Chống hàng giả, hàng nhái: Cần sự hợp lực nhiều phía

Bức xúc lớn nhất của các doanh nghiệp (DN) chính là hàng giả, hàng nhái bán công khai, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm thật, thậm chí công bố thẳng rằng sản phẩm của mình là “fake” (nhái). Vì muôn vàn lý do khác nhau, người tiêu dùng vẫn đổ xô mua hàng, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các DN làm ăn chân chính. Thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, hàng giả, hàng nhái gây thất thoát cho DN nói riêng, nền kinh tế nước ta nói chung với số tiền ước tính lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. 
 
Mặt hàng giày nhái thương hiệu bày bán trên thị trường Ảnh: THÀNH TRÍ
Mặt hàng giày nhái thương hiệu bày bán trên thị trường Ảnh: THÀNH TRÍ
Bắt cóc bỏ dĩa 

Mặc dù lực lượng chuyên trách (quản lý thị trường, công an kinh tế, hải quan…) vẫn thường xuyên phối hợp để cùng kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các sản phẩm hàng hóa giả mạo, xâm phạm bản quyền tràn vào nước ta, nhưng cuộc chiến này chưa có hồi kết bởi siêu lợi nhuận có được từ hàng giả, hàng nhái đã khiến nhiều đối tượng vi phạm. Số liệu mới nhất từ Cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công thương) cho biết, tính riêng trong quý 1-2017, Cục QLTT đã phát hiện gần 5.500 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với số tiền xử phạt gần 16 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2016, lực lượng QLTT trên cả nước phát hiện, xử lý khoảng 30.000 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 93 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm hơn 1.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số các vụ vi phạm nêu trên có 1.632 vụ giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì; 499 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (trị giá hàng vi phạm trên 13 tỷ đồng); 25.060 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa (trị giá hàng trên 989 tỷ đồng)… Tại TPHCM, từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục QLTT TPHCM đã xử phạt khoảng 1.400 vụ vi phạm (hàng giả, hàng nhập lậu, hàng nhái…) với tổng số tiền trên 55 tỷ đồng. 

Thế nhưng, qua đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, những con số thật về số vụ vi phạm có lẽ lớn hơn rất nhiều, do hàng hóa được vận chuyển qua đường tiểu ngạch nên rất khó kiểm soát. Cũng có nơi thành lập hẳn những xưởng gia công quy mô gia đình rải khắp cả nước. Chính từ thực tế này, một số tổ chức thế giới đã thừa nhận, việc kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái được xem như “mảnh đất màu mỡ” nuôi sống các DN bất chính. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết việc xử lý, giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay mới chỉ ở phần ngọn nên dễ rơi vào cảnh “bắt cóc bỏ dĩa”. ở các tỉnh miền Bắc có những điểm chuyên sản xuất hàng giả, hàng nhái với quy mô rất lớn. Lực lượng chức năng từng đến kiểm tra, xử phạt rất nhiều lần, nhưng sau đó lại tiếp tục vi phạm.  

Kiên quyết chống hàng dỏm

Có một thực tế hiện nay, đó là không ít DN lo ngại công khai danh tính, tên tuổi thương hiệu, sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, sợ người tiêu dùng tẩy chay hàng thật. Chính vì vậy, một số DN chỉ âm thầm thành lập tổ pháp lý để truy tìm dấu vết của hàng giả và khởi kiện. Nhưng quy trình này cũng cực kỳ vất vả, tốn kém. Vụ Công ty Intermix, Công ty Đại Phong, Công ty CP Giấy Sài Gòn… bị làm nhái, làm giả thương hiệu phải kêu cứu đến các cơ quan chức năng thời gian gần đây là một trong những ví dụ điển hình của việc hàng dỏm lộng hành, đe dọa hàng thật. Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), nói thẳng DN phải kiên trì bảo vệ mình và cần dũng cảm đứng ra tố cáo sai phạm. Không tố cáo, chấp nhận “sống chung” với hàng giả, hàng nhái tức là tạo điều kiện, đồng lõa với sai phạm. 

Vậy làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại cho DN cũng như người tiêu dùng? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Đội trưởng Đội 7, PC46 - Công an TPHCM, hướng dẫn: “Trước tiên, DN cần đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ để được bảo hộ. Khi phát hiện hành vi vi phạm (hàng nhái, giả mạo…), DN nên thu thập mẫu vi phạm gửi về Cục Sở hữu trí tuệ, yêu cầu đơn vị này so sánh, kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm. Sau đó, DN đến báo với cơ quan chức năng như công an, QLTT, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ… Từ đó chúng tôi tiếp quản hồ sơ, tiến hành các thủ tục theo luật định. Nếu không có trả lời của Cục Sở hữu trí tuệ thì lực lượng liên ngành không làm được, rất dễ xảy ra sai phạm”.

Luật sư Trương Thị Hòa góp ý, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái cần có sự hỗ trợ tổng lực, bao gồm: hệ thống luật pháp chặt chẽ; cán bộ cơ quan chuyên trách có nghiệp vụ, chuyên môn vững vàng; ý thức, trách nhiệm của người tiêu dùng cũng như DN… 

Tin cùng chuyên mục