và triển khai tại TPHCM, việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý, nếu được tương tác một cách hợp lý với thông tin từ mạng xã hội, cũng cho thấy tiềm năng rất lớn trong hoạt động quản lý đô thị”.
Cũng theo GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, trong tương lai, hệ thống có thể mở rộng thêm các kênh tiếp nhận (như qua ứng dụng nhắn tin miễn phí Zalo) để tạo sự tiện lợi cho người dân báo tin. Cùng với đó, hệ thống tiến tới bước nữa là cung cấp ngược lại các tin báo ngập lụt, kẹt xe cho các cơ quan quản lý (như Sở GTVT, Phòng CSGT) hoặc các cơ quan truyền thông để thông báo kịp thời cho người tham gia giao thông cũng như giúp người dân trong khu vực bảo vệ nhà cửa, tài sản.