Chồng kỹ tính

Trong gia đình, người chồng thường bị gán cho là bê bối, không ngăn nắp, còn người vợ thì kỹ càng. Vì vậy, khi người chồng bị vợ rầy rà vì cẩu thả, hay bừa bộn mà không chịu dọn dẹp, đa số chỉ cười xòa chấp nhận. Thế nhưng, khi người kỹ tính lại là ông chồng, mâu thuẫn gia đình lại dễ nảy sinh.

Ba - con cùng chơi. Ảnh: THU HƯỜNG
Ba - con cùng chơi. Ảnh: THU HƯỜNG

1. Hải và Hà (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) yêu nhau một thời gian khá lâu trước khi quyết định về chung một mái nhà. Cả hai đẹp đôi và luôn bên nhau mọi lúc, mọi nơi, đến nỗi bạn bè họ đùa rằng chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôi này. Thế nhưng, sau hai năm chung sống, giờ Hà tỏ vẻ ngán ngẩm. Cuộc hôn nhân của họ trên bờ vực đổ vỡ.

Hà cho biết, chuyện mâu thuẫn đã manh nha từ ngay sau tuần trăng mật. Sống chung mới biết tính cách của họ không giống nhau. Hải là một người kỹ tính, lúc nào cũng phải chỉn chu mọi việc. Trước đây, mỗi khi gặp nhau ở quán cà phê hay ghế đá công viên, anh đều nhìn quanh dưới chân xem có dơ bẩn gì không, sau đó dùng khăn giấy luôn mang theo, lau chùi sạch sẽ trước khi hai người ngồi. Xe của anh đi lúc nào cũng bóng lộn, y phục luôn chỉnh tề, lịch lãm. Đến cả tiền trong ví, anh cũng sắp xếp gọn gàng đâu ra đó, chia ra mỗi ngăn một loại tiền. Mua cái gì, khi lấy tiền trả lại, anh đều đếm đi đếm lại kỹ lưỡng.

Lúc đó, Hà không cảm thấy khó chịu mà còn tự hào mình có một người yêu không bê bối như những thanh niên khác. Thế nhưng, khi về chung một mái nhà, chị mới thấy, cái gì thái quá cũng không tốt, trong đó có sự kỹ tính của chồng. Quần áo anh mặc lúc nào cũng phải ủi thẳng tưng. Giường ngủ của vợ chồng chăn gối phải ngăn nắp, drap trải phẳng phiu. Những vật dụng trong nhà từ tivi cho đến tủ bàn ghế đều sạch sẽ đến bóng lộn. Sự kỹ tính đã biến anh trở thành một người ích kỷ, không ai mượn được đồ đạc, kể cả anh em ruột.

Khi mới cưới, có lần đứa em trai của Hà mượn chiếc xe của anh đi công việc một chút, lúc về lỡ lấm bùn vì trời mưa, anh vội vã lấy nước và giẻ lau ra cọ rửa, trước sự ngỡ ngàng của Hà và cậu em vợ. Mỗi lần có khách đến nhà chơi, lỡ mang cả giày vào, anh lẳng lặng lấy chổi ra quét, bất chấp sự ngượng ngùng của khách. Anh không hề tế nhị trong cách xử sự, lúc nào cũng tự cho mình là đúng. Hà có góp ý thì anh gạt phăng, cho rằng mình không cần giao thiệp với người cẩu thả.

Hà thì có cách sống phóng khoáng, thoải mái. Mấy lần chị bị anh cằn nhằn vì chăn màn gấp không đúng quy cách, nội y treo bừa bãi trong phòng ngủ. Đến khi thằng cu con ra đời, sự kỹ tính của anh khiến gia đình họ mất hết bạn bè. Mọi người không ai dám nựng nịu thằng nhỏ, vì lúc nào anh cũng sợ nó bị vi khuẩn truyền sang. Do đó, Hà phải nghỉ hẳn công việc để ở nhà chăm con. Đi làm về, thấy có người lạ bế thằng bé là anh hầm hầm nổi giận. Riết rồi ngôi nhà của hai vợ chồng như một ốc đảo, mọi người dần tránh xa.

Mỗi khi anh về nhà sau chuyến công tác vài ngày, chị Hà cảm thấy mình như kẻ tội đồ. Anh đi kiểm tra khắp nơi, rầy rà chỗ này bẩn, cái kia để không đúng vị trí, rồi anh lập tức xoay trần ra dọn dẹp, vừa làm vừa trách mắng. Lúc đầu, chị còn giúp, sau này chị mặc kệ. Sự việc xảy ra mới đây đã khiến mâu thuẫn của họ thêm trầm trọng. Mẹ chị ở quê lên thăm con, dắt theo dì Hai. Người ở quê thật thà chất phác và tự nhiên trong sinh hoạt, điều này khiến anh bực bội, không vui. Từ trước đến giờ, vật dụng của anh để ở đâu, khi sử dụng xong, phải để lại chỗ cũ. Dì Hai vô ý khi lấy cái dao rọc giấy của anh trên bàn, mang xuống bếp gọt trái cây. Chuyện có thế mà Hải làm ầm lên khiến người dì ngượng ngùng. Thấy quá ngột ngạt, mẹ và người dì vội sớm từ biệt.

Có lần, chị Hà trao đổi thẳng thắn về sự kỹ tính của anh, anh ngạc nhiên, nổi giận: “Cô muốn tôi phải luộm thuộm, dơ bẩn cô mới vừa lòng hay sao”. Sự ức chế đã khiến cả hai như sống ở hai thế giới riêng biệt, hạnh phúc có nguy cơ tan vỡ. Chị Hà tâm sự với bạn bè rằng, chị tự hỏi liệu mình có thể chịu đựng nổi cuộc sống với một người kỹ tính như thế này bao lâu nữa? Nhưng lựa chọn giải pháp ly hôn cũng có phần quá nặng nề, bởi ngoài sự kỹ tính ra, anh luôn làm tròn bổn phận với gia đình, không rượu chè bê tha.

2. Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy, thái quá bản chất là một vấn đề tâm lý, vì thế hướng xử lý cũng phải phù hợp. Như trường hợp của anh Hải, thực tế cũng chưa quá nghiêm trọng đến mức phải ly hôn. Chị Hà có thể chọn cách khéo léo trong phản ứng để tránh đẩy xung đột lên cao. Ví dụ như áp dụng nguyên tắc “khen trước, góp ý sau”. Như việc anh Hải rửa xe ngay trước mặt người mượn, chị có thể khen anh biết giữ gìn xe cộ sạch sẽ, nhưng nếu được, lần sau đợi khách về hãy rửa thì tốt hơn.

Hay nguyên tắc “đặt cảm xúc qua một bên, nêu trực tiếp vấn đề”, do người kỹ tính thường hiếm có thái độ cởi mở khi nhìn mọi thứ từ nhiều khía cạnh. Mong đợi họ đặt mình vào vị trí của bạn là không thực tế. Thay vì lãng phí thời gian và năng lượng để cố gắng làm cho họ hiểu cảm giác của mình, thì tốt nhất bạn nên nêu các sự kiện và giải thích tình hình theo quan điểm khách quan. Nhà bừa bộn khi anh đi công tác, chị có thể giải thích là quá nhiều việc khi anh đi vắng, khi anh về mới có người phụ dọn dẹp… Hiểu rõ bản chất và có cách ứng xử phù hợp sẽ giúp giữ gìn hạnh phúc gia đình, thay vì có các phản ứng tiêu cực.

Tin cùng chuyên mục