Giảm ngập nước là một trong 7 chương trình đột phá của TPHCM, gồm 5 nhóm giải pháp: Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch; Giải quyết tình trạng ngăn dòng chảy; Xây dựng các công trình chống ngập; Ứng dụng khoa học - công nghệ; Vận động nhân dân, giám sát cộng đồng. Việc thực hiện nhóm giải pháp này đòi hỏi kinh phí rất lớn và thời gian thực hiện kéo dài. Vì vậy, nhằm giải quyết cấp bách những khu vực thường xuyên bị ngập, TPHCM đang khẩn trương xây dựng các hồ điều tiết ngầm.
Giảm ngập nhờ hồ thông minh
Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm Chống ngập) cho biết, tháng 8-2017, Công ty Sekisui (Nhật Bản) và Công ty VMC Group đã thi công lắp đặt hồ điều tiết ngầm thông minh chống ngập nước trên đường Võ Văn Ngân (trước cổng Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Thủ Đức) với quy mô 109m3, bằng công nghệ lắp đặt các mô đun cross-wave.
Hồ tích tụ và điều tiết nước tại một khu dân cư quận 2, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Sau một thời gian vận hành, giải pháp này đã phát huy hiệu quả khi mưa lớn. Ưu điểm của hồ điều tiết này là tận dụng 95% lượng nước trong hồ để sử dụng tưới cây xanh và phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, bổ sung lượng nước ngầm trong lòng đất, giúp chống lún cho khu vực.
Tiếp nối mô hình chống ngập này, UBND TPHCM chỉ đạo các quận - huyện nghiên cứu kinh phí và lộ trình đầu tư xây dựng các hồ điều tiết giảm ngập.
UBND quận 12 đã phối hợp với Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM (WACC) và Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCtech ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực đường Nguyễn Văn Quá, đường Song Hành và quốc lộ 22.
Các báo cáo nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân chính làm khu vực trên bị ngập nghiêm trọng thời gian qua là do hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, kết nối các cửa xả vào kênh Tham Lương chưa hoàn chỉnh.
Ngoài ra, dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên chưa hoàn thành nên chưa kiểm soát được mực nước trong kênh và hạn chế khả năng tiêu thoát nước của khu vực.
Kết hợp nhiều giải pháp
Trong thời gian chờ thi công hoàn chỉnh và đồng bộ các dự án thoát nước ở khu vực này, WACC và Công ty VMCtech đề xuất các giải pháp cấp bách có thể áp dụng là xây dựng trạm bơm kết hợp với hồ điều tiết ngầm (do khu vực có mật độ đô thị hóa cao).
Việc đầu tư xây dựng các hồ điều tiết không những giúp giải quyết tình trạng ngập lụt cục bộ hiện nay, mà còn ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu và đô thị hóa quá mức trong tương lai.
Xây dựng hồ điều tiết ngầm giảm ngập tại quận Thủ Đức, TPHCM
Giải pháp hồ điều tiết theo công nghệ coss-wave có tính mềm dẻo và linh hoạt cao, có thể thay đổi quy mô dung tích hồ cũng như tái sử dụng cho các khu vực khác khi cần thiết.
Cụ thể, lắp đặt 2 trạm bơm tại cửa xả rạch cầu Suối và rạch Cây Liêm (17 tỷ đồng); xây dựng hồ điều tiết tại sân bóng đá Cây Sộp và 2 hồ điều tiết tại khu vực có địa hình cao là Trường Tiểu học Bàu Nai và Công viên An Sương (khoảng 175 tỷ đồng).
Theo Trung tâm Chống ngập, việc xây dựng các hồ điều tiết ngầm ở vùng cao là tạm trữ nước mưa tại chỗ, giảm lượng nước chảy tràn về những vùng trũng thấp, góp phần giảm ngập cho khu vực đó.
Do vậy, Trung tâm Chống ngập đề nghị TP xem xét, chấp thuận cho UBND quận 12 triển khai thực hiện. Đối với đề xuất lắp đặt các trạm bơm chống ngập, Trung tâm Chống ngập đề nghị phải xác định rõ mục tiêu của việc lắp đặt bơm phục vụ chống ngập do mưa hay do triều cường, để có phương án đầu tư phù hợp.
UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Trung tâm Chống ngập và các sở, ngành liên quan xem xét, tham mưu, đề xuất UBND TP giải quyết theo đúng quy định.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia chống ngập, ngoài những phương án trên thì cần có thêm các giải pháp bổ sung, góp phần hỗ trợ hệ thống thoát nước trên địa bàn TP, đặc biệt là những tuyến đường đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, trong đó có hệ thống thoát nước, nhưng do diễn biến thời tiết phức tạp nên tình trạng ngập nước vẫn tái diễn.