SIM rác vẫn tràn lan
Mặc dù Bộ TT-TT và các nhà mạng đã siết chặt quản lý thuê bao di động trả trước, nghiêm cấm hành vi bán SIM đã kích hoạt sẵn (SIM rác) nhưng thực tế tại nhiều địa phương, trong đó có TPHCM, việc mua bán SIM rác vẫn diễn ra công khai.
Khảo sát tại nhiều cửa hàng điện thoại di động, cửa hàng mua bán SIM số trên địa bàn TPHCM, chỉ cần từ 70.000 đồng đến 200.000 đồng là có thể mua được SIM điện thoại đã kích hoạt sẵn mà không cần cung cấp bất cứ giấy tờ tùy thân nào.
Tại một cửa hàng điện thoại trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, khi PV hỏi mua SIM, người bán trưng ra danh sách cả trăm số điện thoại thuộc các nhà mạng lớn như VinaPhone, MobiFone và Viettel cho chọn, đa số các SIM đã được kích hoạt sẵn.
Cụ thể, SIM VinaPhone với mức giá 160.000 đồng, gọi và sử dụng 4G data miễn phí 1 tháng; SIM Vietnamobile giá chỉ 70.000 đồng, nghe gọi miễn phí, có 10G data/ngày, sử dụng miễn phí trong vòng 1 tháng; SIM Vietel giá 150.000 đồng, nghe gọi miễn phí và truy cập internet tốc độ cao miễn phí trong vòng 1 tháng…
“SIM đã được kích hoạt sẵn, lắp vào máy là dùng, không cần giấy tờ tùy thân để đăng ký. Còn nếu em có nhu cầu sang tên thuê bao để dùng lâu dài thì nên đến các đại lý chính thức của nhà mạng để làm thủ tục chuyển đổi”, chủ cửa hàng này tư vấn.
Còn theo ông Thanh Quân, một chủ cửa hàng mua bán SIM số trên đường Ba Tháng Hai, quận 10, giá SIM rác phụ thuộc vào đầu số và mức độ khuyến mãi của nhà mạng. Hiện của hàng của ông bán SIM Viettel là 160.000 đồng, VinaPhone là 120.000 đồng, MobiFone là 170.000 đồng… và cũng chỉ cần gắn vào điện thoại thì nghe gọi được ngay.
Tương tự, tại một số cửa hàng mua bán SIM ở quận Tân Bình, quận 3, quận Bình Thạnh…, tình trạng mua bán SIM rác vẫn tràn lan và công khai. Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán SIM rác trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử cũng không kém phần sôi động, thậm chí SIM rác lại được tiếp thị đến người dùng thông qua tin nhắn rác.
Trách nhiệm rõ hơn khi chuẩn hóa thông tin thuê bao
Theo ông Vũ Minh Hiếu, Trưởng phòng An ninh mạng - Tập đoàn BKAV: “Với các hình thức lừa đảo qua mạng hiện nay, trong đó SIM rác kết hợp với các ứng dụng như Viber, Zalo hay Messenger… gọi chung là ứng dụng OTT, thì kẻ xấu có thể đăng tải các hình ảnh hay thông tin giả mạo lên các ứng dụng này để tạo niềm tin đối với nạn nhân. Vì thế, nói SIM rác là “nền tảng” để giúp kẻ xấu thực hiện các cuộc tấn công lừa đảo qua mạng xã hội cũng không sai”.
Theo ông Hiếu, cũng cần lưu ý đến số điện thoại ảo. Đây là số điện thoại không được gắn với một vị trí hoặc thiết bị vật lý nào và thường dùng để giúp việc liên lạc giữa các thiết bị khác nhau một cách dễ dàng, như máy tính, điện thoại. Vì sự thuận tiện của số ảo và khó khăn trong việc quản lý từ đó bị các đối tượng xấu thực hiện lợi dụng. Hiện tại có nhiều trang web cung cấp các số điện thoại ảo để thực hiện đăng ký và nhận mã OTP kích hoạt các ứng dụng OTT với một vài thao tác vô cùng đơn giản, có thể dùng các ứng dụng OTT này thực hiện hành vi không tốt.
“Sau ngày 31-3 hàng loạt thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa, nên người dân cần hết sức cảnh giác, chú ý nguy cơ lừa đảo “khóa thuê bao” để dẫn dụ vào các vụ lừa đảo khác”, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam NSC, cảnh báo.
Dễ dàng mua SIM kích hoạt sẵn tại các cửa hàng. Ảnh: BÙI TUẤN |
Về vấn đề xử lý SIM rác, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), cho biết, không thể cấm một người sở hữu nhiều SIM, vì có cá nhân, tổ chức cần nhiều số điện thoại phục vụ việc kinh doanh, chăm sóc khách hàng, hay sử dụng cho các thiết bị IoT. Để hạn chế việc SIM bị sử dụng cho mục đích xấu, luật quy định các cá nhân khi muốn đăng ký từ SIM thứ tư trở lên, hoặc doanh nghiệp khi cần SIM số lượng lớn, phải thực hiện hợp đồng theo mẫu với nhà cung cấp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của ngành viễn thông là chỉ đạo các doanh nghiệp di động xử lý triệt để tình trạng SIM có thông tin không đúng quy định, SIM không chính chủ, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về rủi ro khi sử dụng SIM rác.
Chuẩn hóa thông tin người dùng di động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là một giải pháp để môi trường mạng trong lành hơn.
Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết: Sau ngày 31-3, thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa một chiều. Hiện nay, Cục Viễn thông cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động rà soát, đối chiếu, triển khai các giải pháp xác thực thông tin của các thuê bao đã có đầy đủ giấy tờ và đăng ký thông tin đúng quy định để đảm bảo thông tin thuê bao chính xác, trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.