Nước ngầm cung cấp 65% nước uống và 25% cho mục đích tưới tiêu nông nghiệp tại 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức và biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở những khu vực đang đô thị hóa và gia tăng dân số, khiến nguồn nước ngầm cạn kiệt dẫn đến nhiều tác động tiêu cực.
Theo Vania Sousa, nhà nghiên cứu môi trường tại Đại học Algarve, Bồ Đào Nha, giống như nhiều nơi khác ở Nam Âu, miền Nam Bồ Đào Nha đang phải trải qua hạn hán và lượng mưa giảm, ảnh hưởng đến năng suất của ngành nông nghiệp trong khu vực: “Với tác động của biến đổi khí hậu, không thể mong đợi hạn hán sẽ giảm bớt mà chúng ta cần cùng nhau tìm ra các giải pháp bền vững mới để giúp giải quyết tình trạng thiếu nước trong khu vực”.
Dưới sự dẫn dắt của các nhà khoa học môi trường từ Đại học Algarve, được hỗ trợ bởi dữ liệu khí hậu như dự báo thủy lợi và mô hình thời tiết lịch sử, dự án eGroundwater là một ứng dụng di động tập trung vào phương pháp tiếp cận tập thể đối với việc quản lý nước ngầm; nhằm mục đích cung cấp cho nông dân và người sử dụng nước ngầm thông tin tổng hợp về tình trạng nguồn cung cấp nước và thông số kỹ thuật, đồng thời cho phép người dùng tải lên và chia sẻ dữ liệu của riêng họ. Ứng dụng này kết hợp các dự báo khí tượng theo mùa từ Copernicus Climate Change Service (C3S) được sử dụng để dự đoán lượng mưa tích lũy ở các khu vực nông nghiệp.
Điều này giúp nông dân dự đoán hạn ngạch nước của họ và tối ưu hóa việc sử dụng nước trong mùa tưới tiêu. Những cải tiến như ứng dụng eGroundwater mang đến sự thay đổi lớn trong việc sử dụng và quản lý nước, trao lại quyền lực cho người sử dụng nước. Phương pháp này đang chứng minh được sự thành công ở các khu vực lân cận bao gồm Morocco, Algeria và Tây Ban Nha. Vẫn theo nhà nghiên cứu Vania Sousa, tất cả đều bắt đầu bằng việc thu thập và nhập dữ liệu về khí hậu: “Dữ liệu lớn và Hệ thống thông tin nâng cao (EIS) là chìa khóa để vượt qua trở ngại, cung cấp cho người dùng, người quản lý dữ liệu thông tin hữu ích, chính xác và hợp lý”.
Nền tảng này tạo điều kiện cho việc mô phỏng sử dụng nước, cùng xây dựng các kịch bản quản lý mới, thiết lập hệ thống thông tin công dân về tình trạng sẵn có của nước ngầm và động lực hỗ trợ giải pháp eGroundwater. Các kỹ thuật thu thập dữ liệu của họ bao gồm các hệ thống quan sát trái đất (máy bay không người lái, cảm biến từ xa) và cảm biến tự động (mức độ ẩm của đất) - những công cụ giúp cộng đồng nông dân chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Ví dụ, dữ liệu về chất lượng đất có thể chỉ ra liệu cây trồng có đủ lượng nước tối ưu hay không và có thể giảm lượng nước tưới tới 20% mà không làm giảm năng suất.
Các hoạt động của dự án cũng giúp các nhà nghiên cứu tại Đại học Algarve nâng cao hiểu biết về tác động của con người lên hệ thống tầng chứa nước và mối quan hệ với các nguồn nước kết nối. Bà V.Sousa kết luận: “Vì lý do này, tôi thực sự nghĩ rằng các cộng đồng tại địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng khả năng phục hồi trước các tác động của khí hậu”.