Chống khai thác IUU từ cảng cá - Bài 1: Nghiêm từ bến ra biển

Miền Trung hiện có hàng chục cảng cá đủ tiêu chuẩn chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Các cảng cá trở thành cửa ngõ tập trung tàu cá của ngư dân để cơ quan chức năng kiểm soát các quy trình khi xuất bến và khi vào bờ.

Cấp phép, truy xuất nguồn gốc

Từ sáng sớm, tại cảng cá Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), 6 tàu cá đang tiếp cận ban quản lý cảng cá xin lệnh đi biển. Ông Nguyễn Thái Sơn, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá QB-98863, đang làm các thủ tục xuất bến, cho biết: “Trước đây đi biển thì cứ ra là đánh bắt, nay phải đúng luồng, đúng ngư trường”.

Ông Nguyễn Hữu Sáu, Giám đốc cảng cá Quảng Phúc, thông tin, tất cả các tàu xuất bến đều qua quy trình kiểm tra và chứng thực tàu cá rời cảng. Khi vào bờ bán cá, các tàu đều qua quy trình 4 bước gồm: kiểm tra tàu cập cảng, giám sát việc bốc dỡ thủy sản, chứng thực tàu cá cập cảng, cấp giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng.

“Nếu tàu cá cấp sản lượng đánh bắt 10 tấn nhưng chuyến đánh bắt đạt 15 tấn, số sản lượng dôi dư đó phải được lập biên bản, kiểm tra nhật trình. Nếu đánh bắt đúng ngư trường sẽ được tạo điều kiện cho bán, nếu sai sẽ bị xử phạt”, ông Sáu cho hay.

Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Lại, Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà), cho biết, các tàu thuyền xuất nhập cảng phải khai báo thì mới được thực hiện thủ tục tiếp theo. Điển hình như đối với việc triển khai hệ thống truy xuất điện tử eCDT, ban quản lý chỉ chứng thực, giải quyết việc đi biển cho những tàu cá có khai báo điện tử eCDT. Hiện 100% tàu cá đã hoàn thành thủ tục này. Khi nhập cảng, các tàu thuyền phải khai báo đầy đủ thì mới được khai thác, mua bán tại chợ cá…

$4a.jpg
Cán bộ Tổ chống khai thác IUU đang ghi sổ sách để cập nhật vào dữ liệu điện tử trên các tàu cá cập cảng Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: NGỌC OAI

Ở vùng duyên hải Nam Trung bộ, nhiều cảng cá đang đảm nhận vai trò là “xương sống” trong phòng chống khai thác IUU, tiến tới gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Đưa chúng tôi đi kiểm tra từng tàu cá đang vào cập cảng, ông Dương Thành Nam, nhân viên kiểm soát tại cảng cá Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), không ngừng ghi biển số các tàu cá xa bờ vừa cập bến để bán cá.

Ông Nam giải thích: “Khi tàu cá ngoài khơi vào cập cảng phải báo cho cảng trước 1 giờ để chủ động đón tàu. Cảng kiểm tra chặt chẽ hồ sơ về khối lượng, sản lượng, các loài cá… để xác nhận hải sản đủ điều kiện xuất khẩu. Ngoài ra, cảng kiểm soát chặt các loài cá, kích thước được phép khai thác; các loài cá bị cấm khai thác như cá mập, vích biển… Cùng với đó, cảng kiểm tra sổ nhật trình đánh bắt đúng ngư trường”.

Chuyển biến lớn từ ngư dân

Ông Nguyễn Thái Sơn, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá QB-98863 (xã Quảng Tiến, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) bày tỏ: “Vào cảng Quảng Phúc, chúng tôi được cấp hồ sơ xuất bến thông suốt nên yên tâm đánh bắt đúng quy trình chống khai thác IUU. Khi tàu mất liên lạc vệ tinh quá 6 tiếng thì sẽ được hỗ trợ miễn phí máy có tần số cao để giải trình với các cơ quan chức năng, nhờ vậy ngư dân yên tâm hơn”.

$1d.jpg
Tàu cá ngư dân Bình Định vào cảng cá cảng cá Quy Nhơn để làm thủ tục, bốc tổn vươn khơi giữa cao điểm vụ cá ngừ. Ảnh: NGỌC OAI

Trong khi đó, ông Nguyễn Phương Bình (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho rằng, việc ra khơi không còn đơn thuần là lên tàu rồi nổ máy đi bủa lưới tìm cá tôm một cách tùy tiện vì lợi ích cá nhân, mà cần được đặt dưới sự quản lý bài bản, khoa học, có trách nhiệm vì một nghề cá phát triển bền vững.

Vùng khơi mà hai con tàu với công suất 825CV và 865CV của ông Bình vươn tới là ngư trường Hoàng Sa. Một chiếc mang số hiệu ĐNa-910195 TS, chiếc còn lại mang số hiệu ĐNa-91982 TS, tất cả đều gắn thiết bị giám sát hành trình. Việc khai báo thông tin về tàu cá cập cảng, rời cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản đã được thực hiện qua ứng dụng “CDT VN” và được phổ biến tới ngư dân, dần thay cho giấy tờ truyền thống.

“Trước đây, để tìm được ngư trường có nguồn cá dồi dào, ngư dân mất nhiều thời gian dò tìm, tốn kém nhiên liệu. Nay, nhờ thiết bị giám sát hành trình và sự hỗ trợ thông tin từ Chi cục Thủy sản, mỗi con tàu dễ dàng xác định được khu vực khai thác phù hợp, qua đó tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả đánh bắt”, ông Nguyễn Phương Bình chia sẻ.

Xuôi về cảng cá La Gi (tỉnh Bình Thuận), qua quan sát cho thấy, trước một giờ khi tàu xuất bến, thuyền trưởng, chủ tàu cá đều báo cáo với ban quản lý và các lực lượng liên quan, đồng thời nghiêm túc chấp hành việc bật thiết bị VMS trước khi ra khơi. Sau khi tàu cập bến, ngư dân tự giác nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác và nhật ký thu mua cho ban quản lý cảng cá để theo dõi.

“Lúc đầu mọi thứ còn bỡ ngỡ, mới lạ, nhưng nhờ sự hướng dẫn của ban quản lý cảng cá, lực lượng kiểm ngư, lực lượng biên phòng, giờ bà con ai nấy đều thực hiện trơn tru. Quá trình khai thác trên biển diễn ra an toàn, không còn lo sợ tàu vi phạm đánh bắt không đúng ngư trường. Đó là chuyển biến lớn với ngư dân trong thực thi chống khai thác IUU”, ngư dân Lê Văn Tình (ngụ thị xã La Gi) bày tỏ.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, thông tin, trong 3 tháng đầu năm 2025, các cảng cá đã thống kê được gần 12.500 lượt tàu cá cập cảng, rời cảng, giám sát gần 6.000 tấn hải sản bốc dỡ qua cảng, thu hơn 4.200 sổ nhật ký khai thác, thu mua, chuyển tải thủy sản.

Các cảng cá được cấp phép chống khai thác IUU đều cố gắng để góp phần gỡ “thẻ vàng” EU cũng như hàng chục ngàn tàu cá khắp miền Trung đang chuyển biến lớn khi lấy ngư dân làm trung tâm thay đổi cho khai thác thủy sản bền vững .

Tin cùng chuyên mục