Kênh, rạch tắc nghẽn
Nhiều tuyến sông, kênh rạch của TPHCM đang từng ngày bị lấn chiếm, bồi lắng bởi bùn đất, rác thải. Tuy nhiên, việc nạo vét khơi thông lại chưa được cơ quan chức năng quan tâm đầu tư đúng mức, khiến dòng chảy bị tắc nghẽn, ảnh hưởng nghiêm trọng việc tiêu thoát nước của TP.
Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng như nhiều tuyến đường xung quanh được đầu tư hệ thống cống thoát nước khá hoàn chỉnh. Thế nhưng, cứ mưa lớn kéo dài khoảng 20 phút là nước dưới cống lại trào ngược lên các nắp hố ga. Lượng nước trào ngược này, nhiều lúc đã gây ngập sâu đến 20cm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của sân bay. Không chỉ thế, hàng loạt tuyến đường ở khu vực quận Tân Bình cũng bị ngập. Giao thông ở đây nhiều lúc đã bị rối loạn do ngập. Khu vực này có 3 hướng thoát nước chính, gồm kênh Hy Vọng, mương Nhật Bản và mương A41. Tuy nhiên, cả ba tuyến này bị người dân lấn chiếm, làm tắc dòng chảy. Trong đó, tuyến mương A41 là tuyến thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất bị lấn chiếm nhiều nhất. Tuyến mương A41 dài hơn 2km, trước đây rộng từ 2 - 4m nhưng bị người dân lấn chiếm khiến nhiều đoạn chỉ còn khoảng một bước chân, thậm chí có nơi lấp kín để làm lối đi, bên dưới chỉ đặt một cống rất nhỏ.
Tương tự, rạch Xuyên Tâm dài khoảng 8,2km, bắt nguồn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khu vực quận Bình Thạnh kéo dài đến sông Vàm Thuật quận Gò Vấp. Đây là trục thoát nước chính của nhiều khu dân cư của hai quận này nhưng cũng đã bị người dân sinh sống xung quanh lấn chiếm. Chưa hết, lòng kênh còn bị bồi lắng bởi bùn đất, rác thải khiến dòng chảy bị tắc nghẽn. Đã gần 14 năm kể từ lần đầu tiên Sở Giao thông Vận tải TP đề xuất cải tạo dự án rạch Xuyên Tâm tuyến chính dài 6,21km từ kênh Nhiêu Lộc đến sông Vàm Thuật và 3 tuyến nhánh dài 1,94km, gồm nhánh cầu Sơn, Bình Triệu, Bình Lợi nhưng đến nay dự án vẫn còn nằm trên giấy. Hậu quả, người dân sinh sống dọc theo tuyến rạch này phải sống chung với ngập úng suốt cả chục năm qua. Ngoài ra, trên địa bàn quận Bình Thạnh còn hàng loạt tuyến rạch cũng chung cảnh ngộ như rạch Xuyên Tâm, đó là rạch Bùi Hiếu Nghĩa. Con rạch này không chỉ tiếp nhận nguồn nước thải sinh hoạt của người dân phường 1, quận Bình Thạnh và một phần từ chợ Bà Chiểu (tại khu vực cống xả Diên Hồng) mà còn là nơi thoát nước mỗi khi có mưa lớn. Rạch Bùi Hiếu Nghĩa bắt đầu từ cống xả Diên Hồng (chợ Bà Chiểu) và kết thúc tại cầu Bùi Hữu Nghĩa (thuộc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) có chiều dài 554m. Trước đây lòng rạch rộng khoảng 4 - 6m. Suốt nhiều năm qua, hai bên bờ rạch đã bị người dân lấn chiếm, nay chỉ còn rộng hơn 2m khiến dòng chảy bị thu hẹp. Mỗi khi mưa lớn, nước thoát không kịp đã gây ngập cho cả khu vực.
Theo Trung tâm chống ngập (TTCN), trên địa bàn quận Bình Thạnh có hơn 10 tuyến kênh rạch và hàng loạt cửa xả bị lấn chiếm khiến hệ thống thoát nước không phát huy hết tác dụng. Hàng loạt cửa xả trên kênh Đồng Tiến (phường Tân Hưng Thuận), rạch Út Bon (phường Thới An), rạch cầu Suối (phường Đông Hưng Thuận), rạch Gia Định (phường Trung Mỹ Tây, Tân Chánh Hiệp) thuộc quận 12 cũng bị lấn chiếm gây tắc nghẽn dòng chảy. Theo UBND quận 8, quận có 31 vị trí cửa xả và nhiều tuyến kênh bị lấn chiếm; đơn cử như các rạch Bà Lựu, Ruột Ngựa, Bà Dơi, Bồ Đề, Su bị nhà dân lấn chiếm và xả rác thải.
Nhiều tuyến đường ở quận 9 bị ngập sâu sau cơn mưa chiều 20-5
Tổng lực cứu rạch
Trước thực trạng kênh rạch bị lấn chiếm gây tắc nghẽn dòng chảy khiến tình trạng ngập nước trên địa bàn TP ngày càng trầm trọng, cuối năm 2016, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã lập các đoàn công tác kiểm tra thực địa ở hầu hết các quận, huyện để xử lý dứt điểm tình trạng này.
Nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ngập khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu quận Tân Bình và TTCN phối hợp với các sở ngành khẩn trương triển khai dự án nạo vét kênh A41. Hiện UBND quận Tân Bình chờ UBND TP phê duyệt kế hoạch sử dụng đất để quận có cơ sở cắm mốc ranh giới dự án. Quận cũng đang khảo sát nhà dân để có giải pháp bồi thường, thuê tư vấn xác định các bước tiếp theo để lập dự án nạo vét kênh A41. Quận Tân Bình cho biết, nếu được triển khai trong năm 2017, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2019. Đối với kênh Đồng Tiến quận 12, UBND TP cũng chấp thuận lập dự án để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập ở khu vực phường Tân Thới Hiệp, Tân Hưng Thuận, QL1A.
Về rạch Xuyên Tâm, trong thời gian chờ dự án triển khai, đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu TTCN thường xuyên duy tu nạo vét, khơi thông dòng chảy rạch Xuyên Tâm. Quận Bình Thạnh có biện pháp ngăn chặn tình trạng người dân xả rác và lấn chiếm kênh. Về lâu dài, giải pháp căn cơ là phải giải tỏa nhà lấn chiếm, trả lại hiện trạng ban đầu của kênh rạch; yêu cầu các sở ngành xem lại tiến độ và hối thúc chủ đầu tư triển khai nhanh dự án, nếu thấy không khả thi báo cáo UBND TP có hướng xử lý.
Sở Giao thông Vận tải TP cho biết, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm sắp hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi (do Công ty CP Hà Nội Ngàn Năm thực hiện) để trình UBND TP thẩm định, phê duyệt. Theo báo cáo tóm tắt dự thảo phương án nghiên cứu khả thi, đường ven hai bên kênh sẽ được mở rộng 4 - 6 làn xe (dự kiến một bên 4 làn, một bên 6 làn với chiều rộng 23,1 - 26,6m). Rạch sẽ để hở toàn tuyến với mặt cắt khoảng 10 - 25m. Với tổng mức đầu tư dự tính khoảng 5.272 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1.100 tỷ đồng. Dự án được thực hiện thông qua hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Nhà đầu tư sẽ thu hồi số tiền đầu tư bằng việc khai thác quỹ đất ven đường để xây chung cư, văn phòng…
Nhiều chuyên gia về thoát nước cho rằng tình trạng lấn chiếm kênh rạch, cống thoát nước đang là tình hình chung tại nhiều quận, huyện. Vì vậy, TP cần quyết tâm giải tỏa và nạo vét kênh rạch mới mong giảm tình trạng ngập nước.