Chống hạn cho cà phê, sâm Ngọc Linh

Những ngày này, giữa thời tiết đang khô hạn gay gắt, người dân tất bật tìm nguồn nước “giải khát” cho cây cà phê và sâm Ngọc Linh.

hhhh.jpeg
Anh A Blinh chống hạn cho cây sâm Ngọc Linh

Gùi nước chống hạn cho sâm

Tại Tây Nguyên, sâm Ngọc Linh được trồng tại tỉnh Kon Tum, trên dãy núi Ngọc Linh. Hiện tỉnh Kon Tum đã phát triển được khoảng 2.400ha sâm Ngọc Linh, nằm hầu hết ở huyện Tu Mơ Rông. Khoảng 2 tháng nay, thời tiết khô hạn, các khu vực trồng sâm trên rừng già thiếu nước. Người dân lên núi chống hạn cho sâm.

Những ngày này, chúng tôi băng rừng lên tiểu khu 204 (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) và chứng kiến một nhóm đồng bào Xơ Đăng đang gùi nước từ suối để tưới cho sâm. Anh A Blinh (xã Đăk Na) xách 2 xô nước, rồi đưa tay phun đều lên từng luống sâm. Những giọt nước dần thấm làm dịu mát những lớp đất khô cằn. Lá, thân cây sâm được tiếp nước, giúp cây có thêm chất dinh dưỡng để sinh trưởng.

“Mình trồng 100 cây sâm dưới tán rừng, nay đã được 2 năm tuổi. Mấy tháng nay trời hanh khô, sâm thiếu nước. Để cứu sâm, trước tết gia đình lên núi gùi nước tưới cho cây. Nay đất tiếp tục khô, nên phải tưới tiếp để cây phát triển, cho hạt. Sau đợt tưới này, nếu không có mưa, mình tiếp tục lên núi chống hạn cho sâm”, anh A Blinh nói.

gfđ.jpeg
Người dân xã Đăk Na chống hạn cho sâm Ngọc Linh

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết, trên địa bàn, có 256 hộ trồng sâm. Do thời tiết khô hạn nên thời gian qua, người dân tạm gác việc nương rẫy thay phiên nhau tất bật lên núi chống hạn cho sâm. Người dân dùng nước tự chảy hoặc gùi nước từ các con suối để tưới cho sâm. Nhờ chăm chỉ chống hạn, đến nay, cây sâm của 256 hộ dân trên địa bàn được chăm sóc tốt, chưa phát sinh thiệt hại do khô hạn.

Bà Hoàng Thị Thùy Dung, quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông cho biết, sâm Ngọc Linh là cây trồng giá trị cao, được kỳ vọng sẽ giúp đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Xác định chống hạn cho cây sâm là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã khuyến cáo người dân cần cung cấp đủ nước cho sâm, đồng thời, hướng dẫn các kỹ thuật tưới chống hạn để cây không bị úng, thối củ. Hơn 1 tháng chống hạn cho sâm, đến nay, sâm đang phát triển tốt. Đơn vị vẫn đang cùng người dân theo dõi thời tiết và huy động các nguồn nước từ các khe suối để sẵn sàng tưới cho sâm.

Sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm

Tây Nguyên có 639.000ha cà phê. Người dân đang tập trung chăm sóc, chống hạn để cây đủ nước, giúp cây cho ra nhiều quả.

GHDFR.jpeg
Ông Đặng Văn Nhân huy động nước để chống hạn cho cà phê

Đi dọc làng Breng 3 (xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), chúng tôi thấy những vườn cà phê khô khốc, dưới gốc cây, đất nứt nẻ. Tại khu vườn 1ha ở làng Breng 3, ông Đặng Văn Nhân (xã Ia Der) đang tất bật lấy nước tưới cho cà phê. Ông dùng máy bơm bơm nước từ giếng, rồi dùng ống tưới vào các gốc cà phê. Chừng 5 phút tưới cho một gốc cây cà phê, ông di chuyển ống sang tưới cho các cây khác. “Thời tiết đang khô hạn. Gia đình mới tưới đợt 2. Lượng nước còn trong giếng rất ít. Năm nay, khả năng không đủ nước tưới cho vườn cà phê. Tranh thủ lúc còn nước, gia đình tập trung tưới, chống hạn cho cây”, ông Nhân nói.

Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, huyện đã phát triển được 16.000ha cà phê. Dự báo sắp tới, khô hạn sẽ kéo dài, nguy cơ thiếu nước tưới. Để chống hạn cho cà phê, huyện đã khuyến cáo người trồng cà phê chủ động điều tiết nguồn nước tưới. Khi tưới, người dân cần tưới nước tiết kiệm thông qua việc sử dụng công nghệ tưới hiện đại.

Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT) cho biết, giai đoạn này trở đi, nông dân cần tưới duy trì để cây cà phê phát triển, giữ cho quả không bị hư. Để tưới nước cho cà phê, người dân cần căn cứ tình hình thực tế để điều chỉnh lượng nước cho phù hợp. Trong đó, để phòng ngừa hạn hán kéo dài, người dân cần tưới đúng và tưới đủ, tưới tiết kiệm nước. Nông dân có thể bón thêm phân kali, để giúp cà phê chống chọi với điều kiện thời tiết bất lợi, nắng nóng.

Tin cùng chuyên mục