Số vụ vi phạm được cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý năm sau luôn tăng cao so với năm trước. Đáng lưu ý hơn, có không ít vụ hàng lậu vào đến nội địa, sắp tung ra thị trường mới bị phát hiện.
“Kẽ hở” phân luồng
Tính riêng lực lượng hải quan, từ đầu 2015 đến nay đã phát hiện, xử lý gần 500 vụ buôn lậu, GLTM tại Cảng Cát Lái. Cụ thể, năm 2015 là 165 vụ, năm 2016 lên đến 206 vụ, 6 tháng đầu năm 2017 có 107 vụ. Hai nhóm hàng vi phạm phát hiện nhiều nhất là hàng kiểm soát chất lượng và hàng cấm. Trong cảng là vậy, còn ở khu vực hành lang cửa khẩu cảng, từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ đội Biên phòng TPHCM phát hiện, bắt giữ 5 vụ, trong đó có vụ hàng hóa nhập lậu giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Theo Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan TPHCM), trên thực tế, số trường hợp vi phạm chưa bị phát hiện và số trường hợp có dấu hiệu vi phạm đang được lực lượng chức năng xác minh, làm rõ còn cao hơn nhiều.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu, GLTM tăng cao, diễn biến phức tạp? Theo tìm hiểu của chúng tôi, khâu xuất - nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Cát Lái thông qua việc phân luồng đang là “kẽ hở” góp phần làm phát sinh, tồn tại nạn buôn lậu, GLTM. Cụ thể, khi doanh nghiệp (DN) khai hải quan điện tử, hệ thống máy tính của hải quan sẽ phân loại hàng hóa theo “luồng”. Nếu máy phân loại “luồng đỏ”, lô hàng sẽ được cán bộ hải quan trực tiếp kiểm tra hàng chứa trong container; trường hợp máy phân “luồng vàng”, lô hàng chỉ qua kiểm tra hồ sơ; còn máy phân “luồng xanh” thì hàng hóa được miễn kiểm tra, tức được thông quan.
Dẫu biết rằng việc phân loại “luồng xanh” của hải quan là dựa vào “lý lịch” tốt của DN (chấp hành tốt các quy định về hải quan, làm tốt nghĩa vụ đóng thuế…), nhưng nếu chỉ với các yếu tố trên mà “ưu ái” thông quan thì quả là khó kiểm soát nạn buôn lậu, GLTM. Bởi hôm nay DN thực hiện tốt quy định, nhưng chưa chắc ngày mai không vi phạm. Chưa kể, một số trường hợp DN làm ăn gian dối, buôn lậu, thuê DN được phân “luồng xanh” mở tờ khai hải quan để dễ dàng nhập lậu hàng hóa vào nội địa. Thực tế thời gian qua, cơ quan điều tra của Công an TPHCM và Bộ Công an đã thụ lý nhiều vụ buôn lậu mà đối tượng là DN được hải quan phân loại “luồng xanh”, “luồng vàng”.
Ngoài “kẽ hở” phân luồng, tình trạng buôn lậu và GLTM còn diễn biến phức tạp bởi nhiều chiêu thức mới, tinh vi. Theo đại tá Nguyễn Hồng Dũng, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm và ma túy (Bộ đội Biên phòng TPHCM), lợi dụng việc pháp luật cho phép DN tự vận chuyển, quản lý hàng hóa quá cảnh đến các cửa khẩu đường bộ, gần đây không ít DN trong nước đã nhập lậu hàng hóa vào nội địa. “Chiêu thức là sau khi hàng hóa tạm nhập để tái xuất được thông quan tại Cảng Cát Lái, thay vì cho xe chở hàng thẳng sang Campuchia để tái xuất theo quy định, DN lại đưa về kho (ở các quận, huyện của TP hoặc các tỉnh Long An, Tây Ninh) để rút ruột container, lấy hàng tiêu thụ trong nội địa. Sau đó cho xe chở container rỗng hoặc chứa rau quả đi Campuchia để hợp thức hóa hành vi vi phạm”, ông Dũng cho hay.
Lắp máy soi chiếu ngay cửa cảng
Trước chiêu thức tinh vi của các DN làm ăn gian dối, Cục Hải quan TPHCM cho biết đã có văn bản đề nghị Sở Giao thông Vận tải phối hợp, chia sẻ thông tin hộp đen đối với ô tô vận chuyển hàng hóa tạm nhập tái xuất khi có dấu hiệu nghi vấn. Về lâu dài, đơn vị kiến nghị lắp đặt seal (thiết bị vừa niêm thùng container vừa có chức năng định vị) để có thể kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm của DN. Cơ quan này cũng kiến nghị cần nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục về hàng quá cảnh, vì mức phạt 10 - 30 triệu đồng như hiện nay chưa đủ sức răn đe.
Để ngăn chặn hiệu quả nạn buôn lậu, GLTM ở Cảng Cát Lái, ngành công an và các cơ quan hữu quan đã đề nghị lắp đặt hệ thống máy soi chiếu nhận biết hàng lậu ở ngay cửa cảng, với sự tham gia giám sát của nhiều ngành và đơn vị chức năng để tránh tình trạng một đơn vị kiểm soát, dễ phát sinh tiêu cực. Về lâu dài, cần tính đến phương án tất cả hàng hóa xuất nhập tại cảng đều phải được kiểm soát, kiểm tra thực tế, cũng như truy cứu trách nhiệm của cơ quan thông quan khi hàng nhập lậu được phát hiện trong nội địa.
Ông Lê Nguyên Linh, Phó chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn - Khu vực 1, cho biết đơn vị đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn nạn buôn lậu, GLTM phát sinh tại cảng. Trong đó, tập trung 2 giải pháp chính là tăng cường kiểm soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm và đẩy mạnh tuyên truyền để DN chấp hành các quy định về hải quan. Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn - Khu vực 1 kiến nghị, khi cấp phép đăng ký kinh doanh cho DN, cơ quan cấp phép cần chặt chẽ. “Bởi trên thực tế, khi phát hiện nhiều lô hàng nhập về cảng có dấu hiệu khả nghi, hải quan mời chủ hàng là DN đến làm việc. Biết hành vi vi phạm của mình bị phát giác, nhiều DN “bỏ của chạy lấy người”, không nhận là chủ hàng. Tiến hành xác minh trụ sở DN thì địa chỉ trên giấy đăng ký kinh doanh là địa chỉ “ma”, không có thật. Thực tế này đã gây nhiều khó khăn trong việc xử lý DN vi phạm”, ông Linh nói.
Thực tế trên cho thấy, buôn lậu và GLTM đang diễn biến phức tạp nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Một khi tình trạng này còn kéo dài, các hệ lụy kéo theo như rối loạn thị trường nội địa do DN cạnh tranh không lành mạnh, Nhà nước thất thu thuế, người tiêu dùng trong nước sử dụng hàng kém chất lượng… hẳn còn tiếp diễn.
Theo ông Lê Nguyên Linh, giải pháp lắp đặt hệ thống máy soi chiếu nhận biết hàng lậu ở cửa khẩu Cảng Cát Lái là không khả thi, dễ dẫn đến ùn tắc phương tiện ở khu vực cảng. “Ngoài ra, nếu lắp đặt thì phải lắp từ 4 - 5 máy, rồi thêm kinh phí bảo trì, bảo dưỡng, tốn hao nhiều ngân sách. Trong khi bên trong cảng đã có nhiều hệ thống máy soi chiếu”, ông Linh nói.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Mẫu Chi, Phó chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn - Khu vực 1, cho rằng việc lắp đặt máy soi chiếu ở cửa cảng còn ảnh hưởng đến sức khỏe của tài xế xe container, vì họ không có trang phục ngăn tia hồng ngoại từ máy soi.