Để giải quyết tình trạng ngập úng do triều cường và mưa lũ ở TPHCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) đã trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM bằng giải pháp công trình đê biển Vũng Tàu - Gò Công.
Mục tiêu chống ngập
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang làm gia tăng khả năng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, ngập úng, thoát lũ ở vùng Đồng Tháp Mười cũng như TPHCM. Mưa cực đoan trên lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn và khu vực TPHCM, kết hợp triều cường, nước biển dâng sẽ ngày càng gây sức ép đến hệ thống tiêu thoát nước, làm gia tăng tình trạng ngập tại TPHCM trong thời gian tới. Sự gia tăng mực nước tại Trạm Phú An xảy ra liên tục từ năm 2005 trở lại đây, xem như mối đe dọa đến diễn biến ngập nặng ở TPHCM.
TS Trần Bá Hoằng, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho biết TPHCM nằm ở hạ nguồn các sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai, có địa hình thấp trũng với hơn 60% diện tích cao trình thấp dưới 2m nên TPHCM chịu ảnh hưởng sâu sắc của dòng chảy trên sông và thủy triều biển Đông với các vấn đề nổi cộm là ngập úng do lũ và triều cường gây ra. Những năm gần đây, sự phát triển đô thị nhanh chóng trong khi công tác quản lý và quy hoạch chưa tốt đã dẫn đến những hệ lụy như làm giảm không gian chứa nước, hạn chế khả năng chuyển tải nước của hệ thống kênh rạch, cùng với hiện tượng sụt lún đất nền với tốc độ cao (khoảng 1,5 - 2cm/năm). Hệ quả là tình trạng ngập úng ở TPHCM ngày một trầm trọng.
Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp giải quyết triệt để vấn đề ngập úng do tổ hợp tác động của lũ thượng nguồn, mưa lớn và triều cường cho TPHCM, Bộ NN - PTNT đã đề xuất ý tưởng dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công, với các thành phần chính gồm tuyến đê chính dài 28km, rộng 25m, chiều sâu nước trung bình 6,5m, nối Gò Công đến cách TP Vũng Tàu 5km, sau đó nối với huyện Cần Giờ bằng tuyến đê phụ dài 13km; các cửa thoát nước và âu thuyền trên đê; cống Lòng Tàu; các đập ngăn cửa sông Đồng Tranh và sông Soài Rạp.
Quy mô cống tuyến đê được tính toán với các quy mô bề rộng từ 600 - 2.000m. Các âu thuyền sau đó kết nối với TP Vũng Tàu bằng cầu giao thông rộng 22,4m và dưới cầu tàu bè các loại đi lại bình thường. Dự án này được đề xuất dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể về thủy lợi của vùng, khả năng về kỹ thuật, công nghệ hiện nay của Việt Nam và thế giới cũng như dựa trên thực tế công trình đê biển đã có ở các nước như Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tổng vốn đầu tư cho dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công là 74.000 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn.
Mục tiêu chính của dự án là chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng TPHCM, trước mắt và lâu dài (khi mực nước biển dâng thêm 75 - 100cm). Dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công là giải pháp tổng thể để giải quyết triệt để vấn đề ngập úng do tổ hợp tác động của lũ thượng nguồn, mưa lớn và triều cường, chống xâm nhập mặn; đồng thời cũng là công trình chống nước biển dâng, chống biến đổi khí hậu ở thế chủ động cho khoảng 1 triệu ha đất. Ngoài ra còn tạo quỹ đất 43.000ha và tạo động lực phát triển vùng. Dự án không chỉ là dự án thủy lợi thuần túy mà còn là dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.
Đa lợi ích
Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ ra rằng, tuyến đê Vũng Tàu - Gò Công ngoài mục đích chính chống ngập, thoát lũ, xâm nhập mặn còn có nhiều lợi ích khác rất thiết thực đối với sự phát triển của TPHCM hiện nay.
Cụ thể, theo GS-TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, trong trường hợp nước biển dâng cao từ nay đến năm 2100 (dâng 75cm), khả năng phòng chống ngập cho toàn bộ hệ thống sông ngòi, kênh rạch hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn khi có hệ thống công trình và đê biển Vũng Tàu - Gò Công hầu hết đảm bảo. Với kết quả đã tính toán được, hệ thống công trình đê và cống Vũng Tàu - Gò Công chứng minh được khả năng chống ngập hiệu quả, bên cạnh đó cũng giải quyết được bài toán về bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ nhờ để hở đoạn vịnh Gành Rái nên sự trao đổi giữa nước ngọt và nước mặn khu vực Cần Giờ diễn ra tự nhiên. Xét về mặt môi trường, các tác động tiêu cực của dự án thấp hơn so với tác động của các phương án thay thế và có thể giảm thiểu được các tác động xấu; đồng thời tác động môi trường có xu thế tốt hơn như khả năng tiêu thoát nhanh, tăng thêm nguồn nước ngọt dự trữ, tạo được khu sinh thái mới cho vùng.
Trong khi đó, TS Nguyễn Bá Ân, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cũng chỉ ra rằng, một khi xây dựng công trình kiểm soát triều và lũ thì khả năng thiệt hại sẽ giảm đáng kể. Khi tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công được xây dựng, kết quả ước tính thiệt hại giảm nhiều nhất so với các kịch bản khác. Do gần như không cần giải phóng mặt bằng, mặt bằng thi công rộng, hạng mục công trình ít nên có thể rút ngắn thời gian thi công. Thời gian xây dựng đê có thể thực hiện từ 2 - 3 năm, thời gian xây dựng cống có thể thực hiện từ 3 - 4 năm. Do bỏ ngỏ khu vực sông Lòng Tàu nên việc giao thông thủy gần như không bị ảnh hưởng trong khoảng 70 năm tới. Giao thông thủy trong khu vực TPHCM và từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây rất thuận lợi, không phải qua nhiều âu thuyền ở các hệ thống sông và kênh. Công trình cũng không ảnh hưởng đến rừng Cần Giờ, không ảnh hưởng đến giao thông vào cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Trong 70 năm tới cũng không ảnh hưởng đến giao thông thủy vào TPHCM. Tuy công trình có tác động tới sinh kế của một số người dân nuôi nghêu, sò ở cửa sông và bên ngoài vùng rừng Cần Giờ, nhưng có thể khắc phục được thông qua tính toán đầy đủ chi phí thiệt hại đến nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi sang làm du lịch, dịch vụ.
Bên cạnh đó, dự án tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công góp phần tạo thêm quỹ đất cho TPHCM, tạo động lực lớn hình thành và phát triển các khu đô thị mới dọc theo các con sông và bờ biển, tạo chuỗi đô thị biển và hành lang công nghiệp mới cho vùng. Mặt khác, khi có đê biển Vũng Tàu - Gò Công, giảm được việc xây dựng tuyến đê biển từ TPHCM đến Gò Công trong chương trình đê biển của Chính phủ và tiết kiệm được khoảng 20.000 tỷ đồng cho TPHCM.