Chống hạn bằng năng lượng plasma

“Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu những tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Vùng Lưỡng hà là nơi nông nghiệp phát triển, nhưng giờ đây mọi người đang phải vật lộn với biến đổi khí hậu và hạn hán”, Beyza 17 tuổi, á quân Giải thưởng Trái đất, chia sẻ.

Trong khi nhiều người trẻ trên thế giới tuần hành đòi hỏi hành động vì khí hậu, Beyza đã tận dụng trí tuệ khoa học của mình để phát triển “giải pháp cây trồng chống hạn bằng năng lượng plasma”. Diyar 18 tuổi, đang làm việc trong dự án với tên gọi Plantzma này với Beyza, cho biết: “Vì không thể thay đổi khí hậu nên chúng tôi đang cố gắng giải quyết hậu quả của nó”. Cùng với các nhà phát minh trẻ khác trong nhóm nghiên cứu mang tên Ceres, họ tham gia cuộc thi Giải thưởng Trái đất, một cuộc thi toàn cầu về tính bền vững của môi trường dành cho học sinh sinh viên.

$8a.jpg
Á quân Giải thưởng Trái đất với thiết bị sử dụng năng lượng Plasma

Beyza kể: “Ý tưởng về Plantzma xuất phát từ những thách thức về nông nghiệp mà chúng tôi quan sát được trong cộng đồng và gia đình mình, khi nông dân phải đối mặt những con số đáng ngại: lượng mưa giảm 40% dẫn đến mất mùa 80%”. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, khả năng mất mùa trên toàn cầu dự kiến ​​sẽ cao hơn tới 4,5 lần vào năm 2030 và cao hơn 25 lần vào năm 2050. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của nông dân và an ninh lương thực mà còn dẫn đến tình trạng sử dụng quá nhiều phân bón, khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn do ô nhiễm và thoái hóa đất. Beyza và nhóm của cô quyết tâm giải quyết những vấn đề này bằng Plantzma, một thiết bị tận dụng plasma để tạo ra các loại cây trồng có sức sống tốt hơn và làm giàu nước tưới.

Nhóm Ceres ước tính, với mức giá 176EUR, một thiết bị có thể ngăn ngừa mất mùa tới 60% và giảm lượng phân bón sử dụng tới 40%. “Chúng tôi giới thiệu sản phẩm với những người nông dân và họ rất vui khi thấy sản phẩm này”, Beyza nói. Plasma - trạng thái thứ tư của vật chất bên cạnh trạng thái rắn, lỏng và khí, “về cơ bản là không khí ion hóa siêu tích điện”, Diyar giải thích. “Các hạt siêu nóng của nó có nhiều năng lượng đến mức các electron tách khỏi nguyên tử của chúng. Không giống như khí, nó dễ dàng dẫn điện”. Beyza giải thích thêm rằng plasma hiếm trên Trái đất nhưng lại rất phổ biến trong không gian. Hành trình của cô với plasma là minh chứng cho sự ham học hỏi và vượt ra ngoài phạm vi trường lớp. “Tôi nghĩ đến việc sử dụng plasma vì tôi thích các ngoại hành tinh”, Beyza nhớ lại.

Theo Diyar, “trong quá trình xử lý trực tiếp, chúng tôi xử lý hạt giống trong thùng chứa bằng plasma trước khi nuôi cấy, cải thiện tỷ lệ nảy mầm và tiềm năng sinh trưởng ngay từ đầu bằng cách tạo ra các vết nứt nano trên bề mặt của hạt giống. Điều này làm tăng khả năng chống lại bệnh tật, hạn hán và các tác nhân gây căng thẳng khác về môi trường. Trong quá trình xử lý gián tiếp, chúng tôi xử lý nước tưới bằng plasma, làm giàu các đặc tính của nước để có lợi cho sự phát triển của cây trồng và quá trình đó biến nước thành phân bón plasma (thân thiện với môi trường, giàu nitơ), cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng và kích thích trái cây và rau quả phát triển”. Để giải pháp này có thể được triển khai ở mọi khu vực, địa hình, nhóm sáng chế trẻ đang cố gắng huy động vốn để phát triển ý tưởng và mục tiêu xa hơn là mở rộng dự án ra quốc tế.

Tin cùng chuyên mục